Tháng 8: nhập siêu có xu hướng giảm

24/08/2010 09:34

Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Hải quan, tình hình xuất nhập khẩu trong kỳ đầu tháng 8/2010 đã có tin mừng về việc giảm nhập khẩu, đồng nghĩa với giảm tốc độ tăng nhập siêu.

Tháng 8: nhập siêu có xu hướng giảm

Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Hải quan, tình hình xuất nhập khẩu trong kỳ đầu tháng 8/2010 đã có tin mừng về việc giảm nhập khẩu, đồng nghĩa với giảm tốc độ tăng nhập siêu. Tuy nhiên, xuất khẩu tháng 8 cũng giảm.

Gạo là một trong những mặt hàng xuất khẩu giảm trong tháng 8/2010 - Ảnh: TTO

Cụ thể, theo Tổng cục Hải quan, trong 15 ngày đầu tháng 8 vừa qua, VN đã xuất khẩu được khoảng 2,6 tỉ USD, giảm 4,6% so với cùng kỳ tháng 7, nhập khẩu đạt trên 3 tỉ USD, giảm tới 10%. Các mặt hàng xuất khẩu giảm trong tháng 8/2010 đáng lưu ý có gạo, dầu thô... Các mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu giảm mạnh có máy móc, thiết bị, xăng dầu, vải, sắt thép...

Như vậy tính đến giữa tháng 8, kim ngạch xuất khẩu cả nước đã đạt trên 41 tỉ USD, nhập khẩu gần 49 tỉ USD, nhập siêu khoảng 7,6 tỉ USD, bằng 18,6% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Theo một quan chức Bộ Công thương, dù tháng 8-2010 xuất khẩu giảm nhẹ nhưng điều đáng lạc quan là so với cùng kỳ 2009, những ngành hàng gia nhập “câu lạc bộ xuất khẩu trên 1 tỉ USD” đã có thêm hai thành viên là máy móc thiết bị và sắt thép. Xuất khẩu trong những tháng đầu năm đã tăng khá, mặc dù chủ yếu nhờ sự tăng giá của nhiều mặt hàng. Theo quan chức trên, nếu tính chung cả năm, triển vọng xuất khẩu của VN vẫn tươi sáng. Với đà này, nhiều khả năng kim ngạch xuất khẩu năm 2010 sẽ vượt chỉ tiêu tăng 9% mà Quốc hội đề ra.

* Sau khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 tăng ở mức thấp nhất trong vòng một năm qua, tháng 8 vừa chứng kiến sự tăng trở lại của CPI bình quân cả nước ở mức 0,23%.

Theo Tổng cục Thống kê, tháng 8 tuy vẫn nghỉ hè nhưng các mặt hàng liên quan tới giáo dục lại tăng giá mạnh (1,29% so với tháng trước). Nhiều nhóm hàng khác theo sau là may mặc - mũ nón - giày dép (0,51%), thuốc và dịch vụ y tế (0,41%), thiết bị và đồ dùng gia đình (0,38%),... Nhóm thường dẫn đầu bảng tăng giá là hàng ăn và dịch vụ ăn uống lại tăng ở mức khá khiêm tốn trong bảng điều tra (0,27%), mặc dù nếu tách riêng thì lương thực trong nhóm hàng này tăng giá khá mạnh (0,67%) do ảnh hưởng của đợt tăng giá gạo vừa rồi.

Tính theo địa phương, CPI của Hà Nội tiếp tục tăng 0,15%, trong khi của TP.HCM tiếp tục giảm -0,25%. Tỉnh có mức CPI tăng vọt so với mức bình quân là Vĩnh Long (3,42%).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tháng 8: nhập siêu có xu hướng giảm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO