Nhà vườn ép lái xoài?

TRIỀU TIÊN| 04/09/2010 01:07

Lái xoài Võ Thái Thụy (xã Long Kiến, Chợ Mới, An Giang), tuy mới vào nghề mấy năm nhưng khá rành chuyện làm ăn, cho biết, chuyện “mua xoài đứng” đã diễn ra từ bốn năm chục năm trước,

Nhà vườn ép lái xoài?

Mấy mươi năm nay, việc mua xoài lá, bán xoài trái ở đồng bằng sông Cửu Long tiến hành trên cơ sở thỏa thuận, đôi bên cùng có lợi. Phần nhà vườn thì không phải cầu âu theo kiểu “một năm trúng, đôi ba năm thất” nữa, vì khi quyết định bán xoài lá, bao giờ nhà vườn cũng bán rất được giá, và lấy tiền ngay, coi như đã nắm chắc phần cán. Trong khi đó, người mua, tức lái xoài có khả năng bắt xoài phải cho trái tối đa…

Nhờ tích lũy được kinh nghiệm, cộng cùng sự tác động của khoa học kỹ thuật, người mua xoài lá biết làm cho trái trở nên to ngon, bán được giá - ảnh Lê Hoàng Vũ

Khác với những loại thương lái khác, người mua xoài lá còn phải đảm nhận bao nhiêu là phần việc tốn kém, như bón phân, tưới nước, xịt thuốc dưỡng cây, kích thích tăng trưởng, phòng trừ sâu bệnh, cùng trông nom, thu hoạch và chuyển xoài đi bán, thậm chí chấp nhận rủi ro nếu chẳng may gặp phải dông gió, mưa dầm, xoài rụng nhiều, hoặc đột ngột tuột giá. Nói chung, đến ngày thu hoạch, người mua xoài lá được bao nhiêu thì hay bấy nhiêu.

Giỏ (cần xé) được quy ước là đơn vị tính của nhà vườn lúc bán sỉ cho vựa, từ vựa bán ra mới cân, tính bằng kg hoặc tấn. Xoài bán lẻ có nơi còn đếm chục - đây là một nét văn hóa độc đáo của người Nam bộ: miền Nam trái cây la liệt quanh năm, nên trong mua bán, một chục không phải là 10, mà là mười mấy, thường thì 12-16-18 trái, tùy từng địa phương.

Tất nhiên lời lái ăn lỗ lái chịu. Chuyện có vẻ “năm ăn năm thua”, nhưng vì sao người ta lại đua nhau mua xoài lá?

Lái xoài Võ Thái Thụy (xã Long Kiến, Chợ Mới, An Giang), tuy mới vào nghề mấy năm nhưng khá rành chuyện làm ăn, cho biết, chuyện “mua xoài đứng” đã diễn ra từ bốn năm chục năm trước, nhưng lúc ấy người ta chỉ mua khi thấy trái trên cây đã già, tức mua mão. Vì “hiện tiền” nên cả chủ và lái đều “đánh số giỏ” tương đối nhau, sai biệt không đáng kể.

Nói chung, vai trò của lái xoài trước đây chỉ lấy công làm lời. Kể từ những năm “đổi mới”, nhờ sự hướng dẫn của các kỹ sư nông nghiệp, và do thị trường thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng phong phú, nên sau vài mùa thí nghiệm trên xoài nhà, các thương lái đã mạnh dạn chuyển sang mua xoài lá, thu hoạch trái xong thì trả cây lại cho chủ.

Do có sự hoài nghi của phía nhà vườn, cho rằng, nếu đã xịt thuốc tăng trưởng thì những năm sau, vườn xoài kể như bỏ, chỉ có đốn làm củi, nên để giúp nhà vườn yên tâm, người mua xoài lá thường “hợp đồng chết giá” liên tiếp vài ba năm, tùy sự thỏa thuận của hai bên.

Người chuyên mua xoài lá chẳng những có vốn lớn và nhất là có… gan, mà còn phải có kinh nghiệm và trình độ chuyên môn mới không sợ lỗ. Nhưng lời nhiều hay ít còn tùy yếu tố khách quan. Có khi lời “rất bạo”. Còn nhớ năm ấy nhờ trúng mùa, trúng giá nên thương lái Chợ Mới đều trúng lớn.

Người nào cũng kiếm đôi ba chục, thậm chí hai ba trăm triệu đồng. Mãn mùa, họ rủ nhau qua Cao Lãnh, Long Xuyên sắm đồ thấy mê. Kẻ tivi, người tủ lạnh. Ai có rồi thì sắm vàng, sang đất, cất nhà, tưng bừng hết, khoái cái gì thì mua cái nấy. Không ít người “nghía” mấy chiếc Toyota 7 chỗ! Nội xe “tem lửa” rẹt tới rẹt lui ngoài đường, thấy cũng mát mắt. Nông dân mà. Làm ăn thì chịu cực chịu khổ không ai bằng, đến khi có tiền thì chơi cũng “tới” lắm!

Đột nhiên ì xèo như vậy nên nhiều lái xoài được lên tivi, được ca ngợi là “đã đi tiên phong trong việc áp dụng kỹ thuật thâm canh trên xoài làm cho năng suất tăng lên gấp bội”; “đã chủ động tìm ra thị trường từ Nam ra Bắc, đặc biệt là xuất khẩu sang Trung Quốc”, v.v… Coi như “người tốt việc tốt”. Điều đó quả không sai.

Rõ ràng, “mua xoài lá” là một sáng kiến hay và có lợi cho nhà vườn, bởi ngay khi thỏa thuận giá cả, thương lái đều đưa đủ tiền nên họ rất yên tâm.

Nói đi thì cũng phải nói lại. Trên thực tế có không ít trường hợp bị “thổi tới mây xanh”, như bác Ba Đ. ở gần nhà tôi, năm nay trên 60 tuổi, từng có 30 năm trong nghề “mua xoài đứng”, được bà con phong là “trùm xoài”, thiệt tình cho biết: “Mùa rồi bác kiếm được trên 200 triệu, nhưng người ta đồn “trừ hao”, kê lên gấp đôi cho xôm, thành 500 triệu!”.

Rồi ông cười tỉnh bơ: “Thời buổi an ninh, người ta nói nhiều, coi như cầu chúc mình, tốt chớ có sao. Nói thì nói vậy chớ cũng có hại chớ hổng phải chơi, vì nghe đồn vậy nên mùa này nhà vườn kêu toàn giá trên trời, có người hét gấp ba lần năm ngoái. Thành ra thay vì mua cả ngàn gốc như năm rồi, năm nay không những qua phải chấp nhận giá cao, mà chạy rả giò cũng chỉ nài được có mấy trăm gốc!

Trong kinh doanh, biến động giá cả là chuyện thường. Có điều “hơi mới” là đã sanh chuyện nhà vườn ép giá thương lái!

Bác Trứ, bác Bình, những lái xoài lâu năm ở An Giang phân tích: “Việc gì cũng vậy, hễ phải người phải ta thì các bên đều có lợi. Còn bắt chẹt bắt lỏng thì nhất định có người được, người thua, có khi không ai được cả. Nhà vườn kêu giá quá cao, thương lái vói không tới, chuyện mua bán không thành.

Trước hết thương lái không có lợi, nhưng không có nghĩa là có hại, vì mua không được thì thôi, chẳng lỗ lã gì. Trong khi đó nhà vườn buộc phải để xoài phát triển tự nhiên, tất nhiên năng suất kém. Bởi muốn nâng cao năng suất như thương lái làm không phải dễ, đơn giản là chưa nắm vững kỹ thuật, hoặc chưa có kinh nghiệm và phương tiện đầy đủ. Mà hễ năng suất kém thì phần thiệt thòi không ai khác hơn là nhà vườn. Lợi bất cập hại là vậy.

Chính vì do thổi phồng quá mức như vậy nên phong trào mua xoài lá không còn là chuyện thời sự nữa.

Nhà vườn do thiếu điều kiện chăm sóc, nên tuy xoài trổ bông nhiều nhưng tỉ lệ đậu trái lại thấp. Đó là chưa nói đến cái cảnh xoài non, xoài già rụng đặc đất, dù chẳng thấy có dông gió gì! Để vớt vát, bà con lượm đem bán đổ bán tháo cho các cơ sở chế biến xoài ngâm đường (có bao bì đàng hoàng - vô keo), hoặc làm dưa xoài. Món đưa cay dân nhậu rất khoái này xuất hiện trong hoàn cảnh như thế. Còn thương lái, nhất là những người ít vốn đành phải tạm chuyển nghề, chẳng hạn Bạch Anh Minh quay sang nuôi cua đồng, Võ Thái Thụy mua và ghép cây kiểng bán Tết…

Nhưng đó chỉ là hiện tượng mang tính giai đoạn, vì sau mấy năm, hơn ai hết, nhà vườn đã hiểu được thương lái nên họ lại “gặp nhau”. Nay hầu như cả thương lái và nhà vườn đều nắm biết được kỹ thuật cho ra trái nghịch mùa, đặng bán được giá hơn, nên phong trào mua bán xoài lá không còn ì xèo như trước mà diễn ra quanh năm, vẫn khá là nhộn nhịp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhà vườn ép lái xoài?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO