![]() |
* Một số mặt hàng chủ chốt đã tăng giá trong quý I và dầu quý II/2019, nhưng cách thức tăng giá đợt này dường như chưa tính đến những tác động làm gia tăng lạm phát?
- Các chính sách kinh tế vĩ mô nên được điều hành theo tính chất doanh nghiệp và người dân có thể dự đoán được. Những chính sách gây bất ngờ với người dân là chính sách không tốt. Việc điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu dồn dập trong quý I, nếu doanh nghiệp dự báo được, sẽ ít ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh hơn.
* Mức lạm phát cùng độ trễ chính sách, theo ông sẽ tác động như thế nào đến tăng trưởng kinh tế năm 2019?
- Lạm phát quý I thể hiện tăng chi phí đầu vào tác động đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Khi lạm phát tăng, sẽ không giảm được lãi suất. Quan sát trong nhiều năm, lãi suất và tỷ lệ lạm phát luôn cùng tăng, bởi nó có sự tương quan chặt chẽ. Trong khi đó, Việt Nam thuộc những nước có mặt bằng lãi suất thuộc nhóm cao trên thế giới, không muốn nói là cao nhất. Nếu lãi suất tăng 1% hay 2% không ảnh hưởng nhiều, nhưng tăng 8% hay 9% sẽ tác động rất lớn lên sức chịu đựng của doanh nghiệp. Điều đó sẽ làm giảm tín dụng cho sản xuất và làm giảm lợi nhuận trong khi phần lớn doanh nghiệp Việt Nam dựa vào nguồn vốn vay ngân hàng.
Theo tôi, lạm phát quý II có thể tăng ở mức khá do tăng thuế bảo vệ môi trường, giá điện, giá xăng dầu và sắp tới là điều chỉnh giá dịch vụ y tế liên quan các đối tượng không có bảo hiểm y tế sẽ tác động đến lạm phát và tăng trưởng của nền kinh tế. CPI tháng 4 này sẽ thể hiện ngay tác động từ giá điện, giá xăng tăng.
* Như ông nói, những rủi ro của quý II có thể khiến lạm phát trở thành mối đe dọa tăng trưởng kinh tế trong năm 2019?
- Theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong quý I đạt mức 6,79% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy đà tăng trưởng có phần giảm. Sang quý II, nếu lạm phát tăng sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng của nền kinh tế năm 2019.
Mới đây, khi đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế trong quý II thấp hơn quý I, với 6,32% và lạm phát ở mức 2,78%, nhóm nghiên cứu kinh tế vĩ mô của VEPR đã căn cứ vào giá xăng dầu đứng ở mức hiện tại. Thời gian tới, nếu giá xăng dầu tăng lên mức cao hơn, 10% chẳng hạn, thì tăng trưởng sẽ giảm thấp hơn nữa. Nguyên nhân một phần là do giá thành sản xuất, lãi suất có thể nhích lên và triển vọng đơn hàng trong khu vực sản xuất tăng chậm lại.
Theo quy luật của nền kinh tế Việt Nam, quý III và quý IV có thể tăng trở lại khi các công trình đầu tư công và việc thực hiện các chỉ tiêu Chính phủ được đẩy mạnh nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm. Theo đó, với mức tăng trưởng của nền kinh tế đạt 6,79% trong quý I, mục tiêu tăng trưởng 6,6 - 6,8% của năm 2019 do Quốc hội đề ra là khả thi.
Dù vậy, nền kinh tế Việt Nam trong năm 2019 có thể trở nên bất định do chịu ảnh hưởng bởi các cú sốc từ thị trường thế giới. Tỷ lệ lạm phát bình quân quý I đang ở mức vừa phải, 2,63%, nhưng đang có xu hướng tăng. Tác động của việc tăng giá điện và xăng dầu vừa qua đến CPI có thể kéo dài tới 2 đến 6 tháng. Do đó, để đạt được mục tiêu lạm phát dưới 4%, chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước vẫn cần sự thận trọng.
* Cảm ơn ông!
Ý KIẾN CỦA BẠN