Liên kết doanh nghiệp với làng nghề gỗ để phát triển thị trường nội địa

Trọng Nhân| 05/11/2022 08:21

Việt Nam có hơn 300 làng nghề gỗ với hàng trăm nghìn hộ gia đình tham gia khâu sản xuất và thương mại. Tuy nhiên, các làng nghề vẫn còn hoạt động tự phát, chưa chuyên nghiệp. Do đó, việc thực hiện liên kết giữa các doanh nghiệp ngành gỗ và các làng nghề truyền thống là một giải pháp hữu hiệu để phát huy thế mạnh của đôi bên.

Liên kết doanh nghiệp với làng nghề gỗ để phát triển thị trường nội địa

Ngày 4/11, tại Đồng Nai, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), đã tổ chức hội thảo “Liên kết công ty với các hộ tại làng nghề gỗ: Giảm rủi ro và thúc đẩy phát triển bền vững thị trường nội địa trong tương lai”.

Quang cảnh hội thảo “Liên kết công ty với các hộ tại làng nghề gỗ: Giảm rủi ro và thúc đẩy phát triển bền vững thị trường nội địa trong tương lai”

Quang cảnh hội thảo “Liên kết công ty với các hộ tại làng nghề gỗ: Giảm rủi ro và thúc đẩy phát triển bền vững thị trường nội địa trong tương lai”.

Tại hội thảo, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch VIFOREST cho biết các làng nghề gỗ truyền thống sở hữu đội ngũ lao động tay nghề cao, có sẵn hệ thống và cơ sở sản xuất, nhưng lại kinh doanh tự phát, phân tán, nhỏ lẻ, công nghệ đơn giản, ít thay đổi mẫu mã và quản trị hạn chế. Điều này khiến các làng nghề bị phụ thuộc vào một vài thị trường nhất định và khó bắt kịp sự dịch chuyển xu thế tiêu dùng.

Do đó, các làng nghề gỗ cần liên kết với nhau, đồng thời liên kết với các doanh nghiệp ngành gỗ để có thể khắc phục điểm yếu, tận dụng lợi thế của đôi bên, từ đó phát triển thị trường nội địa.

Về phía làng nghề, ông Lê Phi Chiến, đại diện làng nghề Liên Hà, huyện Đan Phượng (Hà Nội) chia sẻ, hiện nay các hộ trong làng nghề rất lo lắng vì chi phí đầu tư nhà xưởng tốn kém, lãi suất vay cũng tăng. Các hộ dân phải chuyển từ bán sỉ sang bán lẻ để duy trì hoạt động. Do đó, việc liên kết với các nhà bán lẻ chuyên nghiệp để đưa sản phẩm tới tay người tiêu dùng sẽ là một hướng đi mới hiệu quả.

Trong khi đó, bà Bà Đặng Thị Én, đại diện làng nghề gỗ Vạn Điểm (Thường Tín, Hà Nội) lại mong muốn liên kết để xây dựng những đội nhóm có thể định hướng thị trường với mẫu mã mới, xu hướng sản phẩm mới để tiếp cận tốt hơn với thị hiếu của khách hàng.

Về ý tưởng liên kết doanh nghiệp gỗ và làng nghề, ông Võ Quang Hà, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tân Vĩnh Cửu (TAVICO) chia sẻ, xu hướng người Việt dùng gỗ nhập khẩu (gỗ Tây) ngày càng cao, vì vậy công ty đã nhập gỗ nguyên liệu từ các nước phát triển và cung cấp cho các làng nghề.

Ngoài ra, công ty còn thành lập chợ đầu mối Thế giới nội thất gỗ Tây - TAVICO Hố Nai (Đồng Nai) nhằm kết nối trực tiếp các nhà sản xuất và phân phối đồ gỗ nội thất với tất cả các nhà bán lẻ trên toàn bộ khu vực miền Nam. 

Ông Võ Quang Hà, Chủ tịch Công ty TAVICO phát biểu tại hội thảo.

Ông Võ Quang Hà, Chủ tịch Công ty TAVICO phát biểu tại hội thảo.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác giữa hai bên, theo ông Tô Xuân Phúc chuyên gia của Tổ chức Forest Trends, các doanh nghiệp nên coi việc hỗ trợ các hộ làng nghề là thực hiện trách nhiệm cộng đồng, tìm kiếm cơ hội hợp tác cụ thể với các hộ. Sự hợp tác cần dựa trên nguyên tắc công bằng, cùng có lợi, phát huy thế mạnh của mỗi bên. Đồng thời cần xem thị trường nội địa là một phần không thể thiếu của ngành gỗ, trực tiếp tác động tới hoạt động xuất khẩu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Liên kết doanh nghiệp với làng nghề gỗ để phát triển thị trường nội địa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO