Những khó khăn cho thị trường tài chính

30/09/2010 02:45

Thông tư 13 của ngân hàng Nhà nước quy định về tỷ lệ bảo đảm an toàn của tổ chức tín dụng có hiệu lực từ 1/10 tới. Liệu thông tư này có được chỉnh sửa hay hoãn thi hành không, nếu không thì tác động thế nào đến thị trường tài chính?

Những khó khăn cho thị trường tài chính

Thị trường tài chính đang giống như một chiếc đồng hồ đếm ngược để chờ diễn biến liên quan thông tư 13/2010/TT-NHNN (TT13) của ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định về tỷ lệ bảo đảm an toàn của tổ chức tín dụng có hiệu lực từ 1.10 tới. Liệu thông tư này có được chỉnh sửa hay hoãn thi hành không, nếu không thì tác động thế nào đến thị trường tài chính?

Thị trường nhà đất vốn đang ế ẩm sẽ gặp khó khăn hơn do tín dụng bị thắt chặt sau khi Thông tư 13 có hiệu lực. Ảnh: T.L

Đánh giá về TT13, dư luận chung cho rằng cơ bản nội dung TT13 gần hơn với thông lệ quốc tế về an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, là bước tiến bộ về tư duy giám sát an toàn hoạt động tài chính.

Tuy nhiên, việc có nên áp dụng TT13 ngay trong năm 2010 không lại là vấn đề gây tranh cãi chưa dứt. Có nhiều tín hiệu cho thấy NHNN vẫn giữ thời hạn thi hành Thông tư 13, nhưng có chỉnh sửa một số quy định cho phù hợp hơn với bối cảnh thị trường tiền tệ và năng lực thực hiện của các tổ chức tín dụng (TCTD) hiện nay.

Vậy, điểm sửa đổi đó là gì? Ba nội dung bị chỉ trích nhiều nhất trong TT13 là:

- Quy định về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) riêng lẻ và hợp nhất 9%;

- Sử dụng 80% vốn huy động (85% đối với tổ chức tín dụng phi ngân hàng) để cấp tín dụng;

- Quy định hệ số rủi ro 250% đối với cho vay đầu tư chứng khoán, cho vay công ty chứng khoán (CK), cho vay kinh doanh bất động sản (BĐS).

Người ta dự đoán rằng NHNN sẽ chỉ sửa một chút về mặt kỹ thuật như: tính thêm nguồn vốn tiền gửi thanh toán của tổ chức kinh tế và dân cư (trừ nguồn vốn tiền gửi của Kho bạc tại ngân hàng) vào chỉ tiêu nguồn vốn tiền gửi (để làm tăng số vốn cho vay của TCTD).

Mấu chốt là quy định sử dụng 80% vốn huy động

Về hệ số CAR, đến nay gần như chưa NHTM Nhà nước hay NHTM cổ phần vốn Nhà nước chiếm tỷ lệ đa số (VCB, Vietinbank) đủ tỷ lệ. Hà Nội đã có 10/12 NHTM cổ phần đạt yêu cầu, 2 ngân hàng còn lại cho biết cũng sẽ cố gắng đủ tỷ lệ vào thời điểm 1.10.2010. Riêng địa bàn TP.HCM, có thông tin 3 NHTM cổ phần quy mô nhỏ khó đạt được chỉ số CAR đúng thời hạn. Vậy nếu không gia hạn lộ trình, NHNN sẽ xử lý thế nào đối với các ngân hàng này?

Về quy định hệ số rủi ro 250% đối với cho vay đầu tư chứng khoán, cho vay công ty chứng khoán, cho vay kinh doanh bất động sản, dù quy định này là ngăn ngừa NHTM không thực hiện quy mô lớn những hoạt động quá nhiều rủi ro, nhưng để tỷ lệ quá cao không có cơ sở thuyết phục. Một chuyên gia ngân hàng làm việc lâu năm tại Mỹ nói: “Cứ cho là ngân hàng bị rủi ro khi cho vay chứng khoán thì hệ số rủi ro của ngân hàng đó cũng chỉ tối đa đến 120% là cùng (100% là vốn của gân hàng, 20% là phòng ngưà các rủi ro liên quan có thể phát sinh như rủi ro liên quan đến pháp lý), vì vậy không thể bắt các ngân hàng thực hiện hệ số rủi ro đến 250% được”.

Vấn đề ở TT13 tác động tiêu cực nhất đến thị trường là quy định sử dụng 80% (hoặc 85%) vốn huy động để cấp tín dụng.

Đang có 2 quan điểm khác nhau.

Quan điểm thứ nhất cho rằng một tỷ lệ khống chế tín dụng như vậy trong điều kiện hiện nay ở Việt Nam là không cần thiết.

Quan điểm khác lại nói sự gia tăng tỉ lệ cho vay so với tiền gửi cho thấy ngân hàng đang có ít hơn nguồn vốn tiền gửi để tài trợ cho tăng trưởng tín dụng và bảo vệ mình khỏi nguy cơ rút tiền gửi đột ngột, khả năng thanh khoản của ngân hàng giảm. Do đó, chỉ tiêu giám sát an toàn hoạt động ngân hàng đứng ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước hay đứng ở góc độ quản lý tài sản có - tài sản nợ (ALCO) nội bộ từng NHTM cần sử dụng tỉ lệ cho vay so với tiền gửi.

Quan điểm này là đúng nhưng áp dụng cứng ngay một tỷ lệ trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay sẽ gây khó khăn trực tiếp cho các NHTM và gián tiếp cho nền kinh tế. Mấy tháng gần đây, lãi suất kinh doanh, nhất là lãi suất huy động USD, vàng của các NHTM lại tăng, tỷ giá thị trường tự do cũng trong xu hướng vượt dần tỷ giá trần niêm yết của các NHTM, thị trường chứng khoán lình xình, bất ổn...

Điểm qua tình hình như vậy để thấy rằng nếu NHNN vẫn kiên quyết thực hiện tất cả các quy định của nội dung TT13 vào ngày 1.10 tới sẽ khó cho NHNN (trong việc xử lý các TCTD không thực hiện đúng) và khó cho cả NHTM cùng nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay.

Một chuyên gia tài chính ngân hàng nói: “Nếu NHNN có tầm nhìn chiến lược về hội nhập và tính dự báo cao thì những quy định của TT 13 đã phải được xây dựng cách đây 5 năm để các TCTD có thời gian chuẩn bị. Hãy xem lộ trình thực hiện Basel III được thiết kế chi tiết kéo dài và chỉ phải thực hiện đầy đủ toàn bộ kể từ 1.1.2019. Đối với một thị trường tiền tệ còn non nớt và hạn chế như Việt Nam thì không thể ép thực hiện nhanh như vậy. Năm nay mới đưa ra thì việc thực hiện phải kéo dài hơn”.

Ảnh hưởng đến ngân hàng và lãi suất

Trước hết với quy định mới về hệ số CAR thì các NHTM nhà nước và NHTM cổ phần mà Nhà nước nắm quyền chi phối là bị ảnh hưởng nhất. Để nhanh chóng đảm bảo hệ số CAR như TT13 quy định, NHTM phải hạn chế, thậm chí ngừng tăng tín dụng. Tỷ lệ tăng trưởng tín dụng 25% như NHNN đề ra khó đạt được. Vì vậy, mục tiêu tăng trưởng GDP có thể bị ảnh hưởng.

TT 13 đánh đồng NHTM mạnh cũng giống như NHTM yếu kém trong đầu tư vốn vào những ngành nghề nhạy cảm (có rủi ro cao) là không hợp lý. Nếu buộc tất cả các ngân hàng phải dồn vốn cho sản xuất kinh doanh, ví dụ cho lĩnh vực nông nghiệp cũng không thực tế vì lĩnh vực này không phải là thế mạnh của tất cả các ngân hàng.

Nếu không cho phép sử dụng nguồn tiền gửi của kho bạc Nhà nước trong khi thực tế nguồn tiền gửi này đã được sử dụng cấp tín dụng, nay phải thu hồi về (mà số dư tiền gửi Kho bạc Nhà nước tại NHTM hiện trên 60 nghìn tỉ đồng). Trong ngắn hạn, điều này sẽ tác động tiêu cực làm hạn chế nguồn cung tín dụng, làm tăng lãi suất cho vay.

Việc hạ thấp tỷ lệ sử dụng vốn huy động trong khi biện pháp hỗ trợ (qua thị trường mở) lại thực hiện chưa đủ độ sẽ không ngăn chặn được tình trạng “vốn lẩn quẩn giữa NHTM và NHNN chứ thực chất chưa đổ vào sản xuất kinh doanh”, như thế chi phí vốn của hệ thống NHTM vẫn cao, rất khó hạ lãi suất cho vay như chỉ đạo của Chính phủ.

Ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán

Do nền kinh tế thực vẫn còn nhiều bất ổn nên huy động vốn trên thị trường chứng khoán vẫn rất khó khăn, nhu cầu vốn nền kinh tế vẫn đè nặng lên hệ thống ngân hàng. Vì vậy, việc tăng/giảm tín dụng, tăng/giảm lãi suất cho vay của hệ thống ngân hàng đều tác động mạnh tới thị trường chứng khoán.

Nếu NHNN vẫn kiên quyết thực hiện TT13 (dù còn bất cập và thậm chí có những điểm không phù hợp với thực tiễn) chỉ khiến thị trường nhìn nhận rằng:

Thứ nhất, nền kinh tế hiện vẫn đang tồn tại rủi ro kinh doanh cao nên NHNN buộc phải lựa chọn yếu tố an toàn để đánh đổi tăng trưởng. Khi NHNN cho rằng NHTM nên giảm đầu tư vào những ngành nghề cụ thể (qua tỷ lệ khống chế) thì chẳng khác gì NHNN báo cho thị trường biết là các ngành nghề đó đang có quá nhiều rủi ro. Mà NHTM còn không dám thì làm sao khuyến khích được các nhà đầu tư cá nhân bỏ vốn đầu tư?

Thứ hai, có lẽ hệ thống NHTM đang có nhiều bất ổn nên TT 13 phải được thực thi, nếu NHTM nào không thực hiện được phải tự nguyện sát nhập hoặc buộc phải sát nhập?

Những sự suy diễn như vậy cộng với dự báo trong ngắn hạn thị trường không có tin tích cực nào mới đủ mạnh đẩy TTCK đi lên khiến viễn cảnh VN- Index còn bất ổn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Những khó khăn cho thị trường tài chính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO