Thách thức trong xây dựng nội lực nền kinh tế

NGUYÊN BẢO| 01/07/2014 01:34

Cố gắng vượt qua giai đoạn trì trệ, phục hồi đà tăng trưởng kinh tế và xây dựng nội lực cho nền kinh tế là những vấn đề được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh trong buổi làm việc giữa Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH TP.HCM) với đại diện doanh nghiệp TP.HCM vào cuối tuần qua.

Thách thức trong xây dựng nội lực nền kinh tế

Cố gắng vượt qua giai đoạn trì trệ, phục hồi đà tăng trưởng kinh tế và xây dựng nội lực cho nền kinh tế là những vấn đề được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh trong buổi làm việc giữa Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH TP.HCM) với đại diện doanh nghiệp TP.HCM vào cuối tuần qua.

Đọc E-paper

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp gỡ doanh nghiệp TP.HCM

Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Theo Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, hiện nay, nền kinh tế của Việt Nam đã tương đối ổn định, nhưng để phục hồi đà tăng trưởng như trước đây là một thách thức không nhỏ cho cả Nhà nước lẫn doanh nghiệp (DN). Để thúc đẩy tăng tưởng kinh tế, thời gian qua, Quốc hội đã sửa đổi nhiều đạo luật như Luật Đầu tư, Luật Đất đai... nhằm tạo chính sách thông thoáng cho DN. Song song đó là việc triển khai Hiến pháp mới để bộ máy vận hành.

Một khi có hệ thống chính sách ổn định, kinh tế Việt Nam mới có thể phát huy hết mặt tích cực và hạn chế mặt tiêu cực, đặc biệt là trong giai đoạn tự do hóa thương mại đang đến rất gần. Cụ thể, chỉ còn hơn một năm nữa, Việt Nam sẽ gia nhập hoàn toàn vào Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc, tức mức thuế suất sẽ gần như bằng 0.

>VN nằm trong nhóm trụ cột tăng trưởng kinh tế thế giới

>Vì sao giáo dục không đi liền với tăng trưởng kinh tế?

>IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2014

>Tăng trưởng kinh tế ở các nước phát triển đang chậm lại

>Ernst & Young: Tăng trưởng kinh tế VN đạt đỉnh năm 2016

Trong khi mọi cam kết khi tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sẽ có hiệu lực từ năm 2015 và lộ trình đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng đang bước vào giai đoạn "nước rút". Do đó, nếu những vướng mắc về việc xây dựng nguồn nguyên liệu đầu vào, ngành công nghiệp phụ trợ (CNPT) không tiến triển thì Việt Nam khó tránh khỏi tình trạng hàng hóa nhập khẩu tràn ngập thị trường, cũng như bỏ lỡ những lợi thế từ TPP.

"Đối với ngành dệt may, hiện có khoảng 6 triệu lao động (trực tiếp lẫn gián tiếp), nếu không chủ động được nguồn nguyên phụ liệu thì Việt Nam mãi mãi là nước gia công", Chủ tịch nước nêu rõ.

Qua những chuyến đi khảo sát thực địa, Chủ tịch nước cũng chỉ ra, hiện nay, các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đang tích cực đầu tư để cung cấp nguyên phụ liệu cho ngành dệt may, giày da và một số ngành khác tại các khu công nghiệp đã được quy hoạch làm CNPT nhằm đón đầu lợi thế TPP. Trong khi, ở Vĩnh Phúc, trong số 31 DN trong lĩnh vực CNPT thì chỉ có 3 DN là của Việt Nam.

Dù trong 6 tháng đầu năm 2014, Việt Nam xuất siêu nhưng đó là do tổng cầu của nền kinh tế kém tác động đến sản xuất, hay nói đúng hơn, tình trạng xuất siêu này không vững chắc vì hiện tại, tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam chỉ đạt khoảng 10%, so với 40 - 60% của các quốc gia nhóm đầu khu vực ASEAN.

Rõ ràng, Việt Nam cần phải có sự thay đổi mạnh mẽ. Sự thay đổi này phải có sự kết hợp giữa Nhà nước và DN, đặc biệt là khối DN tư nhân. Hai bên phải ngồi lại tìm kiếm giải pháp phù hợp để phát triển ngành CNPT. Chủ tịch Trương Tấn Sang cũng nêu rõ, DN trong nước nên đến các nhà máy, xí nghiệp của DN nước ngoài để tìm hiểu và học hỏi cách làm CNPT. Riêng đối với TP.HCM, là đầu tàu kinh tế của cả nước, bên cạnh những chính sách chung, nên mạnh dạn đề xuất thêm những chính sách mới hỗ trợ DN sản xuất CNPT.

Doanh nghiệp cần nhà nước đồng hành

Liên quan đến vấn đề xây dựng nền CNPT, tại buổi gặp gỡ giữa Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Đoàn ĐBQH TP.HCM, đại diện cho các DN trên địa bàn TP.HCM, ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, cho rằng, DN Việt Nam đang trong tình trạng "sức khỏe yếu", những lĩnh vực có kim ngạch xuất khẩu cao như dệt may, da giày đều phải nhập khẩu nguyên phụ liệu, phần lớn từ thị trường Trung Quốc.

Chỉ tính riêng nhập khẩu vải từ thị trường Trung Quốc đã chiếm tỷ trọng 39,1%; còn các nguyên phụ liệu khác trong ngành dệt may, da giày ở mức 24,1%. Do đó, để xây dựng được nền CNPT bền vững, trước hết, Nhà nước cần có chính sách xây dựng niềm tin, tạo hành lang thông thoáng cho DN hoạt động.

Mặt khác, theo ông Huỳnh Văn Minh, để tránh phụ thuộc vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu nước ngoài, Nhà nước cần phải tập trung đầu tư, hỗ trợ DN theo hướng "ba đầu". Trước hết là khâu "đầu vào", cần có định hướng, hỗ trợ chính sách, hỗ trợ vốn, thành lập các cụm, khu CNPT để thu hút và hỗ trợ DN sản xuất, thay thế hàng nhập khẩu. Tiếp đến là vấn đề "đầu tư”, để tăng thế cạnh tranh cho DN nội, các cơ quan quản lý cần có biện pháp cụ thể về chính sách, vốn để DN đầu tư, đổi mới công nghệ sản xuất.

Và cuối cùng là giải quyết khâu "đầu ra" triệt để thông qua việc tăng cường xúc tiến thương mại với các nước mà Việt Nam có tham gia ký kết các hiệp định thương mại tự do hoặc sắp tới là TPP để tận dụng thuế suất ưu đãi khi xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường này... Có như vậy, DN mới mạnh dạn và đủ điều kiện để tham gia "sân chơi" lớn này.

Ở góc độ hội ngành nghề, ông Vũ Văn Minh, đại diện Hội Da giày TP.HCM chia sẻ, dù ngành da giày đã chủ động được 40 - 50% nguyên phụ liệu, nhưng da lại là vấn đề lớn.

Theo đó, da bao gồm da thật và giả da; giả da là ngành công nghiệp liên quan đến nhựa, chiếm từ 60 - 70% nguyên liệu sản xuất giày xuất khẩu hiện nay; DN trong nước có thể làm được nhưng với điều kiện Nhà nước phải có chính sách về thuế (thuế đất chẳng hạn) và cùng DN đầu tư hệ thống xử lý nước thải một cách bài bản thì mới không còn phải nhập khẩu nguyên phụ liệu ngành da giày.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thách thức trong xây dựng nội lực nền kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO