Săn nhà giả cổ

02/01/2012 03:27

Gia đình tôi làm mộc gia truyền. Những tưởng bỏ nghề, đã thử theo nhiều công việc khác, nhưng cuối cùng, không ngờ nghề của ông bà lại làm ăn rất được do cơn sốt săn lùng, đặt hàng nhà giả cổ của các đại gia”.

Săn nhà giả cổ

“Gia đình tôi làm mộc gia truyền. Những tưởng bỏ nghề, đã thử theo nhiều công việc khác, nhưng cuối cùng, không ngờ nghề của ông bà lại làm ăn rất được do cơn sốt săn lùng, đặt hàng nhà giả cổ của các đại gia”.

Một căn nhà gỗ cũ được dựng lại thành nhà giả cổ cho chủ mới - Ảnh: H.Điệp

Ông Phong, một đầu mối làm nhà giả cổ nổi tiếng ở Bùi Chu, H.Xuân Trường, Nam Định, nói. Ông có thâm niên hàng chục năm đi tìm kiếm, dựng, tu bổ những ngôi nhà cũ, nhà cổ thành những ngôi nhà giả cổ cho các đại gia khắp từ Nam chí Bắc.

Rẻ vài trăm triệu, đắt thì hàng chục đến hàng trăm tỉ đồng, những ngôi nhà nâu đen, mái ngói mũi hài cùng những chi tiết chạm khắc tinh xảo theo lối nhà đại quan hay mô phỏng những chi tiết của cung điện, phủ tướng quân ngày càng được nhiều người có tiền tìm mua.

Mua bán sôi động

"Các đại gia bây giờ không chỉ có nhu cầu xây một căn nhà đầy đủ tiện nghi để ở với lối kiến trúc phương Tây mà nhiều người đang có nhu cầu tìm lại những nếp nhà thuần Việt theo lối kiến trúc xưa để thể hiện đẳng cấp của mình"

Ông Phong (đầu mối làm nhà giả cổ)

Ông Phong nói dịp Sea games 22 (năm 2003) là lần đầu tiên ông thuê xe chở nguyên một căn nhà gỗ từ Nam Định đến Hà Nội để dựng cho một nhà hàng. Rồi cơ duyên từ đấy, hàng trăm căn nhà gỗ cũ, giả cổ được ngược xuôi Nam Bắc, biến thành nhà riêng, nhà hàng quán ăn... cho nhiều người. Thậm chí, hàng trăm căn cũng đã được xuất sang Mỹ.

Vài năm gần đây, săn nhà giả cổ đang trở thành mốt của các đại gia nhiều tiền khắp cả nước. Kiểu nhà càng cổ, càng độc càng được săn lùng vì không đụng hàng và thể hiện đẳng cấp nên đơn đặt hàng ngày càng tấp nập.

Ông Phong cho biết vừa hoàn thiện một công trình nhà giả cổ ở Ba Vì (Hà Nội) cho một đại gia ở Hà Nội, gồm năm căn nhà làm tỉ mỉ chi tiết từ viên ngói đến viên đá tảng kê chân cột nhà với số tiền đầu tư gần 200 tỉ đồng.

“Tôi cũng vừa nhận làm một công trình khác ở khu Thảo Điền (Q.2, TP.HCM) với tổng số tiền cho toàn bộ dự án nhà giả cổ lên đến gần 300 tỉ đồng, hiện được xem là một trong những công trình nhà giả cổ có giá đầu tư cao nhất VN hiện nay”.

Để minh chứng cho lời mình nói, ông Phong đưa ra bản phối cảnh các khu nhà của một đại gia trùm kinh doanh ngành bất động sản ở TP.HCM này với cổng phủ, ao, tiểu cảnh, khu nhà tâm linh, nhà khách, nhà ngang, nhà trưng bày, phòng trà... cực kỳ quy mô và hoành tráng không khác gì phủ của các đại quan ngày xưa.

Một đầu mối làm nhà giả cổ tên Tiến ở xã Hương Lĩnh, H.Hưng Nguyên, Nghệ An, cho biết: “Mỗi năm, tôi và tốp thợ của mình nhận làm hàng chục căn nhà giả cổ ở Nghệ An, từ TP Vinh đến Nam Đàn, Hưng Nguyên, Con Cuông... Nhà giàu thì làm bằng gỗ tốt, nhà ít tiền thì làm bằng gỗ rẻ tiền. Giá nào cũng làm được, phục vụ nhu cầu và cơn sốt chơi nhà giả cổ của nhiều người”.

Theo bà Huệ - 87 tuổi, chủ nhân của căn nhà giả cổ ở Quán Bàu, TP Vinh, căn nhà được hình thành khi bà Huệ mới 14 tuổi. Sáu đứa con của bà đều lớn lên từ đây. Giờ nó đã quá xuống cấp nhưng các con bà không muốn phá nhà đi mà nhờ thợ tu sửa như một món đồ kỷ niệm. Chị Thanh, con gái cả của bà Huệ, cho biết: “Khi chuẩn bị sửa, tôi đã mua thêm hơn chục khối gỗ lim về để thay những bộ phận của căn nhà đã bị hỏng”.

Tính đến nay, thời gian dành cho tu bổ căn nhà đã gần một năm, ngôi nhà gỗ năm gian năm hàng chân với hành lang chạy xung quanh nhà đã dần hoàn thiện. Trong khuôn viên 4.000m2 với nhiều cây ăn trái và cây cảnh, căn nhà gỗ hiện lên vừa ấm cúng vừa sang trọng.

“Các con đã lớn, công tác ở nhiều nơi nên gửi tiền về cho tôi tu sửa. Vẫn chỉ là cái nhà cũ nhưng tiền sửa tốn hơn tiền xây nhà gạch hoặc làm một căn nhà gỗ mới rất nhiều” - bà Huệ nói. Ông Tiến tính sơ sơ việc sửa sang căn nhà này cũng tốn chừng 200 công thợ (mỗi công thợ hiện nay khoảng 300.000 đồng), tính ra tổng số tiền công đã hơn 600 triệu đồng.

Theo ông Tiến, có thể làm được nhà giả cổ bất kể giá nào bởi không giống như nhà gạch, cao thấp bao nhiêu, ximăng sắt thép chừng nào đều có thể tính tối đa hoặc tối thiểu giá, nhưng nhà gỗ ngoài tứ thiết (đinh, lim, sến, táu) thì còn được làm bằng rất nhiều thứ gỗ khác: dổi, xoan, thậm chí cả gỗ tạp. Chính sự lựa chọn này sẽ làm căn nhà đắt hay rẻ.

Nếu làm một căn nhà năm gian, sáu hàng chân (sáu hàng cột ngang và không trốn cột) cùng với các chi tiết chồng bò, kẻ nghé (các chi tiết chồng đỡ tại vì kèo) cùng các bức chạm trổ tại thuận (vách ngăn giữa buồng và nhà chính) thì hết chừng 50m3 gỗ cộng với 450 công thợ. Căn nhà ấy nếu làm bằng gỗ lim thì hết chừng 3 tỉ đồng, còn nếu bằng gỗ tạp thì có thể chỉ tốn 300 triệu đồng.

Ngôi nhà bằng gỗ giả cổ ở xã Hương Lĩnh, H.Hưng Nguyên, Nghệ An - Ảnh: H.Điệp
Khai thác gỗ lậu cất nhà

Gần đây, nhu cầu mua nhà cũ, nhà cổ đang rất sôi động nhưng cầu nhiều hơn cung nên các cơ sở vẫn nhận làm nhà cổ nhưng hoàn toàn bằng gỗ mới. Ông Nguyễn Phúc Huy (Q.Thủ Đức, TP.HCM, một đầu mối và là người rất có kinh nghiệm trong việc mua bán, săn tìm nhà cổ) nhìn nhận: hầu hết nhà giả cổ hiện nay là được cất từ gỗ mới, gỗ hiếm được tuồn ra từ các rừng.

Theo ông Huy, nguồn gỗ ở các tỉnh không thiếu nhưng gỗ tốt phải mua ở Nghệ An, Thanh Hóa... Tại một điểm tập kết gỗ làm nhà giả cổ nằm giữa TP Vinh, hàng ngàn mét khối gỗ to (đường kính hàng mét), nhỏ (đã được xẻ tấm) xếp đầy ngoài đường và trong xưởng. Trước cổng, những chiếc ôtô tải chất đầy những cây gỗ hương có đường kính lên tới 50cm.

“Gỗ này chuyên được xuất sang Trung Quốc, đến đêm mới đi, giá mỗi khối gỗ hương là 50 triệu đồng - chủ xưởng gỗ ở đây cho biết - Nếu khách thật sự có nhu cầu mua gỗ làm nhà giả cổ, tôi có thể lấy giá mềm nhất là 22 triệu đồng/m3 gỗ lim. Sẽ có giấy tờ đầy đủ và bản kê khai từng loại cột kèo và chở về tận Hà Nội”.

Cũng với loại gỗ này, các chủ xưởng gỗ làm nhà giả cổ khác tại TP Vinh và Quỳnh Lưu (Nghệ An) hoặc Hà Nội lại cho rằng đó là giá hoang tưởng, bởi loại rẻ nhất là lim Lào đã có giá 30 triệu đồng/m3.

Ngoài một số loại được xác nhận là nhập từ Lào và Nam Phi thì chính các thợ mộc cho biết: “Phần lớn gỗ táu là gỗ của VN được khai thác ở các rừng và chở về Vinh qua đường sông nên số gỗ này chủ yếu là gỗ lậu”. Do vậy, dù nằm trong nhóm “tứ thiết” nhưng giá cả các loại gỗ chênh lệch nhau vô chừng.

“Đẳng cấp” người chơi

Nắm bắt được tâm lý đang “sính cổ”, những người có hiểu biết ít nhiều về nhà giả cổ đã thi nhau đi lùng sục, tìm kiếm khắp trong Nam, ngoài Bắc những căn nhà gỗ cũ. Phải là gỗ tốt thuộc nhóm tứ thiết mới được tìm mua. Bởi nếu nhà thật sự được làm bằng nhóm gỗ này thì dù 100 năm tuổi gỗ vẫn không hề hấn gì.

“Chỉ cần dùng dao gọt nhẹ vào gỗ là biết gỗ đó còn tốt hay không” - ông Khánh (Hòa Bình), người chuyên làm nhà cổ và giả cổ, cho biết.

“Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu kỹ về gỗ, nhiều căn nhà trông thì hoành tráng nhưng trong thì rỗng ruột. Nếu chỉ dùng dao gọt vỏ ngoài thì không ăn thua - ông Phong nói - Phải dùng sống dao hoặc búa mà gõ thôi, quan trọng nhất là bộ cột rồi đến bộ xà dọc, câu đầu rồi đến xà ngang, đòn tay... Thế mà làm nghề bao năm như tôi nhưng thỉnh thoảng vẫn vớ phải những căn nhà phải bỏ gỗ đi một nửa. Tốn bao nhiều tiền các đại gia đặt hàng cũng không ngại chi, miễn sao phải đúng nhà cổ xưa thật, không thì phải đền cho khách”.

Tại các cơ sở, xưởng làm nhà giả cổ ở Hòa Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh... khoảng hai năm trở lại đây, hằng ngày các đại gia đi xe hơi ùn ùn đến đặt hàng, thuê làm nhà giả cổ vì đây là những khu vực tập trung, sưu tập các loại nhà giả cổ quy mô nhất trong cả nước.

Ông Phan Khánh, xã Quỳnh Liên, H.Quỳnh Lưu, Nghệ An, sở hữu ngôi nhà gỗ cao lớn trị giá 2 tỉ đồng (chưa kể công thợ) vừa mới cất với những hàng cột gỗ lim cao vút, tự hào kể: để cất được căn nhà này, một nhóm thợ hơn 20 người thực hiện đã ròng rã ráp nối trong gần một năm với những tấm cửa, vách được chạm trổ tỉ mỉ.

Ông Khánh nói sau hai lần đi lao động ở nước ngoài về, ông dành dụm được chút tiền đầu tư vào đất đai ở Hà Nội. Tuy nhiên, phần đất đai đó dành cho con cái kinh doanh, còn ông lui về quê ở cùng cha mẹ. “Lá rụng về cội, mình dù có chút vốn nhưng vẫn thích sống hướng về quê, sống trong không khí cổ xưa của ông bà, làng mạc nên không cất nhà hiện đại mà chỉ thích cất nhà giả cổ dù có tốn kém”.

Họa sĩ Thành Chương (Sóc Sơn, Hà Nội) là người khởi xướng phong trào “tìm về” những giá trị cũ khi xây dựng Việt phủ gồm những căn nhà giả cổ điển hình cho kiến trúc phía Bắc, và giờ nó là điểm đến của rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước.

Theo ông, lý do để săn lùng những căn nhà giả cổ hàng trăm năm tuổi để dựng trong phủ là vì: “Tôi là người rất yêu quý giá trị nghệ thuật truyền thống từ khi còn rất nhỏ. Thật sự di sản văn hóa của cha ông để lại cho chúng ta rất nhiều nhưng do thiên tai, chiến tranh nên bị mất mát nhiều. Ngoài mục đích lưu giữ, bảo tồn thì cũng nên tìm cách để các giá trị ấy phát triển”.

Còn đại gia L.M.H. - một trong những ông trùm ngành kinh doanh ôtô ở TP.HCM, vừa mới bỏ ra hơn 180 tỉ đồng để nhờ 40 thợ từ Quỳnh Lưu, Nghệ An vào cất cho ông một căn nhà cổ theo đúng kiểu thời Hậu Lê tại Q.9, TP.HCM - nói đơn giản: “Tôi không thiếu tiền, cất nhà kiểu nào cũng có thể được. Nhưng tôi muốn có một căn nhà cổ vừa hướng về cội nguồn dân tộc, gần gũi với cuộc sống của cha ông ngày xưa vừa thể hiện đẳng cấp riêng biệt của mình”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Săn nhà giả cổ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO