Ổn định kinh tế vĩ mô là nhiệm vụ hàng đầu

MỘC MIÊN| 21/05/2010 07:45

Đó là khẳng định của Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng và phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP 6,5% cùng với nhiều mục tiêu cụ thể khác.

Ổn định kinh tế vĩ mô là nhiệm vụ hàng đầu

Diễn văn khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng sáng 20/5 đã nhấn mạnh những khó khăn, thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt và chỉ có thể giải quyết được bằng “quyết tâm cao và nỗ lực lớn”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đọc báo cáo trong buổi khai mạc - Ảnh: Việt Dũng

Một trong những công việc hàng đầu nhằm xoay chuyển những diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế xã hội trong nước của Chính phủ là hàng loạt các giải pháp bình ổn giá cả, kiềm chế lạm phát của Chính phủ, đã được cử tri cả nước đánh giá cao.

Dù vậy, bản Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của UBTW Mặt trạn trận Tổ quốc Việt Nam do Chủ tịch Huỳnh Đảm đọc tại phiên khai mạc vẫn tiếp tục lưu ý: “Việc kiểm soát giá cả thị trường, ngăn chặn tình trạng tăng giá dây chuyền các mặt hàng thiết yếu của các cơ quan chức năng vẫn còn nhiều hạn chế; giá điện, giá xăng dầu liên tục tăng, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và đời sống của nhân dân, nhất là nông dân, người nghèo, người có thu nhập thấp. Tiến độ và lộ trình cải cách tiền lương không theo kịp với tốc độ tăng giá trên thị trường, ảnh hưởng đến đời sống của người về hưu, người hưởng lương từ ngân sách. Nhiều cử tri khối các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ phản ánh khó khăn trong việc vay vốn của ngân hàng, làm ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp” .

Theo đó, cử tri đã kiến nghị Chính phủ trong thời gian tới tiếp tục có những biện pháp hữu hiệu để kiềm chế lạm phát, bình ổn giá cả, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân; đồng thời chỉ đạo ngành ngân hàng tiếp tục cải cách hành chính, có cơ chế phù hợp để nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ được vay vốn phát triển sản xuất, đóng góp cho sự phát triển chung của cả nước.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến phản hồi của cử tri về việc “tham nhũng vẫn diễn ra nhiều nơi, nhiều lĩnh vực và ngày càng tinh vi, phức tạp nhưng các cơ quan chức năng phát hiện còn ít; một số vụ tham nhũng lớn việc xử lý còn chậm; một số vụ xử lý chưa thoả đáng, gây bất bình, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với các cơ quan tư pháp và hiệu quả của công tác phòng chống tham nhũng”, hoặc “việc tổ chức các lễ hội, việc trao tặng các danh hiệu, các loại cúp cho các doanh nghiệp diễn ra ở nhiều nơi, không được quản lý chặt chẽ, gây lãng phí tiền của, thời gian, sức lực của Nhà nước và nhân dân”... kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương chấn chỉnh, khắc phục tình trạng trên.

Về những yếu kém trong đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn vốn nhà nước, “nhiều công trình dự án không đảm bảo tiến độ, không ít công trình thực hiện dở dang, chất lượng kém, gây lãng phí tiền của nhà nước và nhân dân; thậm chí có công trình trọng điểm quốc gia, công trình chào mừng các ngày lễ lớn chất lượng chưa đảm bảo, gần đây nhất là vụ sập dầm cầu cạn Pháp Vân ở Hà Nội…” ý kiến cử trị đề nghị cần sớm có giải pháp để khắc phục, kiên quyết không để hiện tượng “chạy đua” thời gian, gây lãng phí, làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình.

Kết quả nổi bật của năm 2009, theo báo cáo thẩm tra, là kinh tế nước ta đã sớm vượt qua được thời điểm khó khăn nhất. Có 17 chỉ tiêu đạt và vượt so với Nghị quyết của Quốc hội, 8 chỉ tiêu không đạt kế hoạch. Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng cũng đã “điểm danh” những tồn tại, yếu kém chủ yếu của nền kinh tế như tốc độ tăng trưởng GDP năm 2009 thấp nhất trong 10 năm gần đây; công nghiệp và xây dựng tuy đã vượt qua giai đoạn khó khăn, trì trệ nhưng tăng trưởng vẫn ở mức thấp (5,52%), bằng khoảng 2/3 mức tăng trưởng bình quân thời kỳ 2000 – 2007; năng suất lao động, chất lượng và sức cạnh tranh của hàng hoá, của doanh nghiệp và của nền kinh tế còn thấp. Về xuất khẩu, nhập siêu năm 2009 bằng khoảng 22,5% tổng kim ngạch xuất khẩu và được coi là “nguyên nhân chính làm thâm hụt cán cân thanh toán tổng thể”.

Ngoài ra, các vấn đề xã hội khác như chất lượng nguồn nhân lực thấp; chất lượng công tác giáo dục đào tạo chưa đáp ứng kịp yêu cầu; tỷ lệ lao động qua đào tạo mới đạt khoảng 38,5%... cũng đã được đại diện Chính phủ đề cập đến một cách thẳng thắn tại diễn đàn Kỳ họp.

Phó Thủ tướng khẳng định: “Nhiệm vụ hàng đầu của Chính phủ trong thời gian tới là thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, góp phần phục hồi tăng trưởng kinh tế vững chắc”. Mức tăng trưởng GDP được đặt ra để phấn đấu khoảng 6,5% cùng với nhiều mục tiêu cụ thể khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ổn định kinh tế vĩ mô là nhiệm vụ hàng đầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO