Thoáng nhưng chưa thông

PHƯƠNG QUYÊN| 01/09/2010 09:34

Chênh lệch về thói quen tiêu dùng, phải chi trả quá nhiều khoản phí không tên... Campuchia liệu có còn là thị trường thực sự hấp dẫn đối với doanh nghiệp Việt Nam?

Thoáng nhưng chưa thông

Chênh lệch về thói quen tiêu dùng, phải chi trả quá nhiều khoản phí không tên... Campuchia liệu có còn là thị trường thực sự hấp dẫn đối với doanh nghiệp Việt Nam?

Bài 1: Lạc quan bán hàng, lo toan vận chuyển

Với dân số khoảng 14 triệu người, kinh tế sản xuất còn chưa phát triển nhiều, chính sách nhà nước mở cửa thông thoáng... Campuchia thực sự là một thiên đường cho các doanh nghiệp (DN) nước ngoài. Trên các trục đường chính của thành phố, các bảng quảng cáo rượu, bia, thuốc lá tràn ngập bởi Chính phủ Campuchia cam kết không can thiệp vào dịch vụ, giá cả hay đề ra các quy định về quảng cáo.

Sữa và các sản phẩm từ sữa của Việt Nam xuất khẩu sang Campuchia tăng mạnh trong thời gian vừa qua - Ảnh Quý Hòa

Tuy có hệ thống tiền tệ riêng nhưng thực tế, tiêu dùng ở Campuchia phần lớn là dùng USD. Phó cục trưởng Cục Thương mại đa biên Campuchia cho biết, nhà nước Campuchia không kiểm soát hối đoái với nhà đầu tư nước ngoài, DN được phép chuyển đổi cả vốn lẫn lãi về nước tự do. “Sự cởi mở trên lý thuyết của Campuchia đủ hấp dẫn bất cứ DN của bất cứ quốc gia nào”, ông Trần Vinh Nhung, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM nhận định.

Cùng với Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam đang là một trong những nhà đầu tư lớn của Campuchia. Ông Chu Thắng Trung, Phó vụ trưởng Vụ Châu Á - Thái Bình Dương, cho biết, trong năm 2009, Việt Nam đang có 63 dự án đầu tư vào Campuchia với số vốn khoảng 900 triệu USD, chủ yếu trong các lĩnh vực khoáng sản, cây công nghiệp, điện, viễn thông, ngân hàng. “Theo kế hoạch, trong năm 2010, sẽ có thêm 10 dự án nữa với số vốn 400 triệu USD được phê duyệt”, ông Trung tiết lộ.

Tính trong vòng 20 năm qua đã có 28 dự án với tổng vốn đăng ký 228 triệu USD đầu tư vào thị trường này, chiếm 8% về vốn đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam. Các lĩnh vực đang được DN Việt Nam quan tâm nhiều là thủy điện, khai khoáng và viễn thông. Theo ông Yim Sabo, Vụ Hợp tác song phương, Bộ Thương mại Campuchia, các lĩnh vực mà Campuchia đang cần lại là nông nghiệp, chế biến nông sản, canh tác đất dành cho cây công nghiệp và nhất là dịch vụ y tế...

Theo thống kê của Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ DN (BSA), Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang (ATIP) và Câu lạc bộ DN hàng Việt Nam chất lượng cao, tính đến nay có hơn 60% DN đã có nhà phân phối, đại lý bán hàng tại Campuchia.

Mặc dù vậy, thực tế, vẫn có khá nhiều DN không chen chân được vào thị trường này. Ông Võ Đăng Dũng, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Lâm nghiệp Bình Thuận chia sẻ, trong suốt ba năm qua, DN này đã tìm đường sang Campuchia, đăng ký các dự án trồng rừng, cây công nghiệp nhưng bất thành.

“Có rất nhiều chi phí phát sinh nằm ngoài chứng từ mà DN Việt Nam nói riêng và các nước nói chung, nếu không thông thạo thì cũng vô cùng khó khăn khi đặt vấn đề đầu tư”, ông tiết lộ.

Đó cũng chính là lý do dù đã có tài nguyên đất đai rộng lớn, nguồn nhân công rẻ... Campuchia vẫn không là điểm đến để đặt nhà máy sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia.

Bên cạnh những khuất tất trong thủ tục đầu tư, vấn đề thói quen tiêu dùng cũng là một trở ngại lớn. Theo ông Lâm Thanh Đức, chủ trại gà Thanh Đức, thực tế chỉ có thể xuất khẩu thành phẩm sang Campuchia chứ không thể đầu tư trang trại tại đây. Nguyên nhân là thịt gà công nghiệp không bán được ở thị trường này. “Xin được giấy phép thì có mở trại gà ở Campuchia là đối mặt với thua lỗ. Chỉ có thể xuất khẩu trứng gà”, ông nhận xét.

Ông Châu Minh Nguyện, Phó giám đốc Sở Công Thương Đồng Nai chia sẻ, hai năm liên tục vừa qua, Đồng Nai đều tổ chức cho DN tỉnh sang tận nơi tìm hiểu về thị trường Campuchia, nhưng thực tế là các chuyến khảo sát thị trường đều không mang về kết quả như ý. “Đã đến lúc chúng ta tìm một thị trường khác, song song với việc cố gắng tiếp tục thâm nhập vào Campuchia”, ông Nguyện nhận xét.

Hướng đi cụ thể nhất là cuối năm nay, DN Đồng Nai sẽ sang Lào để tìm hiểu thị trường. Đồng quan điểm trên, Ông Huỳnh Trọng Bình cho rằng, lưu ý đến thị trường Lào và Myanmar trong bối cảnh này là kịp thời hơn cả. “Điều kiện địa lý tương đối gần, yếu tố mới do thị trường còn ít người khai thác của Lào có thể là lợi thế để DN Việt Nam có thể tận dụng”, ông Nguyện khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thoáng nhưng chưa thông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO