"Ta Balô" từ Pháp qua Ý

PHẠM ANH VŨ| 05/06/2009 07:16

Một ngày mệt mỏi nhưng đáng nhớ. Khởi hành từ ga xe lửa ở Cortet (đảo Corse, Pháp) lúc 11 giờ sáng và đến thành phố Bastia lúc 12 giờ 30. Sau đó cuốc bộ vượt qua cảng biển mất khoảng 20 phút để sớm có mặt trên phà lớn Corsica Ferries đến Livorno, Ý.

Ngày thứ nhất:
CORTE – BASTIA – LIVORNO - PISA

Một ngày mệt mỏi nhưng đáng nhớ. Khởi hành từ ga xe lửa ở Cortet (đảo Corse, Pháp) lúc 11 giờ sáng và đến thành phố Bastia lúc
12 giờ 30. Sau đó cuốc bộ vượt qua cảng biển mất khoảng 20 phút để sớm có mặt trên phà lớn Corsica Ferries đến Livorno, Ý. Tôi đã có những giây phút nhớ đời: lần đầu tiên đi tàu biển và lần đầu tiên vượt Địa Trung Hải.

Livorno không phải là một thành phố nổi tiếng về du lịch nhưng ấn tượng đầu tiên của tôi về Ý, một trong số 5 điểm đến hàng đầu thế giới, lại bắt đầu từ nơi này. Các tòa nhà, công trình kiến trúc công cộng, phố phường... đều cổ kính nhưng không khiến bạn
buồn chán.

Ngoài xe hơi, người dân ở đây sử dụng rất nhiều xe gắn máy và xe đạp. Mà mô tô thì thấy có đủ những kiểu dáng đang rần rần trên các đường phố Sài Gòn, Hà Nội: Dylan, SH, PS, Vespa, Piaggio…. Sau khi đi bộ một đoạn, nhờ người địa phương chỉ dẫn, tôi đã bắt xe bus số 1 từ quảng trường lớn (Piazza Grande) đến nhà ga Livorno Central mua vé đi Pisa, cách đó 20km. Mua vé xe lửa ở đây thật dễ dàng, giống như mua vé xe điện ngầm ở Hồng Kông.

Chỉ cần đến máy bán vé tự động là có thể tra cứu thông tin, lộ trình, mua vé. Vé đi Pisa giá 1,7 euro, không đắt lắm. Đến Pisa lúc trời nhá nhem tối, tháp nghiêng Pisa cổ kính từ từ hiện ra, một cảm giác cực kỳ thú vị ập đến. Kiến trúc cổ mình biết ngày nào qua sách vở bây giờ đang sừng sững trước mặt! Nhưng tiếc là trời đã tối, lại không có nhiều đèn điện nên không thể có được một bức ảnh kỷ niệm với tòa tháp nổi tiếng thế giới này.

Tạm biệt tháp nghiêng, mình đi tiếp đến Milan. Nhưng phải đợi đến hơn nửa đêm mới có chuyến tàu, giá vé gần 24 euro và phòng chờ trong nhà ga trở thành nhà trọ của tôi trong 180 phút. Dù sao cũng đỡ tốn vài chục euro thuê phòng.

Ngày thứ 2:
PISA - GENOVA – MILAN - FLORENCE

Ngày du hành thứ hai bắt đầu lúc 0 giờ 30 trên chuyến xe lửa từ Pisa đi  Milan với một lần đổi tàu ở Genova vào  lúc 4 giờ sáng. Lại chờ đợi thêm gần 2  tiếng rồi mới trực chỉ Milan. Tàu sớm, ít  khách, tôi tha hồ nằm lăn ra băng ghế  mà dỗ giấc ngủ nhưng chỉ chập chờn. 7 giờ 30, trời chưa sáng hẳn, Milan đây rồi. Milan, được người Ý gọi là Milano, nổi tiếng là “Kinh đô thời trang Italia”  và là một trong 4 cái nôi thời trang hàng đầu thế giới.

Việc đầu tiên sau khi đến nhà ga  Milano Centrale ở ngay trung tâm thành phố là tôi mua tấm bản đồ giá 4 euro để định vị. Kế đến là mua 1 thẻ xe bus dùng trong 24 tiếng với giá 3 euro. Và a- lê, bắt đầu khám phá Milan. Điểm đến tham quan trước nhất là quảng trường Duomo với đại thánh đường Santa Maria nổi tiếng thế giới, đó cũng là một trong những biểu tượng chính làm cho Milan trở nên lãng mạn và  quyến rũ.

Phía trước nhà thờ cổ kính, nguy nga này là một quảng trường rộng lớn, nơi bay lượn hàng trăm chim bồ câu. Những con phố tập trung về Duomo là nơi có những cửa hàng của những thương hiệu thời trang nam, nữ lừng danh như Gucci, Prada, Versace, Salvatore Ferragamo...  Thời tiết sáng nay 3 độ C, khá lạnh, trời không có ánh nắng nên Milan có vẻ hơi âm u, tăng thêm sức cám dỗ du khách vào trong giáo đường. Tôi vào nhà thờ Santa Maria sau khi được kiểm tra an ninh. Nhà thờ vừa thật lộng lẫy vừa uy nghiêm.

 Tôi đưa cái Nokia N93i nhờ một bác trai lớn tuổichụp hộ tấm ảnh làm kỷ niệm trong không gian tôn kính này. Ông vui vẻ nhận lời và tỏ vẻ ngạc nhiên nói rằng đối với ông, cái điện thoại như thế này giống như một giấc mơ đẹp nhưng hoàn toàn xa xôi, khó với được. Thế mới biết, đâu phải được sống ở Paris hay Milan là sung sướng! Sân vận động San Siro, “thánh đường” của 2 đội bóng Inter Milan và AC Milan, nằm cách xa trung tâm thành phố.

Hôm nay Inter Milan gặp Livorno ở giải Serie A lúc 18 giờ nhưng mới 12 giờ, bầu không khí đã bắt đầu nhộn nhịp, cảnh sát giữ trật tự cũng vào hàng ngũ sẵn sàng. Các gian hàng đồ lưu niệm của các đội bóng thi nhau bày bán thật rôm rả. Đi vòng quanh sân để tìm cái bảng tên San Siro chụp ảnh kỷ niệm nhưng không hề có. Sau khi ăn vội miếng sandwich ở quán nằm cạnh San Siro, tôi trở về trung tâm bằng tàu điện rồi chuyển sang xe bus để đi một vòng “city tour”. Milan rất đẹp, một nét đẹp vừa cổ kính vừa lãng mạn mỹ miều và quý phái không thể lẫn vào đâu được.

Và một điều đặc biệt là đường phố không tráng nhựa mà được lát bằng những viên đá núi cùng màu, cùng kích cỡ và độ phẳng tạo nét riêng cho Milan. Tôi thật sự cảm thấy không hối tiếc khi đã thay đổi lộ trình vào phút cuối để vượt hàng trăm cây số từ Pisa đến Milan.

Trở lại nhà ga để lên đường đến Florence, cái nôi xuất phát những giá trị nghệ thuật, văn hóa của thời  Phục hưng. Chuyến đi tốc hành này mất 27 euro. 5 giờ 35 chiều, có mặt tại nhà ga Florence Centrale ở trung tâm thành phố, cũng mua tấm bản đồ - nhưng
giá chỉ là 3,5 euro và cũng mua một thẻ xe buýt 24 tiếng với giá 5 euro để được di chuyển đến các điểm tham quan dự kiến thực hiện trong ngày hôm sau.

Sau một đêm ngủ không đủ giấc và ăn không đủ bữa tôi đã thấm mệt mà vẫn phải cuốc bộ đi tìm nhà trọ. Không may hôm nay là ngày cuối tuần nên tất cả nhà trọ giá rẻ đều đã hết phòng, dù chỉ là “B&B”, tức nhà trọ chỉ cung ứng giường ngủ và bữa điểm tâm, đi vệ sinh chung, không có toa-lét và buồng tắm riêng. Cuối cùng, tôi đành chia tay với 25 euro để có một đêm an giấc trong một khách sạn... 1 sao. Nhân viên tiếp tân đòi 30 euro, tôi trả giá 25 euro và được như ý.

Duomo,Milan

Ngày thứ 3: FLORENCE – ROME

Tôi đã có một giấc ngủ thật sâu, an bình như đứa bé nằm trong nôi êm ấm nên có thể chào “Buon giorno Florence” (người Ý gọi là Firenze) với cảm giác thật khỏe khoắn, sảng khoái. Bước ra khỏi khách sạn lúc 10 giờ 30, người tôi co rúm lại vì lạnh. Nhưng không thể thoái lui khi thấy bầu không khí thành phố thật nhộn nhịp bởi đoàn người hóa trang thành lính La Mã cổ đi diễu hành rất khí thế với đầy đủ trống kèn, cờ phướn. Họ vui tươi và nhoẻn miệng cười khi thấy có du khách chụp ảnh.

Hình như đây là một sự kiện bình thường vào mỗi sáng Chủ nhật để thành phố cổ có thêm bề dày truyền thống văn hóa địa phương và qua đó có thêm lực thu hút du khách quốc tế. Đoàn diễu hành xuất phát từ một ngôi giáo đường cổ, đi qua nhiều đường phố, di
tích và rồi dừng lại ở thánh đường lớn trong một quảng trường hoành tráng. Tôi không thể tin rằng mình đang sống ở thế kỷ XXI mà lại có được bầu không khí, cảnh quan của thời La Mã cổ xưa!

Tôi chia tay đoàn người diễu hành, đi bộ về hướng dòng sông Arno chảy giữa thành phố, nơi có cây cầu Ponte Vecchio rất nổi tiếng của Florence. Hai bên bờ cầu là nhũng ki-ốt nhỏ bán vàng bạc, nữ trang, quà lưu niệm. Lần đầu tiên tôi thấy một địa danh đặc biệt như thế. Khách du lịch tập trung ở cầu rất đông.

Đi xe bus công cộng, tôi đến sân vận động Artemio Franchi, thánh đường của đội bóng Fiorentina, nơi mà danh thủ người Argentina Batistuta đã từng một thời làm mưa làm gió. Sân nằm trong khu liên hợp thể thao rộng lớn nên bạn phải đi bộ khá mệt mới đến nơi. Ba giờ chiều nay có trận đấu của đội bóng đá Fiorentina nên dòng cổ động viên trang phục màu tím đang dồn về sân vận động trên xe hơi và xe mô tô.

Xe hơi thì đậu dọc 2 bên lề đường rất dài còn xe gắn máy thì đậu ở một cái bãi rộng lớn phía trước sân vận động. Không thấy có dịch vụ giữ xe như ở Việt Nam và người Ý đậu xe rất ý tứ, trật tự. Mùi thịt nướng thơm lừng khiến cái bụng tôi co thắt. Đành chi ra 3,5 euro mua ổ bánh mì kẹp thịt nhưng rồi thấy đó là một chi tiêu hoàn toàn xứng đáng. Ngon tuyệt!

Lúc 4 giờ chiều tôi mua vé xe lửa đi đến kinh thành vĩnh hằng để đúng như nhiều người phương Tây thường nói từ thời xa xưa rằng, “Hãy thăm Rome rồi chết cũng yên lòng”. Sau hơn 3 tiếng vượt qua 320km đường sắt, tôi đến nhà ga Termini ở Rome lúc 9 giờ tối. Rome có 3 nhà ga xe lửa và Termini là nhà ga lớn nhất, hiện đại nhất của Ý, không thua kém gì một nhà ga hàng không quốc tế mới xây. Đã thành thói quen, tôi lại mua tấm bản đồ Rome giá 4,5 euro và tìm đến nhà trọ ở số 35 đường Napoleon III nhận giường ngủ như đã đặt trước qua internet với giá 15 euro/đêm.

Rome nhìn từ trên nóc đền thờ Thánh Phero

Nhà trọ có tên Hotel Beautiful, người đón tiếp tôi là một anh chàng người Ấn tên Ali. Tôi ngỡ ngàng, tiếc nuối khi thấy trên một cái quầy là hàng trăm tấm bản đồ Rome để phát miễn phí cho khách! Và rồi tức giận khi Ali nói rất tiếc vì không còn phòng. Do anh không đặt tiền cọc trước nên chúng tôi không thể dành phòng cho anh được, Ali bảo như thế và chỉ cho tôi đến một khách sạn mini của bạn anh ta, nằm ở phía bên kia nhà ga Termini. Có nghĩa là tôi lại phải cuốc bộ trong màn đêm, đúng như nội dung một ca khúc trứ danh của Frank Sinatra.

Nhưng rồi tôi cũng đến nơi, anh Mabri người Ấn tiếp và dẫn tôi lên phòng ở tầng 5. Phòng tối om, gồm 4 cái giường mà 2 cái đã có khách ngủ say. Tôi là người khách thứ 3, chắc trong đêm sẽ có thêm vị khách thứ tư. Như vậy, một đêm, người ta thu được 60 euro từ cái phòng chật chội này. Nhưng trong tủ lạnh thấy có một số thức ăn, thức uống với tờ thông báo đây là hàng miễn phí. Thế là tôi có một bữa tối với chocolat, giămbông,bánh mì khô, sữa và Coca-Cola.

Ngày thứ ba làm “ta balô” ở Ý, tôi có một sự khởi đầu tốt đẹp hơn. Đó là được ăn no miễn phí, có giường ngủ và có phòng để tắm rửa sạch sẽ. Ngày mai mình sẽ khỏe hơn để tha hồ đi bộ khám phá thành Rome.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
"Ta Balô" từ Pháp qua Ý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO