Ngọt đắng nghề nuôi hươu

NGUYÊN VI - TR.NGỌC| 28/12/2011 09:25

Nuôi hươu rừng là một nghề được coi là “hot” trong ngành chăn nuôi nông nghiệp của bà con các tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh cách đây chừng trên dưới 20 năm. Trong khoảng thời gian này, người nông dân thường ví con hươu như một "kho báu", cả gia tài của nhà mình. Thế nhưng cũng có lúc con hươu khiến bao gia đình một thời phải dở khóc, dở cười...

Ngọt đắng nghề nuôi hươu

Thập niên 80 – 90 của thế kỷ XX, phong trào nuôi hươu trở nên thịnh hành đối với bà con các địa phương ở khắp vùng Nghệ An và Hà Tĩnh. Có những hộ nông dân bỗng dưng trở thành tỷ phú nhờ hươu. Nhưng, cũng trong phút chốc, họ trắng tay vì loại vật nuôi này.

Nuôi hươu rừng là một nghề được coi là “hot” trong ngành chăn nuôi nông nghiệp của bà con các tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh cách đây chừng trên dưới 20 năm. Trong khoảng thời gian này, người nông dân thường ví con hươu như một "kho báu", cả gia tài của nhà mình. Thế nhưng cũng có lúc con hươu khiến bao gia đình một thời phải dở khóc, dở cười...

Một thời xa vắng

Nghề nuôi hươu một thời đã làm cho người dân nửa cười, nửa mếu

Nói tới nguồn gốc của phong trào nuôi hưu để trở thành đại gia phải kể đến vùng đất Hương Sơn (Hà Tĩnh). Những năm 1980 -1990, ở Hà Tĩnh số đàn hươu được nuôi trong các hộ nông dân đã lên tới hàng chục nghìn con. Nuôi hươu thời kỳ này đã giúp nhiều gia đình ở miền quê quanh năm cát trắng, gió Lào trở thành tỷ phú. Nhiều cảnh đời đã thực sự đổi thay nhờ…hươu. Ước mơ trở thành đại gia bằng nghề nuôi hươu không chỉ ở Hà Tĩnh mà đã lan truyền sang cả vùng Nghệ An thời bấy giờ.

Ông Văn Đức Ân, một người từng được coi là “đại gia hươu” ở xã Mai Hùng (Quỳnh Lưu) chua xót khi nói về con hươu: “Thú thật, những năm thập niên 80, nuôi hươu ở quê tôi như một nghề thượng cấp. Ngày đó, có một cặp hươu giống trong nhà được coi là tỷ phú rồi. Trước, mỗi khi hội họp, đình đám đều lấy con hươu là đề tài để đem ra góp chuyện với bàn dân thiên hạ. Nhưng, sau này thì…”. Cũng theo lời kể của ông Ân, ngày trước ai không có chuyện hươu làm quà trong khi ngồi trò chuyện, bàn “kế sinh nhai” với nhau thì coi như lạc hậu, không ngang hàng, bằng vế được.

Xã Mai Hùng là một trong những địa phương khởi đầu cho cơn sốt nuôi hươu ở nơi địa đầu xứ Nghệ. Được biết, những năm 1980 – 1986 giống như ông Ân, một người nông dân bán cả cửa nhà, ruộng vườn cũng chưa hẳn đã mua được con hươu cái. Để có một con hươu trưởng thành, hàng chục hộ dân chung lại mới mua nổi. Người góp vài ba chục triệu chung cái móng chân hươu, góp nhiều hơn nữa thì được cái chân con hươu. Ước mơ để trở thành đại gia hươu đối với một nông dân những năm đó không hề đơn giản. Con hươu lên giá, nhiều gia đình lúc bấy giờ coi nó như của quý trong nhà mình.

Khi có hươu rồi, mọi người phải thay phiên nhau chăm sóc cẩn thận “lộc quý” của mình. Nắng, mưa, rét mướt cũng phải “chu toàn” cho sức khoẻ con hươu cẩn thận. “Nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”, cả chuyện người ta mắc võng ngủ với con hươu cũng có. Bởi, ai cũng mơ ước mình có thể nhân đàn, tạo giống hươu để một mai trở thành đại gia. Ra đường, ai gặp cũng phải nể phục.
Ông Quách Sĩ Hà, một “đại gia” nuôi hươu có tiếng một thời cũng không kém phần hối tiếc về thời xa vắng. Ông Hà kể, những năm 89 - 90, để có được một chân trong phường nuôi hươu, nhiều người phải chạy vạy, vay mượn tiền, vàng mới có được. Cũng có người theo chân các phu đá đỏ Quỳ Châu để đào vàng bán lấy tiền chung hươu. Nhiều số phận không may mắn đã bỏ xác lại nơi hầm lò, bãi vàng vì mong muốn có tiền về để gia nhập vào phường nuôi hươu.

"Nuốt đắng" vì... hươu

Trước những năm 1990, xã Mai Hùng, Quỳnh Yên, Quỳnh Nghĩa (Quỳnh Lưu)… được xem như là những xã có kinh tế khá giả so với các địa phương trong huyện. Nuôi hươu với người dân nơi đây đã có thời kỳ trở thành phong trào rầm rộ. Nhiều gia đình từ nghèo khó trở nên giàu có nhờ nuôi hươu”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, những gia đình như ông Ân, ông Hà có thời điểm nhân đàn hươu của mình lên tới hàng chục con. Giá mỗi con hươu cái trưởng thành năm 1989 đã lên tới gần trăm triệu đồng.

Nhiều gia đình trở thành tỷ phú qua mấy năm chăm bẵm “mát tay” con hươu nhà mình. Ước mơ được làm đại gia, tỷ phú chưa lâu thì bỗng dưng con hươu rớt giá.

Chuyện về con hươu, ông Ân chép miệng: “Chán lắm chú ạ. Năm 1994, nhà tôi đã nhân đàn được 15 con hươu đực, cái (ông Ân bắt đầu nuôi hươu từ năm 1981 – PV), tưởng mình sẽ giàu to. Ai ngờ, đùng một cái, hươu rớt giá như thác đổ. Giá con hươu trước đó từ 70 đến 100 triệu đồng thì năm 1995 chỉ còn 300 đến 400 ngàn đồng. May mà tôi nhanh chóng vớt vát, bán trước được vài con, không thì cũng tan gia bại sản”. Nay, ông Ân đã chuyển sang nuôi nhím, trong chuồng trại chỉ nuôi một con hươu duy nhất để gọi là nhớ lại một thời vàng son.

Anh Bốn cho biết thêm, ở xã Mai Hùng, thời kỳ đỉnh điểm 1990, tổng đàn hươu đã lên tới hàng nghìn con. Nhiều “đại gia” khắp nơi tìm đến các chủ nuôi hươu để được góp vốn, mong thành tỷ phú. Khi con hươu rớt giá, các đại gia cũng phá sản trong giây lát.

Năm 1995 về sau này, khi hươu ầm ầm rớt giá, nhiều gia đình đã dở khóc, dở mếu. Có gia đình không tin vào mắt mình nữa nên vẫn quyết tâm giữ khư khư gia tài của mình. Nhưng đều vô vọng, càng về sau, giá một con hươu chỉ bằng một con lợn thịt. Hươu rớt giá đã trở thành món ăn đặc sản thịt rừng trong các nhà hàng.

Cũng vì con hươu rớt giá, mà có chuyện năm 1996 ông Lê Duy Nguyên, một chủ doanh nghiệp trồng rừng đã gom hẳn 60 con hươu thả vào rừng để làm phong phú thêm môi trường sinh thái. Rồi hồi đầu đầu năm 2011, khi con hươu bị bệnh chết hàng nghìn con ở huyện Quỳnh Lưu đã khiến không ít bà con thêm lao đao, chán nản. Ước mơ trở thành "đại gia" từ việc nuôi hươu dường như khá xa vời với những người nông dân, và những người có "máu" với loài vật nuôi này vẫn không khỏi hối tiếc khi hoài niệm về quá khứ...!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngọt đắng nghề nuôi hươu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO