Sáng tạo và tự tin nuôi dưỡng đam mê

VÂN THẢO - BÍCH TRÂM| 23/09/2015 00:14

Nhận xét bước đầu về chất lượng đề án tham gia dự thi năm nay, các giám khảo đều đánh giá cao sự chuẩn bị chu đáo cùng sự sáng tạo về ý tưởng, tự tin trong cách trình bày của thí sinh.

Sáng tạo và tự tin nuôi dưỡng đam mê

Trải qua 3 ngày thi sôi nổi (17 - 19/9), 19 thí sinh lọt vào vòng Chung khảo Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can (GTTNLVC) 2015 đã hoàn tất phần thi thuyết trình trực tiếp.

Đọc E-paper

Nhận xét bước đầu về chất lượng đề án tham gia dự thi năm nay, các giám khảo đều đánh giá cao sự chuẩn bị chu đáo cùng sự sáng tạo về ý tưởng, tự tin trong cách trình bày của thí sinh. Không dừng ở đó, các thí sinh còn biết cách tận dụng lợi thế từ những quy định mới của BTC để có thêm điểm cộng.

Sức mạnh của làm việc nhóm

Một trong những điểm mới của GTTNLVC 2015 là mở rộng đối tượng tham gia sang các nhóm thí sinh. Điều này không chỉ tạo điều kiện giúp thí sinh có thêm nhân lực để hoàn thành đề án mà còn góp phần nâng cao kỹ năng làm việc nhóm.

Giám khảo Phạm Phú Trường - Chủ tịch Tập đoàn Trường Lộc rất tâm đắc với điểm mới này. Theo ông, kinh doanh thời hội nhập, muốn thành công, bắt buộc phải có sự hợp tác. Khi Việt Nam gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) thì kỹ năng làm việc nhóm chính là một trong những yếu tố cần để các bạn trẻ có thể tự tin cạnh tranh với nguồn nhân lực đến từ nước ngoài.

Qua hơn nửa chặng đường vòng Chung khảo, có 6 nhóm thí sinh dự thi. Đặc biệt, sự phối hợp nhịp nhàng giữa 7 thành viên trong nhóm thí sinh do em Võ Thị Mỹ Huyền làm “thuyền trưởng” với đề án kinh doanh Eco City đã chứng minh sức mạnh của tinh thần làm việc nhóm. Tuy đề án chưa thật sự nổi trội so với các bài dự thi khác, nhưng cách phân chia nhiệm vụ cũng như sự phối hợp ăn ý giữa các thành viên đã giúp nhóm “ghi điểm” trước Ban giám khảo (BGK).

Ngoại ngữ - không chỉ là điểm cộng

Đề cao yếu tố hội nhập, GTTNLVC 2015 đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của ngoại ngữ, cụ thể là tiếng Anh. Đây cũng là một trong những lý do chính để Hội đồng Giám khảo quyết định cộng thêm 5 điểm cho thí sinh đăng ký dự thi bằng tiếng Anh.

Tuy là năm đầu tiên áp dụng quy định mới này nhưng BGK khá ấn tượng với bài thuyết trình của thí sinh Võ Trần Trang Thy với đề án The Corner (Hiệu sách - Dịch vụ sách Góc) và thí sinhTrương Nguyễn Thùy Phương với đề án Kinh doanh phụ kiện làm scrapbook (sổ trang trí).

Thí sinh Võ Trần Trang Thy không chỉ được đánh giá cao về nội dung đề án, khả năng sử dụng tiến Anh lưu loát mà còn ghi điểm về phong cách thuyết trình tự tin. Theo giám khảo Tiền Gia Trí - Tổng giám đốc Công ty CP sản phẩm đặc biệt Mekong, ý tưởng kinh doanh của Trang Thy không mới nhưng phần tính toán về tài chính hợp lý, có hình ảnh minh họa, góp phần làm tăng tính khả thi.

Chia sẻ thêm về các yếu tố giúp gia tăng tính khả thi cho đề án, các giám khảo cùng nhận xét, phần lớn các đề án dự thi năm nay đều có sản phẩm mẫu, hoặc hình ảnh thiết kế chi tiết.

Giám khảo Võ Thị Phương Lan - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Giao nhận Vận tải Mỹ Á - đánh giá: “Nội dung đề án dự thi năm nay nhìn chung đều được chuẩn bị chi tiết, gần gũi hơn hơn với một đề án kinh doanh thực tế. Đơn cử, đề án Cơm rang Ye Rice của thí sinh Lê Tịnh Minh, ngoài cách trình bày chỉn chu, thì ý tưởng kinh doanh này khá mới, có tính khả thi cao và hướng tới sản phẩm đặc trưng của vùng miền. Bên cạnh đó, tính sáng tạo của thí sinh cũng được thể hiện thông qua bí quyết riêng trong khâu chế biến sản phẩm”.

Hướng tới sản phẩm quê hương

Ngoài việc tận dụng những điểm mới, đa số thí sinh tham gia cuộc thi năm nay đã quan tâm hơn đến những thế mạnh sẵn có của địa phương và biết cách khai thác, phát triển chúng thành những ý tưởng kinh doanh độc đáo.

Các đề án Cửa hàng dưa xoài non Cao Lãnh của thí sinh Nguyễn Đăng Tiến, Phượt Phú Yên của thí sinh Nguyễn Lê Khang Cường, Quán Hương Sen Đồng Tháp của thí sinh Lê Minh Thanh, Cửa hàng sản phẩm lục bình khô của thí sinh Ngô Trần Dạ Thảo, Công ty Tranh gạo Hương Việt của thí sinh Nguyễn Thị Thu Hoài, Công ty TNHH MTV Tinh dầu tràm Đồng Hương của thí sinh Phạm Thị Ngọc Duyên, Cây xanh Listy (cung cấp cây xanh) của nhóm thí sinh Hồ Kim Thảo đều chung mong muốn phát triển sản phẩm địa phương. 

Giám khảo Trần Khánh Tùng - chuyên gia maketing rất tâm đắc với đề án Cơ sở sản xuất rượu mận của thí sinh Nguyễn Thị Huỳnh Như. Ông nhấn mạnh: “Tôi thích ý tưởng kinh doanh này vì nó xuất phát từ việc thí sinh muốn tạo ra sản phẩm mới bằng cách tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, góp phần giải quyết phần nào những khó khăn của quê hương mình”.

Một số đề án kinh doanh thuộc lĩnh vực thực phẩm được BGK đánh giá cao là Trà tam vị (sản xuất và phân phối trà) của nhóm thí sinh Nguyễn Thái Anh Thư, Nhà hàng thực dưỡng An Nhiên của nhóm thí sinh Đặng Nữ Quế Trâm, Quán Hương Sen Đồng Tháp của thí sinh Lê Minh Thanh… Với những đề án kinh doanh này, BGK khuyến khích thí sinh nên tìm hiểu kỹ hơn những quy định trong vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như lưu tâm đến quy trình sản xuất, thiết kế bao bì, công thức chế biến….

Giám khảo Nhan Húc Quân - Tổng giám đốc Công ty TNHH Bao bì giấy nhôm Newtoyo Việt Nam chia sẻ: “Nếu như đa phần đề tài dự thi của các thí sinh tham gia những năm trước tập trung vào lĩnh vực dịch vụ và thương mại thì năm nay, các bạn đã mạnh dạn “lấn sân” sang lĩnh vực khó hơn là sản xuất và chế biến. Thêm vào đó, các thí sinh cũng đã có sự hình dung về một mô hình công ty gần gũi với thực tế hơn”.

Sáng tạo, đam mê được tiếp sức

Sáng tạo là một tiêu chí quan trọng khi BGK đánh giá tính khả thi của một đề án kinh doanh, bởi đây là nhân tố tạo ra sự khác biệt và làm tăng lợi thế cạnh tranh của sản phẩm. Với thiết kế độc đáo, sản phẩm Áo mưa tiện lợi Mako của nhóm thí sinh Nguyễn Nhật Duy đã nhận được sự đánh giá cao về ý tưởng sáng tạo. Đề án Son gấc handmade Di Mô của thí sinh Vinh Nữ Diệu Mơ cũng có điểm nổi bật nhờ vào sự kết hợp các nguyên liệu thiên nhiên, đảm bảo an toàn cho sức khỏe người dùng.

Ngoài sức sáng tạo thì sự đam mê, tâm huyết với sản phẩm cũng là điều mà các giám khảo mong muốn được nhìn thấy ở các thí sinh. Với đề án Cà phê túi lọc Cofi của thí sinh Đinh Thị Hồng Thanh, giám khảo Nguyễn Văn Ngoan - Nhà sáng lập, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Manda Food - cho biết: “Thí sinh thật sự đã truyền nguồn cảm hứng đến cho mọi người. Điều này chỉ có thể đến từ sự chuẩn bị kỹ lưỡng và niềm mong muốn đem đến những sản phẩm/dịch vụ tốt nhất cho người tiêu dùng”.

Kết thúc hơn nửa chặng đường vòng Chung khảo GTTNLVC 2015, bên cạnh những điểm mạnh của thí sinh, phải kể đến sự đồng hành - tiếp sức đầy tâm huyết của các thành viên trong Hội đồng Giám khảo. Ngoài các doanh nhân giàu kinh nghiệm, GTTNLVC năm nay còn có sự tham gia của các doanh nhân - chuyên gia uy tín trong nhiều lĩnh vực như nhân sự, marketing, tài chính, truyền thông.... Đồng thời, GTTNLVC 2015 còn nhận được sự phối hợp nhiệt tình của các trường đại học, đặc biệt là Đại học Kinh tế TP.HCM và Đại học Đồng Tháp.

>Ngày thi đầu tiên: "Điểm cộng" cho sáng tạo và đam mê

>Tính khả thi - yếu tố sống còn của đề án kinh doanh

>Ngày thi thứ 3: "Thiên nhiên" ghi điểm

>Lịch thi Vòng chung khảo

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sáng tạo và tự tin nuôi dưỡng đam mê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO