Những lưu ý trong bức tranh kinh tế 8 tháng

29/08/2010 07:36

Nếu nhìn trên lượng doanh nghiệp đăng ký kinh doanh mới trong 8 tháng đầu năm, dường như giai đoạn khó khăn đã không còn ảnh hưởng”, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Văn Tứ phát biểu trong buổi họp giao ban sản suất tại Bộ chủ quản, ngày 26/8.

Những lưu ý trong bức tranh kinh tế 8 tháng

“Nếu nhìn trên lượng doanh nghiệp đăng ký kinh doanh mới trong 8 tháng đầu năm, dường như giai đoạn khó khăn đã không còn ảnh hưởng”, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Văn Tứ phát biểu trong buổi họp giao ban sản suất tại Bộ chủ quản, ngày 26/8.

Đường phố Hà Nội những ngày đầu thu. Góp vào “thành tích” chung cả nước, tính đến tháng 8, tại Hà Nội đã có hơn 59 nghìn doanh nghiệp đăng ký kinh doanh với tổng vốn đăng ký là 370 nghìn tỷ đồng, bằng 102% về số doanh nghiệp và tăng 28% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2009 - Ảnh: Getty

Con số hơn 11 nghìn doanh nghiệp đăng ký mới trên địa bàn Thủ đô là một kỷ lục mới. Góp vào “thành tích” chung cả nước, tính đến tháng 8 đã có hơn 59 nghìn doanh nghiệp đăng ký kinh doanh với tổng vốn đăng ký là 370 nghìn tỷ đồng, bằng 102% về số doanh nghiệp và tăng 28% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2009.

Sự nhìn nhận Việt Nam như một cơ hội kinh doanh ở giai đoạn hậu khủng hoảng kinh tế thế giới cũng có ở nhiều nhà đầu tư quốc tế, khi dòng vốn FDI vào Việt Nam đang tăng trưởng trở lại sau khi giảm mạnh trong 2009. Tính đến tháng 8, đã có khoảng 10,79 tỷ USD vốn đăng ký mới đổ vào Việt Nam, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2009.

Tuy nhiên, viễn cảnh có hoàn toàn thuận lợi như sự háo hức của dòng vốn đổ vào nền kinh tế? Hay kỳ vọng trên còn do chấp nhận những rủi ro nhất định?

Sản xuất chưa hết khó khăn

Tăng trưởng công nghiệp trở lại ấn tượng với mức tăng 13,7% trong 8 tháng đầu năm, cao hơn 1,7 điểm phần trăm so với kế hoạch đặt ra, có thể là dẫn chứng cho sự phục hồi của nền kinh tế. Nhưng trong so sánh giữa tháng 8 và tháng 7, chỉ tiêu này chỉ còn tăng 1,6%, mức thấp nhất kể từ tháng 3 trở lại đây

Trong phần nhận xét về sản xuất công nghiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư có lưu ý khu vực kinh tế nhà nước, theo nghĩa là chủ lực của nền kinh tế, có tốc độ tăng trưởng thấp hơn mức kế hoạch kể trên. Đáng chú ý, một số ngành sản xuất quan trọng đã giảm mạnh tăng trưởng so với cùng kỳ mà nhìn vào nguyên nhân, việc giảm tăng trưởng không chỉ mang tính thời điểm.

Cụ thể, dầu thô khai thác đã giảm 4,5% do giới hạn kỹ thuật của các mỏ; than sạch giảm 18,6% do chủ trương không khuyến khích xuất khẩu để dành cho sản xuất điện ở trong nước; hay thép xây dựng giảm do nhu cầu trong nước giảm...

Trong khi đó, thiên tai, bão lũ xảy ra liên tiếp, tình hình sâu bệnh và dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi diễn biến phực tạp không chỉ ảnh hưởng đến nông nghiệp mà cả sản xuất công nghiệp và dịch vụ, điều này cũng được Bộ Kế hoạch và Đầu tư lưu ý như một khó khăn nổi cộm trong 8 tháng qua.

Ở một diễn biến liên quan, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong tháng 8 chỉ còn tăng 0,66% so với tháng trước, một mức khá thấp so với các tháng trước. Kết quả là, tăng trưởng bình quân chỉ tiêu này so với cùng kỳ đã giảm dần trong 3 tháng liên tiếp gần đây, từ mức 26,9% trong 5 tháng đầu năm xuống mức tăng 26% trong 8 tháng.

Phía cầu ngoại, mặc dù xuất khẩu đã đạt 44,5 tỷ USD và tăng 19,7% trong 8 tháng đầu năm nay, trong so sánh với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên, diễn biến trong ngắn hạn, kim ngạch đã có tháng thứ 2 liên tiếp giảm tăng trưởng. Với nhập khẩu, kim ngạch cũng đã giảm tháng thứ 3 liên tiếp.

Kết quả là, như đã phân tích trong một bài viết gần đây, tồn kho ngành công nghiệp tăng rất nhanh, từ mức 27,5% so với cùng kỳ tại thời điểm 1/6 đã tăng tới 38,6% vào ngày 1/7 và 37,3% vào ngày 1/8. Nguyên nhân này sẽ còn phải được nhìn nhận trong thời gian tới.

Nền kinh tế tiếp tục “hút” nhiều vốn

Trong đa số các nguồn vốn giải ngân 8 tháng đầu năm được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thống kê, kết quả đều cho thấy có sự tăng trưởng so với cùng kỳ, cả về giá trị tuyệt đối và tỷ lệ thực hiện so với kế hoạch.

Thực hiện vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước trong 8 tháng qua đã đạt 92,1 nghìn tỷ đồng, bằng 73,7% kế hoạch cả năm, cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ chỉ trên dưới 60% của cùng kỳ các năm 2008-2009.

Theo Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), ông Bùi Hà, có rất nhiều địa phương, bộ ngành ứng trước vốn năm 2011 và vượt trên 100% kế hoạch như Ninh Bình đạt 180% kế hoạch năm; Hòa Bình đạt 134%; Đồng Nai 133%; Thừa Thiên - Huế 105%; hay Bộ Giáo dục và Đạo tạo cũng đã vượt hơn so với kế hoạch 1%...

Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) Phạm Đức Hồng lưu ý thêm, chi đầu tư xây dựng cơ bản đã đạt gần 75 nghìn tỷ đồng và bằng 63% kế hoạch, theo số liệu của Kho bạc Nhà nước (số của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là 62,4%). Ông Hồng nhận xét rằng, đây là con số khá cao so với thực hiện cùng kỳ các năm trước.

“Đặc biệt là giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ rất đáng phấn khởi, ngược hẳn với các năm trước, tăng rất mạnh, tính đến hết 7 tháng đã đạt 69% kế hoạch”, ông Hồng cho biết.

Về phía các nguồn vốn từ bên ngoài, giải ngân vốn ODA 8 tháng đầu năm đã đạt khoảng 1,81 tỷ USD, bằng 74,5% kế hoạch cả năm và tăng tới 13,5% so với cùng kỳ năm 2009. Trong khi đó, giải ngân vốn FDI tính đến ngày 20/8 đạt khoảng 7,25 tỷ USD, tăng 3,6% so với cùng kỳ.

Cân đối vĩ mô và tầm nhìn chính sách

“Việc tăng tỷ giá vừa qua chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến giá cá mặt hàng, bao gồm cả lương thực và thực phẩm. Chắc chắn lạm phát sẽ tăng trong thời gian tới”, ông Nguyễn Lâm Khôi, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp.HCM - địa phương có chỉ số giá tiêu dùng giảm liên tục trong hai tháng gần đây - nêu quan điểm.

“Giá cả có xu hướng tăng”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhìn nhận đây là một khó khăn và cần được quan tâm xử lý. Trên thị trường, giá gas, thép xây dựng, gạo, thịt gà, tôm... có thứ tăng đồng loạt, có loại tăng cục bộ ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá liên ngân hàng VND/USD thêm hơn 2% cách đây ít ngày.

“Về nguyên tắc, lãi suất huy động phụ thuộc vào kỳ vọng lạm phát, cho nên nếu không giảm được lạm phát thì không thể giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay”, ông Nguyễn Văn Anh đại diện cho Ngân hàng Nhà nước tham gia cuộc họp phát biểu.

Và mặc dù phía Ngân hàng Nhà nước cho rằng lãi suất huy động đã giảm 0,6-0,8%, lãi suất cho vay giảm 1% là một nỗ lực lớn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn lưu ý, lãi suất cho vay các ngân hàng còn ở mức cao.

Trong khi đó, nhập siêu đã vượt 8 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm, gần gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2009. Ngân hàng Nhà nước lưu ý rằng với FDI vào chưa đủ nhiều thì mức nhập siêu tăng mạnh trong thời gian qua khiến thanh khoản ngoại tệ trong hệ thống ngân hàng có vấn đề, là nguyên nhân chính dẫn tới quyết định điều chỉnh tỷ giá.

Đây chỉ là sự bắt đầu cho một chu trình: điều chỉnh tỷ giá - lạm phát - tăng sức ép lên lãi suất. Trong khi đó, những đối chọi chính sách như thông tư 13 và mục tiêu tăng tín dụng lên 25% trong năm nay; hay điều chỉnh tỷ giá và tham vọng giảm lãi suất..., cho thấy các giải pháp chính sách đang bị hạn chế trong bối cảnh cơ quan điều hành phải giải quyết nhiều vấn đề nóng trước mắt.

Trở lại với Hà Nội, sau phát biểu đầy lạc quan về sự “hừng hực khí thế” các doanh nghiệp ra đăng ký mới, ông Tứ hạ giọng,: “Nhưng độ ảo đến đâu thì còn phải xem xét”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Những lưu ý trong bức tranh kinh tế 8 tháng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO