Myanmar không còn xa

11/06/2014 07:15

Hơn 10 năm thâm nhập Myanmar, các doanh nghiệp Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn khai thác đầu tư.

Myanmar không còn xa

Hơn 10 năm thâm nhập Myanmar, các doanh nghiệp Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn khai thác đầu tư.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng đoàn doanh nghiệp Việt Nam gặp gỡ Tổng thống Thein Sein nhân chuyến thăm Myanmar hồi tháng 5/2014

Trong số những doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư tại Myanmar, đầu tiên chắc chắn phải nhắc đến Hoàng Anh Gia Lai (HAGL). Tập đoàn này đang phát triển Khu phức hợp Khách sạn - Văn phòng & Nhà ở cao cấp có tổng vốn lên đến 440 triệu USD. Dự án có diện tích hơn 70.000 m2 này tọa lạc ngay tại thủ phủ kinh tế Yangon của Myanmar.

Đáng chú ý, chính HAGL là đơn vị đã phá vỡ thế trận của Singapore, Thái Lan, Nhật và Hồng Kông, những nhà đầu tư có mặt tại thị trường bất động sản Myanmar trước khá lâu. Tính đến hết năm 2012, HAGL là nhà đầu tư Việt Nam đầu tiên rót vốn vào lĩnh vực khách sạn và du lịch Myanmar; đồng thời trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất, chiếm đến 26% tổng vốn FDI vào lĩnh vực khách sạn và trung tâm thương mại nước này.

Một doanh nghiệp tư nhân khác vào Myanmar từ khá sớm là Viettranimex. Từ năm 1990, công ty này đã liên kết với nhiều đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Thủy lợi Myanmar để phát triển nông nghiệp và khai thác khoáng sản. Đơn cử, Viettranimex hiện liên doanh sản xuất giống và kinh doanh nông nghiệp với Công ty Sann Shwe Li Co. Ltd., đầu tư 15 triệu USD trên diện tích 10.000 ha đất nông nghiệp tại thủ đô Nay Pyi Taw.

“So với luật đầu tư cũ của Myanmar, luật mới mang tính mở cao hơn. Ví dụ, luật cũ cấm và hạn chế đầu tư nước ngoài trong 12 lĩnh vực nhạy cảm, nhưng luật mới đã mở rộng ra mọi lĩnh vực. Giờ chỉ cấm và hạn chế vài lĩnh vực liên quan đến an ninh, quốc phòng”, ông Chu Công Phùng, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Myanmar, cho hay.

Cụ thể, sau khi ban hành luật đầu tư mới vào cuối năm 2012 thay thế cho luật cũ tồn tại suốt hơn 2 thập kỷ, Myanmar đang tạo nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư. Ngoài HAGL và Viettranimex, dự án khai thác đá hoa cương của Simco Sông Đà và dự án liên doanh thăm dò dầu khí của Tổng Công ty Thăm dò và Khai thác Dầu khí (PVEP) cũng sẽ đi vào hoạt động cuối năm nay.

Bên cạnh lĩnh vực hạ tầng và tài nguyên khoáng sản, mảng tài chính cũng đang được các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh đầu tư tại Myanmar. Nếu như trước đây, doanh nghiệp nước ngoài chỉ được chuyển ngoại tệ vào hoặc ra khỏi Myanmar thông qua hai ngân hàng Ngoại thương và Ngân hàng Đầu tư thương mại Myanmar, thì luật mới đã mở rộng cho 12 ngân hàng tư nhân nước này cũng như các doanh nghiệp nước ngoài.

Đến nay, hơn 20 văn phòng đại diện ngân hàng nước ngoài đã được thành lập ở Myanmar, chủ yếu từ Brunei, Bangladesh, Campuchia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Theo thông tin từ báo chí Myanmar thì các ngân hàng nước ngoài sẽ sớm được phép thành lập và hoạt động trong năm nay.

Mở văn phòng đại diện tại Yangon từ tháng 4/2010, hiện Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã chuẩn bị sẵn sàng để thành lập ngân hàng thương mại tại Myanmar ngay khi nước này cho phép. Chủ tịch Trần Bắc Hà của BIDV cho biết ngân hàng này cũng đã ký hợp đồng thuê 3.000 m2 mặt bằng tại dự án Khu phức hợp HAGL tại Yangon để làm trụ sở và địa điểm giao dịch.

Bên cạnh những lĩnh vực khuyến khích đầu tư nước ngoài, luật đầu tư mới của Myanmar khuyến khích các dự án sử dụng công nghệ cao, cũng như các dự án công nghệ trung bình nhưng sử dụng nhiều lao động. Ngoài ra, nước này cũng khuyến khích phát triển thủy và nhiệt điện, đồng thời cho phép doanh nghiệp nước ngoài được bán điện sang nước thứ ba.

Tuy có nhiều cơ hội đang được mở ra cho doanh nghiệp Việt Nam, nhưng Myanmar vẫn muốn bảo hộ các doanh nghiệp trong nước nên luật mới còn nhiều điểm khắt khe. Đơn cử như ở lĩnh vực giống nông nghiệp, Myanmar bắt buộc doanh nghiệp phải nhập giống bố mẹ sang trồng. Vì luật Việt Nam không cho phép điều đó, nên nhiều công ty nông nghiệp của Việt Nam vẫn đang gặp khó khăn khi muốn xuất sản phẩm sang đây.

Dù sao đi nữa, Myanmar vẫn là mảnh đất màu mỡ. Chỉ cần một vài luật mới thông thoáng hơn nghĩa là cơ hội mới sẽ đến. Môi trường đầu tư thay đổi nhanh là tín hiệu tốt, nhưng cạnh tranh gay gắt hơn cũng sẽ là khó khăn không nhỏ đối với doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường mới mẻ này.

>Thị trường Việt Nam hấp dẫn hơn Myanmar
>Mở "cánh cửa" đầu tư du lịch ở Myanmar
>
Cập nhật chính sách bất động sản của Myanmar
>Việt Nam, “bài học kinh tế cho Myanmar”
>
Kiếm tiền ở Myanmar: Nhanh chân, nhưng chớ vội

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Myanmar không còn xa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO