Thương lái: Một bộ phận của giới doanh nhân

Dương Trung Quốc Tổng thư ký Hội Sử học Việt Nam| 26/04/2010 05:23

Đã đến lúc xã hội cần nhìn nhận công bằng đối với thương lái - những người đã và đang tạo nên sự lưu thông cũng như góp phần gia tăng giá trị sản phẩm hàng hóa trên thị trường.

Thương lái: Một bộ phận của giới doanh nhân

Đã đến lúc xã hội cần nhìn nhận công bằng đối với thương lái - những người đã và đang tạo nên sự lưu thông cũng như góp phần gia tăng giá trị sản phẩm hàng hóa trên thị trường. Họ chính là một bộ phận của giới doanh nhân.

Xuất phát từ chợ làng...

Từ “thương lái” được sử dụng phổ biến ở miền Nam, trong khi miền Bắc gọi những người này là “dân buôn”. Có thể nói, cách gọi đó cho thấy cái nhìn còn tiêu cực về bộ phận người làm lưu thông hàng hóa trên thị trường Việt Nam từ xưa đến nay, với quan niệm nghiêng về phía đánh giá “chuẩn mực đạo đức khơng phù hợp”.

Thương lái thu mua lúa tại huyện Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ - Ảnh: Hoài Phương

Tập quán xã hội cũng như nhận thức của không ít người dân đều có sự rẻ rúng đối với những người làm nghề này. Có lẽ, đó là do ảnh hưởng còn nặng nề của quan niệm đạo đức Khổng giáo bảo thủ của người Trung Quốc, mà người Việt Nam trong lịch sử đã khai thác nó một cách cứng nhắc.

Do đặc trưng riêng của xã hội cổ truyền Việt Nam, làng xã là xương sống của xã hội, kinh tế làng xã luôn giữ vai trị chủ đạo, sức mua gắn liền với tập quán kinh tế tự cung tự cấp, nên chợ làng đóng một vị trí giao thương quan trọng trong không gian nhỏ bé của làng xã. Và từ đây đã xuất hiện vai trị của tầng lớp thương lái.

Thực tế thì vai trò của thương lái ban đầu không lớn. Nhất là ở miền Bắc thời xưa, với kinh tế nông nghiệp manh mún. Nhưng ở miền Bắc, trong lịch sử cũng đã xuất hiện, tồn tại và phát triển những làng nghề mà hầu hết dân cư trong làng đều... đi buôn và khá thành công, như làng Phù Lưu, làng Đình Bảng ở Bắc Ninh, làng Vĩnh Tường ở Vĩnh Phúc. Ở Hải Dương, gần đây đã phát hiện những tư liệu lịch sử về một nhân vật chưa được người hôm nay biết đến, không rõ đó là một chủ sản xuất hay một thương lái, nhưng là người đã góp phần đưa gốm Chu Đậu ra thị trường và trở thành một “thương hiệu” từ nhiều thế kỷ trước. Mới chỉ biết đó là một phụ nữ. Nếu tư liệu đó đúng, khẳng định vai trị “thu gom sản phẩm”, thì đó là một nữ thương lái.

Thương lái đã trở thành người kết dính xã hội tiểu nông trong lịch sử, tập trung nhiều hơn ở phía Nam và ít hơn ở miền Trung, miền Bắc. Có thời kỳ, vai trò thương lái rơi vào tay người Hoa - một dân tộc vốn có truyền thống và kinh nghiệm về giao thương hàng hóa.

Miền Nam, do đặc điểm địa kinh tế, địa dân cư, đã có một tầng lớp không phải tiểu nông, sống bằng nghề thu gom, bao tiêu nông sản, đặc biệt là lúa gạo, khiến vùng này sớm trở thành nơi xuất khẩu gạo và nông sản đầu tiên trong cả nước. Vai trò thương lái ở đây thấy rõ hơn, nổi trội hơn, và rất quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của người dân.

Cộng đồng người Minh Hương đến Việt Nam thời nhà Trịnh, đến thời nhà Nguyễn, chính sách khôn ngoan của triều đình đã biến họ thành một bộ phận dân cư có vai trò đóng góp đáng ghi nhận về mặt kinh tế đối với miền Nam, trong đó có vai trò lưu thông, phân phối hàng hóa.

Nhìn rộng ra thế giới, tầng lớp thương lái Việt Nam trong lịch sử dù không mở được những “con đường tơ lụa”, nhưng đã góp phần tạo nên những thương cảng nổi tiếng như Hội An, Phố Hiến. Hội An với những ngôi nhà dài, chủ yếu là để làm kho chứa hàng, lại là một địa chỉ thuận lợi về hàng hải nên đã rất phát triển trong bối cảnh Nam - Bắc phân tranh, hai bên đều nỗ lực tìm kiếm nguồn hỗ trợ từ giao thương với bên ngoài.

Nhìn chung, trong lịch sử chúng ta không có nhiều thương gia lớn như Bạch Thái Bưởi (ông còn là nhà công thương). Thương lái Việt Nam chủ yếu là lực lượng “không tên”. Tầng lớp thương nhân thời Pháp thuộc phần lớn không có môi trường kinh doanh đúng nghĩa.

Thời chiến tranh, ở phía Nam, một số hoạt động dựa vào các tập đoàn quân sự và chết yểu, do không đủ sức và là doanh nhân đúng nghĩa. Phải nói rằng cho đến bây giờ chúng ta mới bắt đầu có “lịch sử thương nhân Việt Nam” một cách đúng nghĩa.

...Và trở thành một bộ phận của doanh nhân

Thương lái là một tầng lớp có lý do để tồn tại theo sự phân công xã hội. Không nên nói về “công hay tội” của họ, mà phải thấy rằng khi xã hội chưa xuất hiện những thương nhân, doanh nghiệp lớn, thì thương lái chính là người đảm đương công việc mua và lưu thông hàng hóa, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của đời sống, từ tư liệu sản xuất đến hàng hóa tiêu dùng. Họ chính là một bộ phận của doanh nhân Việt Nam.

Người làm hàng xáo cũng vất vả chẳng kém nông dân - Ành: Cao Tâm

Những vấn đề đặt ra với thương lái cũng là những vấn đề đặt ra với thương nhân Việt nói chung. Một xã hội tiểu nông sẽ tạo ra những căn tính, tập tính của đội ngũ thương nhân không quen nhìn xa trông rộng, không hướng tới lợi ích lâu dài, chủ yếu là ứng biến, cơ hội. Sự ứng biến đó của thương lái có thể gây ra thiệt hại về lợi ích cho một bộ phận người dân, khi mà họ chưa tạo ra được một hệ thống ứng xử trên nền tảng luật pháp. Đây cũng chính là vấn đề đạo đức doanh nhân, văn hóa doanh nhân mà xã hội Việt Nam hiện đại đang tiếp tục phải đặt ra.

Trong xã hội hiện đại, thương lái vẫn còn điều kiện đóng góp tích cực cho xã hội. Họ phải tự mình thay đổi để có thể đáp ứng được những yêu cầu mới trong bối cảnh mở rộng giao lưu kinh tế, tăng cường giao thương hàng hóa với nhiều thị trường lớn trên thế giới.
Chỉ điều đó mới giúp họ tồn tại và mang lại lợi ích cho chính họ.

Tôi muốn đề cập một vấn đề nảy sinh trong quá trình phát triển, khi người ta thường có tâm lý vội vã và xu hướng vươn tới cái vĩ mô, mà quên đi những gì vốn gần gũi, phù hợp với mình. Đó là mô hình hợp tác xã mua bán, dịch vụ, tiêu thụ nay đã bị thu hẹp và gần như không tồn tại. Đó là những cơ sở dịch vụ, kinh doanh quy mô nhỏ, có ưu thế ngay cả trong xã hội hiện đại.

Không phải bỗng nhiên mà từ rất sớm, vào thời điểm 1945-1946, Hồ Chủ tịch đã đưa vào nước ta mơ hình hợp tác xã. Hiện tại, bên cạnh việc cổ vũ, tạo điều kiện hoạt động cho những doanh nghiệp xuất nhập khẩu có quy mô lớn, thì chớ quên lực lượng thương lái - những người đang hàng ngày đi vào từng ngõ ngách đời sống, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của người dân, phù hợp với bối cảnh và điều kiện kinh tế chưa có nhiều khả năng “làm ăn lớn” của đất nước. Cần phải tôn vinh họ, đồng thời tạo ra hành lang pháp lý thuận lợi cho việc thực thi, tìm ra hình thức tổ chức thích hợp, mô hình kinh tế thích hợp...

Trên thế giới, người ta cũng không chỉ chú mục vào các tập đoàn lớn. Chia sẻ lợi ích đang là khuynh hướng của xã hội hiện đại, do vậy, việc quan tâm hơn đến lực lượng thương lái là cần thiết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thương lái: Một bộ phận của giới doanh nhân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO