Lạc quan bán hàng, lo toan vận chuyển

ĐẶNG QUÝ YÊN| 01/09/2010 09:10

Thuận lợi ở thị trường Campuchia là có thật, năng lực của doanh nghiệp Việt Nam cũng là thật, nhưng nói thị trường Campuchia là mảnh đất màu mỡ cho doanh nghiệp Việt kiếm lợi nhuận thì không hẳn.

Lạc quan bán hàng, lo toan vận chuyển

Thị trường Campuchia được đánh giá là một trong ba thị trường triển vọng đối với nhà đầu tư Việt Nam. Những con số lạc quan do Bộ Thương mại Campuchia cung cấp như việc Việt Nam vượt qua hai nhà đầu tư Trung Quốc và Hàn Quốc, trở thành quốc gia có nhiều doanh nhân đăng ký kinh doanh tại Campuchia khiến bức tranh về đầu tư cho thị trường này càng có nhiều màu tích cực. Tuy nhiên, tiếp xúc với doanh nghiệp đã và đang tìm đường đầu tư sang Campuchia mới biết, thị trường này cũng còn quá nhiều khó khăn để dốc vốn liếng vào đây.

Thuận lợi ở thị trường Campuchia là có thật, năng lực của doanh nghiệp Việt Nam cũng là thật, nhưng nói thị trường Campuchia là mảnh đất màu mỡ cho doanh nghiệp Việt kiếm lợi nhuận thì không hẳn.

Cuộc "đổ bộ" của hàng Việt Nam

Bài 2: Thoáng nhưng chưa thông

Dạo một vòng quanh thủ đô Phnom Penh, không khó để tìm thấy những sản phẩm “Made in Vietnam”. Từ hàng tiêu dùng như nệm Kymdan, bút bi Thiên Long, đồ gia dụng nhựa của Đại Đồng Tiến, Duy Tân, Tân Lập Thành... đến thực phẩm như mì gói Acecook, thực phẩm chế biến Vissan... đều được người dân Campuchia ưa chuộng.

Người tiêu dùng Campuchia rất ưa chuộng các sản phẩm nhựa của Việt Nam - Ảnh Quý Hòa

Thậm chí, có hẳn một siêu thị hàng Việt tọa lạc tại Preah Sihanouk, trục đường trung tâm của thành phố. Rời khỏi Phnom Penh, đến các tỉnh biên giới xa như Poipet, Kampong Cham... vẫn chứng kiến sự xuất hiện của nhiều nhãn hàng Việt Nam. Ở mỗi địa danh du lịch, hầu như các vật phẩm quà tặng lưu niệm, đặc sản... đều có xuất xứ từ Việt Nam.

Trong đó, các thương hiệu bán trái cây khô, đóng gói như mít sấy, khoai lang sấy, táo, thơm sấy... là xuất hiện nhiều nhất. “Giá thành sản phẩm bán tại Campuchia cũng tương đương với Việt Nam nên những mặt hàng này dễ thâm nhập thị trường”, chị Liu Thị Phụng, nhân viên kinh doanh Công ty Thuận Hương, thương hiệu sản xuất và xuất khẩu trái cây khô, đóng gói cho biết.

“Xuất khẩu sang thị trường Campuchia đang rất thuận lợi. Doanh nghiệp (DN) các tỉnh biên giới hai nước không ngừng tìm kiếm cơ hội. Hàng hóa từ Việt Nam chuyển sang Campuchia hiện nay vẫn chủ yếu bằng đường biên mậu, thông qua các cửa khẩu tại Tây Ninh, An Giang...”, ông Đỗ Thanh Hòa, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tây Ninh nhận định.

Không phải ngẫu nhiên mà từ năm 2009 đến nay, hội chợ, triển lãm hàng Việt Nam lại được tổ chức tại Campuchia nhiều đến như vậy. Liên tục, từ Kampot, Sihanouk Ville, Siem Reap đến Phnom Penh..., địa phận nào DN Việt Nam cũng mang hàng hóa đến trưng bày, giới thiệu.

Mới đây nhất, lãnh đạo các Sở Công Thương tám tỉnh, thành phố Vùng Đông Nam Bộ - Việt Nam gồm: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Đồng Nai, Lâm Đồng, Tây Ninh, TP.HCM cũng vừa có chuyến khảo sát và ký kết hợp tác thương mại với các tỉnh biên giới Campuchia để có thể xúc tiến giao dịch nhiều hơn nữa.

Thống kê của Thương vụ Việt Nam tại Campuchia cho thấy, số lượng DN Việt Nam đầu tư vào Campuchia đã lên tới hơn 400 đơn vị, chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất, thương mại, tài chính...

Theo Bộ Thương mại Campuchia, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều Campuchia với Việt Nam tăng trung bình hằng năm trên 30%. Năm 2009 đạt 1,3 tỷ USD. Kim ngạch bốn tháng đầu năm 2010 đạt 572 triệu USD, tăng 43,4 % so cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu của riêng TP.HCM trong năm 2008 sang Campuchia là gần 48 triệu USD; sang năm 2009, con số này đã tăng lên đến hơn 66 triệu USD.

Theo ông Nguyễn Khắc Hiếu, Phòng Xuất nhập khẩu, Sở Công Thương TP.HCM, tính riêng DN TP.HCM, trong vòng bảy tháng đầu năm 2010, thành phố đã xuất khẩu được hơn 54 triệu USD hàng hóa sang Campuchia. Trong đó, sữa và các sản phẩm từ sữa là khả quan nhất, doanh số gần 8 triệu USD. Với đà phát triển này, hàng hóa xuất khẩu sang Campuchia của TP.HCM trong năm 2010 sẽ vượt trội so với năm 2009.

Mối bận tâm thương hiệu

Hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Campuchia dù hiện đứng thứ hai, sau Trung Quốc, nhưng vẫn chưa tạo dấu ấn đối với người tiêu dùng Campuchia. Nhiều DN cho rằng nguyên nhân do chất lượng hàng Việt Nam không ổn định. Ngoài ra, ở khâu hậu mãi cho khách hàng và tuyên truyền quảng cáo chưa được chú trọng lắm.

Sáu tháng đầu năm 2010, kim ngạch buôn bán hai chiều qua các cửa khẩu biên giới đất liền với Campuchia ước đạt 374,923 triệu USD, tăng 66,5 % so cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu đạt 173,74 triệu USD, tăng 87,76 % so cùng kỳ; nhập khẩu đạt 201,18 triệu USD, tăng 51,6 % so cùng kỳ.

Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là: đồ điện gia dụng, điện lạnh, điện tử, mỹ phẩm, quần áo may sẵn, vải, chỉ may, hàng bách hóa tổng hợp, hàng gia dụng các loại, thực phẩm, rượu, nước giải khát, dầu ăn, mì ăn liền, bột giặc, hạt nhựa…

Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là: mủ cao su, gỗ cao su xẻ đã qua chế biến, tinh bột khoai mì, củ mì tươi, dầu chai, lá buông, hạt nhựa, sản phẩm nhựa…

Chẳng hạn, sản phẩm nệm Kymdan xuất hiện khá nhiều tại nhiều chợ Campuchia. Tuy nhiên, khá bất ngờ khi văn phòng đại diện của Kymdan là một căn hộ cũ, thiếu sáng sủa và chủ yếu cũng để chứa hàng.

Chính sự thiếu đầu tư về mặt hình thức như thế đã khiến cho hình ảnh về hàng Việt trên đất Campuchia phần nào kém sang trọng. Sự hào nhoáng có chăng cũng chỉ tìm thấy ở những dịp hội chợ trưng bày. Điểm mặt các DN đã có mặt tại Campuchia nhiều năm liền, rất dễ thấy sự đầu tư cho việc chinh phục thị trường là chưa thực sự hết mức.

Có mặt nhiều ở các chợ nhưng rất ít đơn vị chịu mở phòng trưng bày hàng hóa. Hỏi ra mới biết, đa số các công ty lớn của Việt Nam đang làm ăn ở Campuchia đều thông qua một nhà phân phối độc quyền hoặc chú tâm tìm đến khách hàng bán buôn nhiều hơn là khách lẻ. Ngay đến siêu thị hàng Việt cũng nằm khuất phía sau khu bán thực phẩm với việc trưng bày kém bắt mắt.

Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM có chương trình tăng cường đầu tư vào hoạt động quảng bá hình ảnh DN Việt Nam tại thị trường Campuchia. DN tham gia sẽ được hỗ trợ 50% chi phí. Sẽ có tám DN được quảng cáo trên các panô ngay khu vực trung tâm, khu vực gần các trục giao thông quan trọng. Mỗi panô quảng cáo hai DN.

Tuy nhiên, DN được ưu tiên vẫn là các tên tuổi như Vinamilk, Asia, Tân Hiệp Phát... Và đại diện một DN sữa nêu vấn đề thời gian quảng cáo trên panô cho mỗi DN chỉ trong vòng một tháng sẽ không đủ để tạo cảm nhận sâu sắc thương hiệu hàng Việt trong lòng người tiêu dùng Campuchia...

Chủ trương của Nhà nước, khát khao của DN là có thật nhưng để DN Việt Nam có thể phát huy thế mạnh của mình lại phải bước qua khá nhiều rào cản. “Kiếm được khách tiêu thụ, có nguồn hàng để xuất khẩu, vậy mà, chúng tôi vẫn bị vướng mắc bởi vấn đề vận chuyển”, ông Lê Văn Hải, Phó giám đốc Công ty TNHH Hoàng Phúc, chuyên mua và xuất khẩu thanh long nhận xét.

Theo ông Hải, hiệp định quá cảnh hàng hóa giữa hai nước đã có từ lâu nhưng đến hiện nay, hàng hóa từ Việt Nam chỉ có thể chuyển đến cửa khẩu Campuchia. Muốn chuyển hàng vào lãnh thổ nước bạn, DN Việt phải thuê xe của Campuchia. Điều này gây phiền hà cho DN, nhất là những DN kinh doanh lương thực, thực phẩm.

Ông Huỳnh Trọng Bình, đại diện Phòng Xuất nhập khẩu Công ty Thép Vina Kyoei cho biết: “Campuchia là một thị trường tiềm năng trong tương lai. Vina Kyoei hiện đã có nhà phân phối chính thức Sampeou Meas tai Phnom Penh nhưng chưa có ý định mở thêm nhà phân phối tại đây. Nguyên nhân cũng là vì vấn đề vận chuyển hàng hóa sang Campuchia vẫn bị gián đoạn”.

Ông Phan Thế Hào, Vụ trưởng, Trưởng văn phòng đại diện phía Nam, Bộ Công Thương, cho biết, từ năm 2008 đến nay, Bộ cũng đã tổ chức ba cuộc hội nghị giữa hai nước Việt Nam và Campuchia để có thể thúc đẩy giao thương cũng như tháo gỡ các vướng mắc.

Đáng tiếc, dù hiệp ước về giao thông giữa hai nước đã được ký kết nhưng thực tế, xe đông lạnh của Việt Nam chưa thể thông xe trên đất bạn. “Đây là vấn đề mà bộ sẽ phải đàm phán cụ thể hơn nữa”, ông Hào nhấn mạnh.  

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lạc quan bán hàng, lo toan vận chuyển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO