Nghị định 01: Lúng túng trong áp dụng

12/03/2011 01:16

Tình hình vận hành chưa được “trơn tru” của Nghị định 01/2010/NĐ-CP không phải chỉ do thời gian áp dụng còn ít.

Nghị định 01: Lúng túng trong áp dụng

Tình hình vận hành chưa được “trơn tru” của Nghị định 01/2010/NĐ-CP không phải chỉ do thời gian áp dụng còn ít.

Sau 1 năm có hiệu lực (25/2/2010), Nghị định số 01/2010/NĐ-CP về chào bán cổ phần riêng lẻ (Nghị định 01) chưa thực sự “chạy êm” trong quá trình triển khai, ông Phạm Chí Công, luật sư điều hành Công ty Luật Khai Phong, nhận định. Nguyên nhân thì nhiều nhưng chủ yếu là do phạm vi, đối tượng áp dụng quá rộng, chưa tập trung vào vấn đề cần điều chỉnh; lại ít tương thích với Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn.

Nhìn lại Nghị định

Đại hội đồng cổ đông thường niên của Công ty Cổ phần Chứng khoán Dầu khí (PSI), diễn ra ngày 20/1/2011.

Có thể lấy một số nội dung trong Nghị định ra làm ví dụ. Điều 7.2 có quy định trong 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký đầy đủ và hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông báo cho tổ chức đăng ký biết. Điều 10.2 quy định trường hợp quá 15 ngày sau thời hạn trên, nếu không nhận được ý kiến của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tổ chức chào bán được chào bán cổ phần riêng lẻ theo hồ sơ đã đăng ký.

Theo một chuyên gia luật (không muốn nêu tên), với quy định như vậy thì sau khi nộp hồ sơ, làm cách nào doanh nghiệp biết là hồ sơ đã đầy đủ và hợp lệ để tính thời hạn chờ nhận thông báo. Ngoài ra, trong trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền không đưa ra ý kiến gì, tổng thời gian doanh nghiệp phải chờ là 15 hay 30 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ đầy đủ và hợp lệ.

Hơn nữa, sau 1 năm áp dụng nghị định này, Bộ Tài chính vẫn chưa ban hành hệ thống văn bản dưới luật (thông tư hướng dẫn), nhằm hướng dẫn thực hiện. Hệ quả là sự ách tắc trong áp dụng của các công ty cổ phần, khi thực hiện tăng vốn điều lệ và đăng ký công ty đại chúng.

Ngược với Luật Doanh nghiệp

Theo luật sư Trần Vũ Hải, điều hành Văn phòng Luật sư Trần Vũ Hải, Nghị định 01 đã hạn chế quyền của nhà đầu tư bằng việc đưa ra quy định hạn chế chuyển nhượng cổ phần tối thiểu là 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán. Điều này trái với tinh thần Luật Doanh nghiệp.

Bởi vì trong Luật Doanh nghiệp, tại điều 81.3 có quy định các cổ phần được tự do chuyển nhượng, trừ trường hợp cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết không được chuyển nhượng cổ phần đó cho người khác và cổ đông sáng lập trong vòng 3 năm kể từ ngày công ty được cấp giấy đăng ký kinh doanh (điều 84.5 Luật Doanh nghiệp). Tuy nhiên, luật vẫn cho phép cổ đông sáng lập có quyền chuyển nhượng cổ phần cho nhau trong thời hạn này.

Luật sư Công cho rằng, việc Nghị định 01 hạn chế quyền của nhà đầu tư như vậy chắc chắn sẽ làm hạn chế tính khả thi của phương án chào bán cổ phần, làm mất đi sức hấp dẫn của cổ phần. “Cổ phần được chào bán là để huy động thêm vốn cho công ty, phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Do vậy, việc thay đổi cổ đông sau đó do chuyển nhượng không ảnh hưởng gì đến nguồn vốn và hoạt động của công ty đó. Nhà đầu tư có chuyển nhượng hay không thì tiền từ đợt chào bán cũng là tiền của công ty cổ phần, nên ai nắm giữ cổ phần thì không ảnh hưởng đến số tiền đó”, ông nói trong một hội thảo mới đây tại Hà Nội.

Phân tích sâu hơn, ông cho biết nếu đặt quy định này trong trường hợp công ty đại chúng sẽ thấy chưa hợp lý. Giả sử một công ty có 99 cổ đông, khi chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu thì cổ phiếu sẽ bị hạn chế chuyển nhượng. Còn công ty đại chúng (có từ 100 cổ đông trở lên) nếu chào bán cho cổ đông hiện hữu sẽ không bị giới hạn chuyển nhượng. Vì thế, với quy định này, công ty cổ phần muốn chào bán (cổ phiếu) thành công, chỉ còn cách chào bán cho các đối tác có liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Nhưng đối tượng này không phải lúc nào cũng sẵn sàng quyết định đầu tư dài hạn.

Bên cạnh đó, theo luật sư Hải, Nghị định 01 giao cho các sở kế hoạch đầu tư quản lý chào bán cổ phần riêng lẻ là chưa phù hợp với Luật Doanh nghiệp. Bộ Tài chính (cơ quan tham mưu cho Chính phủ trong việc ban hành nghị định này) chưa hiểu đúng chức năng của cơ quan đăng ký kinh doanh và Sở Kế hoạch và Đầu tư. Ông cho rằng, tuy cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh trực thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư nhưng không phải là sở kế hoạch đầu tư.

Thông thường, cơ quan đăng ký kinh doanh tiếp nhận các hồ sơ về đăng ký kinh doanh theo hướng dẫn của Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Còn Sở Kế hoạch và Đầu tư không phải là cơ quan tiếp nhận hồ sơ đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp, không có cơ chế để Sở tiếp nhận hồ sơ thay đổi đăng ký kinh doanh, trong đó có việc tăng vốn điều lệ của công ty cổ phần (liên quan đến chào bán cổ phần riêng lẻ).

“Như vậy, gút mắc hiện nay trong việc xử lý hồ sơ chào bán cổ phần riêng lẻ (tăng vốn điều lệ) xuất phát từ Nghị định 01. Đó là do sự không hiểu nhau giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và Sở Kế hoạch và Đầu tư”, luật sư Hải nhận xét.

Ông cũng nêu kiến nghị cụ thể về việc sửa điều 2, đối tượng áp dụng là công ty cổ phần thuộc nhóm công ty đại chúng hoặc dự kiến sau khi phát hành cổ phần riêng lẻ trở thành công ty đại chúng. Riêng với việc phát hành cổ phần cho cổ đông hiện hữu của doanh nghiệp không phải công ty đại chúng, cần áp dụng theo quy định trong Luật Doanh nghiệp.

Tìm hiểu hoạt động của doanh nghiệp, có thể thấy những khó khăn đối với họ không dừng lại ở việc làm thế nào để hiểu rõ, từ đó tuân thủ những quy định vốn hay thay đổi, khó tiên liệu của hệ thống văn bản luật. Vấn đề lớn hơn là các điều luật chưa phù hợp (ví dụ Nghị định 01) đã gây thiệt hại không nhỏ về kinh doanh cho họ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nghị định 01: Lúng túng trong áp dụng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO