Nhiều ít cũng vui lòng mua

AN DÂN| 25/08/2010 08:46

Nhiều năm cặm cụi làm ra sản phẩm, gia đình tôi đều bán cho “con buôn”, mà con buôn có người là bà con cô bác trong ấp, trong xã. Họ vào tận nhà, tận vườn mua, nhiều ít cũng vui lòng mua, bất kể đêm hôm, mưa nắng...

Nhiều ít cũng vui lòng mua

Vợ chồng tôi trở thành thương lái không phải tình cờ, mà qua nhiều năm bán nông sản do mình làm ra, chúng tôi hiểu biết thị trường chút ít nên mạnh dạn đem chôm chôm, sầu riêng ra bỏ mối cho các vựa ở chợ Long Khánh, bán sỉ ở chợ Long Thành. Tất nhiên khoản tiền công thay vì thương lái hưởng thì mình hưởng trọn.

Vùng đất từ lộ 51 đến lộ 53, phần thuộc tỉnh Đồng Nai và một phần của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bây giờ, năm 1975-1976 là rừng rậm. Sau này tìm hiểu, tôi mới biết vì sao chính quyền Sài Gòn không dám khai phá mấy chục ngàn hecta rừng này để làm trang trại vì sợ “Việt Cộng”.

Vợ chồng thương lái Tiên - Loan với công việc hàng ngày - Ảnh Công Toại.

Về mặt quân sự, khu rừng bạt ngàn nằm giữa hai con lộ nối quốc lộ 1A với Vũng Tàu và Bà Rịa là vô cùng quan trọng, bởi nó chỉ cách Sài Gòn về hướng Đông, theo đường chim bay ba bốn chục kilômét, nhưng quân Cộng hòa đành bất lực để cho lực lượng Giải phóng làm căn cứ kháng chiến, chỉ “trả đũa” bằng cách trút một lượng bom đạn khổng lồ xuống đây.

Tôi kể dài dòng vậy là để thấy, sau ngày giải phóng, chính quyền cách mạng phải giải quyết đời sống cho hàng vạn con người chạy nạn chiến tranh tập trung ở Sài Gòn, nhất là dân miền Trung, nên đã để bà con tự do khai phá những khu rừng quý giá này, và khi có chủ trương xây dựng vùng kinh tế mới, một bộ phận dân cư TP.HCM được đưa đến đây thành lập những nông trường trồng cao su.

Cha tôi có người bà con làm việc trong một đơn vị tăng gia của bộ đội, tại ấp Tự Túc, xã Thừa Đức bây giờ (huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai), nên đã “tự túc đi kinh tế mới”, và mang theo tôi, khi đó đã 18 tuổi, học bán phần tú tài, chứ không bị bắt ép, vì ông cũng muốn xa Sài Gòn tìm về thôn quê kiếm sống.

Anh thấy nhà tôi đang ở đây, hơn 30 năm rồi mà từ cây cột đến tấm ván thưng vách, không hề bị mối mọt. Toàn là gỗ cẩm, gỗ dầu khi cha con tôi phá khu rừng này cất nhà, làm rẫy. Đầu tiên trồng đậu, trồng bắp, sau thì trồng điều, cà phê, chôm chôm, sầu riêng. Cha con tôi còn nuôi cá, nuôi heo, nuôi bò, không nhiều nhưng dư sống.

Rồi tôi có bạn gái, cũng là con một gia đình ở quận Bình Thạnh, TP.HCM đi kinh tế mới. Quen nhau bảy năm, chúng tôi mới làm đám cưới.
Tôi nhớ thời bao cấp, nhiều công ty nông sản thực phẩm của Nhà nước cho người rảo khắp mấy huyện Long Thành, Cẩm Mỹ, Châu Thành, Thống Nhất lùng mua các loại đậu, bắp, cà phê trong dân nhưng nhân viên nào cũng tìm cách hạ phẩm cấp, mua giá thấp, nhập kho giá cao.

Bây giờ gọi là tham nhũng chứ thời đó kêu bằng ăn bớt ăn xén. Các công ty quốc doanh buôn bán thứ gì cũng lỗ nhưng vẫn được “bảo kê” bằng cách cho dựng rất nhiều trạm gác để ngăn sông cấm chợ, mà nào có cấm được, dân vẫn có cách đưa hàng ra thị trường tự do.

Nông sản sản xuất nhỏ lẻ thì mấy ông Nhà nước làm sao mua với số lượng lớn được, họ mua gom mỗi nơi một ít rồi bỏ kho, mặc cho ẩm ướt, mối mọt rồi phân phối lại cho cán bộ toàn của cho gà ăn gà còn chê. Cái gì trái với tự nhiên thì trước sau cũng phải dẹp bỏ. Chỉ dẹp bỏ bao cấp và trạm gác nông sản thực phẩm là hàng hóa ê hề.

Nhiều năm cặm cụi làm ra sản phẩm, gia đình tôi đều bán cho “con buôn”, mà con buôn có người là bà con cô bác trong ấp, trong xã. Họ vào tận nhà, tận vườn mua, nhiều ít cũng vui lòng mua, bất kể đêm hôm, mưa nắng. Có lời mới chịu cực như thế, nên dù đôi bên có khi cò kè thêm bớt vài giá, nhưng đều vui vẻ. Chúng tôi trở thành bạn hàng của nhau năm này sang năm khác là nhờ vậy.

“Con buôn”, hay “bọn phe phẩy”, “kẻ bóc lột” - theo cách gọi miệt thị của mấy ông mấy bà quốc doanh dành cho thương lái - đối với những người sản xuất chúng tôi là không thể thiếu, bởi không có họ thì hàng hóa ứ đọng ngay. Không phải khi mình cũng trở thành thương lái, tôi mới nói thế.

Vợ chồng tôi trở thành thương lái không phải tình cờ, mà qua nhiều năm bán nông sản do mình làm ra, chúng tôi hiểu biết thị trường chút ít nên mạnh dạn đem chôm chôm, sầu riêng ra bỏ mối cho các vựa ở chợ Long Khánh, bán sỉ ở chợ Long Thành. Tất nhiên khoản tiền công thay vì thương lái hưởng thì mình hưởng trọn.

Tích lũy dần, bắt đầu từ năm 1990, vợ chồng tôi sang lại được bốn hecta đất gần nhà, trồng chôm chôm, sầu riêng là chính. Mấy năm qua, mỗi năm chúng tôi bán được trên 50 tấn chôm chôm, trên dưới 10 tấn sầu riêng.

Từ các mối quen ở chợ, năm 2005, vợ chồng tôi nảy ra ý định mua thêm sản phẩm của các nhà vườn trong địa phương để bán lại. Thế là chúng tôi trở thành thương lái chính cống!

Cũng nhờ lặn lội trên thương trường mà vợ chồng tôi lại tiến thêm một bước: mua mão chôm chôm, sầu riêng nguyên vườn.

Mua mão, nhất là mua cây đứng, không dễ chút nào. Có vườn, chủ đã bán mão một hai năm trước, người ta phun thuốc kích thích để có sản lượng tối đa, đến lượt mình mua thì cây đã kiệt sức, ra quả rất ít.

Có vườn mình định giá sai sản lượng, nhất là vườn trồng xen chôm chôm, sầu riêng. Còn trái gió trở trời thì không ai lường trước được. Đã mua mão thì phải chồng tiền trước, tất nhiên lời ăn lỗ chịu.

Tôi may mắn có nhiều kinh nghiệm kinh doanh mấy chục công vườn nên khi mua mão, không mấy khi bị thiệt. Tôi còn mua mão nguyên vườn khi cây chưa ra bông, bởi từ vườn nhà mình, mình biết, với chất đất ấy, với độ tuổi ấy, với cành lá ấy... thì mùa trái năm nay nhiều hay ít.

Từ mua mão vườn trong xã, trong huyện, tôi “mở rộng địa bàn”, mua thêm cây đứng trong huyện, trong tỉnh và một vài tỉnh miền Đông Nam bộ.

Nhiều nhà đã bán vườn cho tôi hết năm này qua năm khác. Được thế là thuận lợi lắm, vì mình không phải cạnh tranh mua với thương lái khác và yên tâm đầu tư chăm bón đúng kỹ thuật để có năng suất cao.

Mua mão vườn nhưng vợ chồng tôi không bán mão trái mà thuê nhân công hái rồi kêu lái vào lấy. Tháng Sáu, tháng Bảy là lúc bận rộn nhất trong năm vì vườn cây nào cũng chín rộ, nếu mình thiếu bạn hàng lâu dài, mà phải là bạn hàng lớn, thì sẽ ứ đọng sản phẩm.

Bây giờ có thêm một vài nhà máy chế biến trái cây nên xe họ thường đến tận vườn lấy hàng. Có nhà máy trở thành “mối ruột” của chúng tôi...

Anh Trần Đức Tiên kể đến đây thì cười rất thoải mái: “Dân được buôn bán tự do, sướng vậy đó!”. Nói rồi anh điện thoại cho vợ là chị Nguyễn Thị Mỹ Loan đang cùng dân công hái chôm chôm ngoài vườn, bảo chuẩn bị đón khách, không phải khách mua trái cây mà là “dân Sài Gòn xuống chơi”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhiều ít cũng vui lòng mua
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO