Nhà đầu tư nội giành ưu thế trên sân golf

05/06/2013 05:17

Trong lĩnh vực đầu tư sân golf, các nhà đầu tư nội đang tranh thủ sự rút lui của nhà đầu tư ngoại để giành ưu thế cho tương lai.

Nhà đầu tư nội giành ưu thế trên sân golf

Mặc dù chưa nhìn thấy xu hướng rõ ràng trong hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực đầu tư sân golf, song ông Nguyễn Ngọc Chu, Phó chủ tịch Hiệp hội Golf Việt Nam cho rằng, các nhà đầu tư nội đang tranh thủ sự rút lui của nhà đầu tư ngoại để giành ưu thế cho tương lai.

* Thưa ông, mặc dù những thương vụ chuyển nhượng sân golf không được công bố, song có vẻ như đang có một sự chuyển dịch lớn trong lĩnh vực đầu tư sân golf qua hình thức M&A. Và hình như các nhà đầu tư đang muốn rút chân ra khỏi lĩnh vực này?

Ông Nguyễn Ngọc Chu, Phó chủ tịch Hiệp hội Golf Việt Nam

- M&A, không riêng trong golf, là động thái bình thường trong kinh doanh. Có rất nhiều lý do.

Một là, do lỗ nên phải bán.

Hai là, họ đã có lợi nhuận nhưng không nhìn thấy cơ hội tìm kiếm lợi nhuận đáng kể thêm nữa. Cũng có thể nhà đầu tư cần tài chính để phục vụ những mục đích khác.

Tuy nhiên, về tổng thể, trong thời điểm hiện tại, việc các nhà đầu tư nước ngoài quyết định chuyển nhượng các dự án của mình phần nhiều là do họ không nhìn thấy cơ hội kiếm được lợi nhuận trong thời gian sắp tới như họ mong đợi.

* Vậy tại sao các nhà đầu tư Việt Nam lại tham gia cuộc chơi có vẻ không còn hấp dẫn này, thưa ông?

- Nhà đầu tư, dù nội hay ngoại, phải thấy cơ hội thì mới quyết định đầu tư. Mấu chốt nằm ở chỗ, khoản lợi nhuận mà các nhà đầu tư nước ngoài cho là không còn hấp dẫn, hoặc còn phải chờ đợi thêm nữa, nhưng vẫn là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Hơn thế, cũng phải thấy điểm đặc thù của lĩnh vực đầu tư vào sân golf ở Việt Nam. So với việc bắt đầu một dự án mới, thì việc mua lại dự án đang triển khai sẽ giảm chi phí, thời gian đầu tư, nhất là chi phí giải phóng mặt bằng. Đặc biệt hơn, việc tìm kiếm những vị trí đẹp, phù hợp với đầu tư sân golf không còn nhiều, nhất là những địa điểm gần Hà Nội, TP.HCM…

Cũng phải nói thêm, trong bối cảnh kinh doanh hiện tại, rất ít nhà đầu tư quyết định đầu tư mới dự án trong lĩnh vực này.

* Vậy, có thể nói rằng, trong giai đoạn hiện tại, M&A sẽ là hình thức đầu tư lấn át trong lĩnh vực này?

- Rất khó để nhận định như vậy, nhất là trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, phân khúc bất động sản cao cấp tiếp tục gặp khó. Ngay cả với những dự án đã được mua lại, chủ mới cũng chỉ đầu tư, phát triển cầm chừng.

Còn với bất động sản trong sân golf, phần tạo nên giá trị gia tăng cao cho nhà đầu tư, thì trừ những vị trí đắc địa, họ sẽ phải chờ thêm một thời gian nữa để có thể tìm lại cơ hội.

Tuy nhiên, với các động thái hiện tại, dường như các nhà đầu tư nội đang tận dụng cơ hội giành ưu thế trong tương lai.

* Có nghĩa là họ chấp nhận thua lỗ để đầu tư cho tương lai?

- Không hẳn. Cơ hội của lĩnh vực này rất tiềm năng. Vấn đề là thời gian và địa điểm.

Thứ nhất, đây là môn thể thao đang có nhu cầu phát triển. Mặc dù khó khăn, song về cơ bản, đây là lĩnh vực đang có thị trường, nên khả năng đảm bảo thu bù chi vẫn khá tốt từ hoạt động hàng ngày của sân golf. Tất nhiên, điều này đúng với các dự án tại Hà Nội, TP.HCM. Với các địa điểm kém thuận lợi hơn về cơ sở hạ tầng, đường sá, mức sống dân cư thì sẽ còn khó khăn.

Thứ hai, so với Quy hoạch Phát triển sân golf đến năm 2020, khả năng hoàn thành đầu tư 90 sân golf không dễ, do không nhiều nhà đầu tư muốn bắt đầu một dự án mới. Vì vậy, nếu các dự án hiện hữu được đầu tư hoàn thiện, khả năng đến năm 2020 Việt Nam mới có khoảng 50 sân golf.

Cùng với sự hồi phục, phát triển của kinh tế, những nhà đầu tư hiện tại sẽ có được khoản lợi nhuận lớn từ các khoản đầu tư khá hấp dẫn vào lúc này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhà đầu tư nội giành ưu thế trên sân golf
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO