Ngày thi thứ 5: Phát triển sản phẩm quê hương

VÂN THẢO - ẢNH: QUÝ HÒA, TĂNG KHÁNH| 23/09/2015 07:44

Sữa sen Đồng Tháp, bánh tét Hương Sen là 2 trong nhiều đề án kinh doanh của các thí sinh Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can 2015 thực hiện với mong muốn phát triển những đặc sản nổi tiếng của quê hương

Ngày thi thứ 5: Phát triển sản phẩm quê hương

Ngày 23/9 - ngày thi thứ năm Vòng chung khảo Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can (GTTNLVC) 2015 , 8 thí sinh đã tham gia thuyết trình bảo vệ đề án kinh doanh.

Các giám khảo chấm thi trong ngày gồm: Doanh nhân Hồ Thanh Tuấn - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Ngọc Trai Hoàng Gia; doanh nhân Đinh Hà Duy Trinh - Phó chủ tịch HĐQT Công ty CP Dịch vụ Công nghệ tin học HPT; doanh nhân Phan Bảo Giang - Giám đốc Điều hành Công ty Saycheese Event Communication; doanh nhân Hồ Thị Thanh Vân - Giám đốc Điều hành Tiếp thị AstraZeneca; doanh nhân Nguyễn Thanh Hà - Giám đốc Công ty TNHH Tam Hà; doanh nhân Võ Trùng Dương - Giám đốc phát triển Công ty OhYeah Communications.

Các đề án dự thi gồm:

1/ Cửa hàng mật ong B.C.T của thí sinh Nguyễn Hồ Bảo Nguyên (đề tài nhóm)

2/ Cà phê Cỏ Ba Lá của thí sinh Trần Thị Thanh Nga

3/ Cửa hàng bánh tét Hương Sen của thí sinh Lê Thị Kim Ngoan (đề tài nhóm)

4/ E-Virtual-Reality (Công nghệ thực tế ảo) của thí sinh Huỳnh Ngọc Thái Anh

5/ Quán ăn Made By "Dừa" của thí sinh Nguyễn Ngọc Huyền Trân

6/ Sữa sen Đồng Tháp của thí sinh Trương Minh Nhân (đề tài nhóm)

7/ Làm đẹp thiên nhiên (dịch vụ cung cấp sản phẩm làm đẹp thiên nhiên) của thí sinh Lê Trương Thảo Nguyên

8/ Văn phòng dịch vụ giúp việc nhà Tâm Tâm của thí sinh Trần Thị Diễm Hương

Từ trái sang: Doanh nhân Nguyễn Thanh Hà, doanh nhân Võ Trùng Dương, doanh nhân Hồ Thị Thanh Vân

Với các đề tài liên quan đến lĩnh vực kinh doanh thực phẩm, Ban giám khảo (BGK) đánh giá các thí sinh bước đầu đã có những định hướng rõ ràng hơn trong việc hoạch định chiến lược phát triển sản phẩm cũng như phát triển thương hiệu. Tuy nhiên, bên cạnh đó, các giám khảo cũng khuyên thí sinh nên chú trọng đầu tư hơn vào giai đoạn nghiên cứu thị trường (đặc biệt là giai đoạn khảo sát, tìm hiểu thói quen tiêu dùng của khách hàng...), và chịu khó học hỏi thêm kiến thức chuyên ngành.

Nhóm thí sinh Nguyễn Hồ Bảo Nguyên phân tích sự khác biệt giữa sản phẩm mật ong của cửa hàng B.C.T với sản phẩm của các đối thủ cạnh tranh
Quán cà phê Cỏ Ba Lá của thí sinh Trần Thị Thanh Nga nhận được những tư vấn thiết thực của các giám khảo để phát triển dự án theo hướng doanh nghiệp xã hội

Cũng liên quan đến lĩnh vực thực phẩm, giám khảo Trùng Dương cho biết, đây là loại sản phẩm có chất lượng dễ biến đổi theo thời gian, dễ bị đối thủ bắt chước và đòi hỏi một quá trình nghiên cứu lâu dài về công thức chế biến, cách thức bảo quản, mức đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm,... do đó các thí sinh cần đặc biệt chú trọng vấn đề này ngay từ giai đoạn sơ khai của dự án.

Đề án Bánh tét Hương Sen của nhóm thí sinh Lê Thị Kim Ngoan nhận được đánh giá cao từ các giám khảo khi chú trọng đến việc phát triển đặc sản của địa phương
Thí sinh Nguyễn Huỳnh Thái Anh gây ấn tượng trước BGK với ý tưởng Công nghệ thực tế ảo (E-Virtual-Reality) đầy sáng tạo và độc đáo

Theo giám khảo Thanh Hà, nếu muốn bán được sản phẩm, người làm kinh doanh cần phải chịu khó tích lũy những kiến thức nền tảng và học hỏi những kiến thức mới để có thể áp dụng phương thức kinh doanh mới, từ đó đủ sức cạnh tranh với những đối thủ mạnh trên thương trường.

Từ trái sang: Doanh nhân Hồ Thanh Tuấn, doanh nhân Đinh Hà Duy Trinh, doanh nhân Phan Bảo Giang
Đề án kinh doanh Quán ăn Made By "Dừa" của thí sinh Nguyễn Ngọc Huyền Trân được các giám khảo khuyên nên phân tích thêm về thu nhập của đối tượng khách hàng mục tiêu để đưa ra chiến lược giá một cách hợp lý

Liên quan đến yếu tố thương hiệu, hầu hết các giám khảo đều đồng tình rằng các thí sinh nên chú trọng ngay từ đầu đến cách đặt tên thương hiệu và tìm hiểu thêm về luật bảo hộ bản quyền thương hiệu. Giám khảo Thanh Tuấn chia sẻ, trên thực tế, rất khó để một doanh nghiệp có thể đăng ký độc quyền tên một địa phương gắn liền với một loại đặc sản riêng.

Thí sinh Lê Trương Thảo Nguyên gợi sự tò mò cho BGK bằng một màn ảo thuật nho nhỏ trước khi bước vào bài thuyết trình

Với bài thuyết trình đầy sôi nổi kết hợp cùng khả năng làm việc nhóm hiệu quả, nhóm thí sinh Trương Minh Nhân đã nhận được đánh giá cao từ BGK cho đề án Sữa sen Đồng Tháp

Giám khảo Bảo Giang lưu ý thêm về việc phát triển thương hiệu: Đối với những sản phẩm có thương hiệu gắn liền với tên địa phương thì nên gắn kết chúng với đề án du lịch của địa phương để có được kế hoạch phát triển rõ ràng và cụ thể hơn về mặt quy mô cũng như sự bền vững của thương hiệu.

Đề án Văn phòng dịch vụ giúp việc nhà Tâm Tâm của thí sinh Trần Thị Diễm Hương nhận được lời khen của BGK về sự đa dạng trong gói sản phẩm

Kết thúc ngày thi thứ 5, hai đề án được đánh giá có tính khả thi cao là đề án E-Virtual-Reality (Công nghệ thực tế ảo) của thí sinh Huỳnh Ngọc Thái Anh, Sữa sen Đồng Tháp của nhóm thí sinh Trương Minh Nhân.

Đề án Cửa hàng mật ong B.C.T của thí sinh Nguyễn Hồ Bảo Nguyên, Cửa hàng bánh tét Hương Sen của thí sinh Lê Thị Kim Ngoan, Làm đẹp thiên nhiên (dịch vụ cung cấp sản phẩm làm đẹp thiên nhiên) của Lê Trương Thảo Nguyên được BGK đánh giá cao về mặt ý tưởng khi phát triển đặc sản địa phương.

Thí sinh Trần Thị Thanh Nga, Nguyễn Ngọc Huyền Trân và Trần Thị Diễm Hương có những sản phẩm đa dạng và được BGK khuyến khích phát triển chi tiết thêm về chiến lược phát triển kinh doanh.

BGK cùng các thí sinh tham gia buổi thi sáng 23/9

>Ngày thi thứ 4: Phong phú đề tài, đa dạng phong cách

>Ngày thi thứ 3: "Thiên nhiên" ghi điểm

>Tính khả thi - yếu tố sống còn của đề án kinh doanh

>Ngày thi đầu tiên: "Điểm cộng" cho sáng tạo và đam mê

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngày thi thứ 5: Phát triển sản phẩm quê hương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO