Nuôi cá tra đâu dễ có lời

20/03/2012 04:13

Để nuôi được một héc ta mặt nước cá tra, người nuôi cần nguồn vốn lên đến gần 7 tỉ đồng. Mặc dù phải bỏ ra một số tiền “khổng lồ” như vậy nhưng những rủi ro vẫn luôn đeo bám họ.

Nuôi cá tra đâu dễ có lời

Để nuôi được một héc ta mặt nước cá tra, người nuôi cần nguồn vốn lên đến gần 7 tỉ đồng. Mặc dù phải bỏ ra một số tiền “khổng lồ” như vậy nhưng những rủi ro vẫn luôn đeo bám họ.

7 tỉ đồng cho 1 héc ta

Nông dân nuôi cá tra phải đầu tư cao nhưng rủi ro lại lớn

Bà Phan Thị Thu Hồng - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Vĩnh Long cho biết, theo kết quả điều tra khả năng tài chính của các hộ nuôi cá tra thì trước năm 2008, tổng đầu tư cho một hec ta nuôi cá chỉ vào khoảng 500 - 600 triệu đồng, do đó khoảng 30% người nuôi cá tra chỉ cần sử dụng vốn tự có và huy động thêm của người thân trong gia đình là đủ, 70% còn lại dựa một phần vào vốn tín dụng ngân hàng.

Sau giai đoạn khủng hoảng tiêu thụ năm 2008, hầu hết người nuôi quy mô nhỏ có vay vốn không có khả năng trả nợ phải dừng nuôi, cho thuê hoặc bán ao. Đến nay, do yêu cầu vốn đầu tư quá lớn, mỗi hec ta cần ít nhất 7 tỷ đồng, không người nào còn đủ khả năng tự đầu tư mà 100% phải dựa vào các nguồn vốn khác – bà Hồng cho biết.

Còn theo ông Võ Văn Thanh, nông dân nuôi cá tra ở xã An Nhơn, huyện Châu Thành, Đồng Tháp, để đầu tư cho 1 hec ta diện tích mặt nước nuôi với sản lượng trung bình khoảng 300 tấn thì người nuôi cần nguồn vốn lên tới gần 7 tỉ đồng, trong khi đó ngân hàng chỉ cho vay chừng hơn 1 tỉ, số tiền này vừa đủ để mua cá giống. Vậy để có tiền, nông dân phải huy động vốn từ đâu?

Đa dạng nguồn vốn

Các hộ nuôi hiện nay chỉ có khả năng tự đầu tư trung bình 40% nhu cầu vốn, 60% phải dựa vào nguồn khác. Nhưng vốn vay được của ngân hàng cũng chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu, vì phải có tài sản thế chấp và ngay cả có thế chấp cũng vẫn khó vay, còn vay “tín dụng đen” thì không thể chịu nổi với lãi suất quá cao.

Ông Hồ Văn Vàng, người nuôi cá ở Vĩnh Long cho biết, nguồn vốn rất đa dạng, từ vốn tự có, huy động của người thân, tín dụng ngân hàng... Tuy nhiên, để vay được vốn ngân hàng thì tài sản thế chấp là yếu tố quan trọng nhất, nhưng hiện nay nguồn vốn từ ngân hàng cũng chỉ đáp ứng được một phần nhỏ chi phí.

Do không đủ vốn đầu tư, nhiều hộ nông dân nuôi cá tra tại vùng ĐBSCL đã bắt tay hợp tác với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu. Tuy nhiên, trong mối quan hệ này, nông dân nhiều lúc cũng chỉ như người làm công, phụ thuộc vào doanh nghiệp.

Luôn ở thế dưới

Theo ông Nguyễn Chí Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản An Giang (AFA), ĐBSCL hiện có hai hình thức hợp tác nuôi cá tra giữa doanh nghiệp và nông dân.

Hình thức thứ nhất là doanh nghiệp giao nguyên liệu, nhận thành phẩm. Ở hình thức này, doanh nghiệp đầu tư cho nông dân số vốn từ 3.300 – 5.000 đồng/kg cá thành phẩm (tùy từng doanh nghiệp). Số tiền này người dân tự mua con giống, thuốc men, thức ăn, thuê nhân công và các chi phí khác khi cần thiết. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng sẽ cung cấp cho người nuôi lượng thức ăn thủy sản khoảng 1,6 kg thức ăn/kg cá.

“Hình thức này được nhiều nông dân lựa chọn do chi phí đầu tư thấp, việc bị doanh nghiệp xù tiền khi mua cá cũng ít xảy ra. Tuy nhiên, mức lợi nhuận của nông dân rất thấp so với lợi nhuận của doanh nghiệp, chưa kể những rủi ro trong quá trình nuôi, người nông dân lại phải chịu hết” – ông Bình cho biết.

Hình thức hợp tác thứ hai là doanh nghiệp chọn những người nuôi có năng lực nhưng thiếu vốn ở giai đoạn cuối để hợp tác. Theo đó, người nuôi phải lo từ con giống, ao nuôi, đến khi cá đạt trọng lượng từ 0,5 kg trở lên thì được doanh nghiệp tiếp sức bằng cách đầu tư thức ăn. Giá cả thu mua được tính theo giá thị trường.

Ông Nguyễn Ngọc Hải - Chủ nhiệm Hợp tác xã Thủy sản Thới An khẳng định, dù ở hình thức nào thì nông dân cũng là người ở thế dưới, phải chịu nhiều rủi ro như dịch bệnh, hao hụt trong ao nuôi. Nhưng nếu không hợp tác thì cũng chỉ có nước "treo ao", vì không đủ vốn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nuôi cá tra đâu dễ có lời
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO