Quan ngại của IMF

MAI ANH| 12/12/2012 09:07

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã bày tỏ quan ngại về hướng xử lý những yếu kém của hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước.

Quan ngại của IMF

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã bày tỏ quan ngại về hướng xử lý những yếu kém của hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước.

Đọc E-paper

Tại hội nghị Nhóm tư vấn các nhà Tài trợ cho Việt Nam (CG) diễn ra ngày 10/12, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung thừa nhận, việc sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thời gian qua còn chậm, chức năng quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu nhà nước chưa được phân định rõ.

Việc đầu tư ngoài lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh chính không có hiệu quả. Một số doanh nghiệp nhà nước vi phạm các quy định về quản trị kinh doanh, gây lãng phí vốn và tài sản nhà nước.

Tuy nhiên, nhận xét về quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước tại Việt Nam, đại diện thường trú IMF tại Việt Nam, ông Sanjay Karla cho rằng, một phần lớn số tiền cho vay từ các ngân hàng là dành cho doanh nghiệp Nhà nước. Hiện nợ xấu đang tập trung ở các doanh nghiệp Nhà nước, nhất là những doanh nghiệp có dính líu đến lĩnh vực bất động sản.

Với triển vọng tăng trưởng yếu ớt và sự cần thiết của cải cách và củng cố ngành ngân hàng đến năm 2015, mức nợ xấu có thể tiếp tục tăng thêm nữa. Do vậy, các vấn đề của ngành ngân hàng sẽ không thể giải quyết triệt để nếu không giải quyết được các vấn đề của doanh nghiệp nhà nước.

Ông Karla cũng cho biết, không thấy có dự phòng cho chi phí tái cấp vốn cho cải cách và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, bao gồm cả những hệ quả của việc người lao động mất việc làm. Theo kinh nghiệm quốc tế, các cuộc cải cách doanh nghiệp nhà nước thường đi kèm với rất nhiều khoản nợ dự phòng mà Chính phủ phải đứng ra gánh vác.

Trong khi đó, theo tính toán của IMF, bội chi ngân sách nhà nước của Việt Nam có thể tăng lên đến mức gần 5,5% GDP năm 2012 trước khi giảm xuống 4% GDP vào năm 2013.

Đại diện của IMF phân tích: "Chính phủ dự kiến lấy các khoản chi ngoài ngân sách của các năm sau (15 ngàn tỷ đồng) để chi cho năm 2012 nhằm kích thích tăng trưởng, nhưng có lẽ sẽ chỉ có khoảng 1/3 số tiền đó được giải ngân trong năm 2012. Và không phải tất cả số thuế VAT và thu nhập doanh nghiệp được giãn sang năm 2013 sẽ được Chính phủ thu về do có hàng loạt doanh nghiệp đã phá sản".

Ngoài ra, theo ông Karla, việc cải cách cần được công khai cho dân chúng biết, bao gồm cả báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và bảng cân đối đã được kiểm toán.

Trước nhận định từ IMF, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, trong tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, sẽ tập trung đẩy mạnh cổ phần hóa, cải thiện thể chế để doanh nghiệp nhà nước hoạt động bình đẳng với doanh nghiệp các thành phần khác, công khai minh bạch hoạt động của các doanh nghiệp này.

Tăng cường kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp nhà nước cũng như ngân hàng thương mại. Đồng thời, sẽ tăng cường kỷ luật kỷ cương, xử lý nghiêm hành vi vi phạm, nhất là giám sát hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, các ngân hàng thương mại. Nâng cao năng lực dự báo để đánh giá tình hình kịp thời, hiệu quả.

Đề cao trách nhiệm, năng lực của người đứng đầu doanh nghiệp nhà nước trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Quan ngại của IMF
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO