Lắng nghe ý dân để xây dựng Đề án Chính quyền đô thị

08/08/2013 08:33

Thước đo của mô hình mới tích cực hay không là ở điểm chính quyền này có thực sự của dân, do dân, vì dân không; có khắc phục, tránh được tình trạng quan liêu, xa dân không; người nghèo, người yếu thế trong xã hội có dễ dàng tiếp cận các dịch vụ công không...”- Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải.

Lắng nghe ý dân để xây dựng Đề án Chính quyền đô thị

“Thước đo của mô hình mới tích cực hay không là ở điểm chính quyền này có thực sự của dân, do dân, vì dân không; có khắc phục, tránh được tình trạng quan liêu, xa dân không; người nghèo, người yếu thế trong xã hội có dễ dàng tiếp cận các dịch vụ công không...” - ông Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM, phát biểu tại Hội nghị bất thường Ban Chấp hành Đảng bộ TP khóa IX chiều 7/8.

Kiến nghị thông qua Đề án Chính quyền đô thị tại TPHCM
Chính quyền đô thị - Sự khác biệt
Sớm thí điểm chính quyền đô thị tại TP.HCM

Nghe dân để nhận diện rõ bộ máy

Thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Thành ủy đề nghị Ban cán sự đảng UBND TP tiếp tục hoàn chỉnh đề án; phối hợp Đảng Đoàn HĐND TP, Đảng Đoàn MTTQ TP tổ chức chu đáo các hội nghị lắng nghe ý kiến của đại biểu HĐND, các đồng chí nguyên lãnh đạo cao cấp nghỉ hưu trên địa bàn TP… nhất là các ý kiến khác nhau trên tinh thần cầu thị, thể hiện trí tuệ của cán bộ, đảng viên, nhân dân với phương án giải trình thỏa đáng, thuyết phục.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải trao đổi cùng các đại biểu tại hội nghị.

“Phải nghe dân để biết bộ máy của ta như thế nào, có thực sự là của dân do dân vì dân không, có làm rõ được nguyên tắc tập trung dân chủ, làm rõ được chế độ trách nhiệm của người đứng đầu hay không” - đồng chí Lê Thanh Hải nhấn mạnh.

Theo dự thảo đề án, mô hình chính quyền đô thị là vấn đề mới nên sẽ có một số nội dung khi tổ chức mô hình chính quyền đô thị sẽ không còn phù hợp với một số điều của Hiến pháp, Luật Tổ chức HĐND và UBND, Luật Ngân sách nhà nước và một số văn bản quy định hiện hành khác.

Do vậy, điều kiện về pháp lý để triển khai mô hình mới cần có sự cho phép bằng một nghị quyết của Quốc hội trong khi chờ đợi sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Luật Chính quyền địa phương.

Nếu thuận lợi, dự kiến tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII diễn ra vào tháng 10 và tháng 11/2013, Chính phủ sẽ trình Quốc hội để ban hành nghị quyết cho phép triển khai mô hình Chính quyền đô thị TP.HCM và cho phép lập 4 thành phố Đông, Tây, Nam, Bắc thuộc chính quyền TPHCM.

Sau khi có nghị quyết của Quốc hội, sẽ lập phương án tổ chức sắp xếp bộ máy nhân sự, xác định chức năng nhiệm vụ của chính quyền từng đô thị, dự toán ngân sách triển khai đề án hoàn thành trong năm 2015 để có thể triển khai áp dụng mô hình mới từ năm 2016, cùng với thời điểm bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016 - 2021. 

Các bộ phận giải quyết công vụ sẽ gần dân hơn

Để thúc đẩy TPHCM phát triển hơn nữa cần xây dựng chính quyền đô thị tập trung, hiệu quả.

Theo UBND TP, với mô hình tổ chức 3 cấp chính quyền (cấp thành phố; quận, huyện; phường, xã) hiện nay kém hiệu quả do quá cồng kềnh, trùng lắp chức năng, dựa dẫm vào nhau, trách nhiệm không rõ ràng, nhiều hoạt động không thực quyền mà mang tính hình thức, không có cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm ở mỗi cấp.

Vì thế, trong dự báo đánh giá của việc thực hiện mô hình chính quyền đô thị do Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân ký đánh giá rõ: “Chắc chắn sẽ có tác động không nhỏ đến kinh tế - xã hội trên địa bàn TP”.

Dự báo 3 nhóm tác động chính lên: bộ máy chính quyền các cấp; người dân, nhà đầu tư, doanh nghiệp trên địa bàn; việc phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đô thị theo hướng tích cực nhất.

Trong đó bộ máy sẽ được thiết kế theo hướng phân định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của từng cơ quan, của người đứng đầu, giảm được tình trạng đùn đẩy trách nhiệm. Do cải cách, dẫn đến ít tầng nấc trung gian, các bộ phận giải quyết công vụ đến gần dân hơn, chuyên nghiệp hơn.

Trao đổi với báo chí bên lề hội nghị, TS Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM cho rằng, mô hình chính quyền đô thị TP.HCM sẽ giúp thay đổi quan điểm về công vụ, không để tình trạng một việc lại có nhiều cấp cùng làm, khắc phục tình trạng cấp phường than vãn họ là cái “máng xối” của mọi quy định, luật pháp.

Theo ông, sắp tới với mô hình chính quyền đô thị, các sở ngành không chỉ là đơn vị tham mưu mà thực sự là đơn vị quản lý nhà nước, bớt “kính chuyển” lên UBND TP, bớt hội họp.

“Thay vì tất cả sự việc đều dồn lên UBND TP như hiện nay thì 4 TP trực thuộc sẽ phát huy tiềm lực của từng TP, giống như TP.HCM hiện nay được nhân thêm 5 lần, chính quyền gắn bó với dân hơn, các phúc lợi công cộng sẽ phát triển nhiều hơn” - Tiến sĩ Trần Du Lịch nhận định.

TP.HCM có diện tích tự nhiên 2.095km² gồm 19 quận và 5 huyện với dân số gần 10 triệu dân (kể cả người vãng lai) với 70% diện tích là nông thôn, được xem là một trong 40 đô thị đông dân nhất thế giới.

Tuy nhiên với mô hình tổ chức chính quyền địa phương hiện nay đang ngày càng bất cập so với quản lý và phát triển đô thị nên từ năm 2007, căn cứ vào ý kiến cho phép của Bộ Chính trị, TP.HCM đã xây dựng đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị.

Xóa cơ chế xin - cho trong phân bổ ngân sách

Theo dự thảo đề án, chính quyền đô thị TP.HCM sẽ có thẩm quyền phân định rõ ngân sách trung ương và ngân sách địa phương. Đối với ngân sách trung ương, việc thu chi theo cơ chế ủy nhiệm chịu sự giám sát của trung ương, còn đối với ngân sách địa phương thì hoàn toàn tự chủ thu - chi và tự chịu trách nhiệm. Điều này sẽ khắc phục được sự thiếu minh bạch về thẩm quyền và trách nhiệm và phân cấp ngân sách như hiện nay, tiến tới xóa bỏ cơ chế xin - cho trong phân bổ ngân sách.

Tổ chức 4 thành phố trực thuộc

Mô hình chính quyền đô thị TP.HCM được tổ chức theo mô hình chính quyền địa phương có 2 cấp (quy định hiện hành là 3 cấp), gồm chính quyền TP.HCM và chính quyền cấp cơ sở, gồm 4 TP trực thuộc, các xã, thị trấn còn lại là pháp nhân công quyền, có địa vị pháp lý như nhau (dù quy mô và đặc điểm khác nhau).

Trong đó, đô thị hiện hữu là 13 quận nội thành, là một đô thị hoàn chỉnh, đóng vai trò đô thị trung tâm, thuộc pháp nhân công quyền TPHCM; 4 đô thị vệ tinh là các TP Đông, Nam, Tây, Bắc là những đô thị mới, được tổ chức thành một cấp chính quyền (cơ sở); chính quyền TPHCM quản lý theo cơ chế phân cấp; 3 thị trấn và 35 xã là chính quyền cơ sở. Người đứng đầu UBND các thành phố mới được gọi là chủ tịch hoặc thị trưởng. Trong đó:

Thành phố Đông sẽ bao gồm các quận 2, 9, Thủ Đức với diện tích 211km², dân số 890.000 người, lấy khu đô thị mới Thủ Thiêm làm trung tâm, giáp với trục cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây với chức năng kinh tế phát triển các ngành dịch vụ cao cấp (tài chính, tín dụng), công nghệ cao, du lịch sinh thái…

Thành phố Nam bao gồm toàn bộ quận 7, huyện Nhà Bè, một phần diện tích phường 7 quận 8 và 2 xã Bình Hưng, Phong Phú thuộc huyện Bình Chánh, có diện tích 169km² với quy mô dân số 470.000 người, lấy khu đô thị Nam Sài Gòn làm trung tâm phát triển (có khu đô thị Phú Mỹ Hưng), thị trấn Nhà Bè và đặc biệt là khu đô thị cảng Hiệp Phước với chức năng phát triển công nghiệp, dịch vụ cảng.

Thành phố Tây gồm toàn bộ quận Bình Tân hiện nay, một phần phường 7, phường 16 của quận 8 và 4 xã An Phú Tây, Tân Kiên, Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B của huyện Bình Chánh với diện tích 109km², dân số 810.000 người, có trung tâm là khu đô thị xã Tân Kiên, giáp quốc lộ 1. Thành phố Tây chủ yếu phát triển các ngành dịch vụ, khu công nghiệp và khu dân cư nhằm tái bố trí dân cư từ các quận 11, quận 6, Tân Bình.

Thành phố Bắc bao gồm toàn bộ quận 12, Hóc Môn có diện tích 162km² với dân số 860.000 người, trung tâm phát triển là xã Tân Thới Nhì với hành lang phát triển là quốc lộ 22, có chức năng phát triển kinh tế dịch vụ, du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp công nghệ cao và phát triển các khu dân cư phục vụ việc dãn dân, chỉnh trang đô thị quận Gò Vấp, Tân Bình. Ngoài ra, thành phố Bắc cũng có phân khu chức năng phát triển khu đô thị sinh thái kết hợp du lịch, nghỉ dưỡng có quy mô khoảng 1.000ha tại quận 12.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lắng nghe ý dân để xây dựng Đề án Chính quyền đô thị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO