Kỳ vọng vào FTA Việt Nam - EU

ĐỖ PHƯƠNG| 22/10/2013 05:39

Nếu Việt Nam muốn thu hút các công ty châu Âu có tên tuổi, và thương hiệu nổi tiếng vào Việt Nam, thì phải nâng cấp về giáo dục đào tạo, công nghệ….

Kỳ vọng vào FTA Việt Nam - EU

Sáng 21/10, tại TP.HCM đã diễn ra buổi tọa đàm “Chính sách thương mại và các FTA của EU tác động đến Việt Nam” do Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam phối hợp với dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của Châu Âu (EU-Mutrap) tổ chức.

>EU cam kết thúc đẩy việc ký kết FTA với Việt Nam
>Doanh nghiệp Việt Nam sẽ có lợi từ FTA ASEAN + 6
>Thực hiện FTA, Việt Nam cần nỗ lực rất nhiều

Theo đó, Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam cho biết, Hiệp định Thương mại tự do (FTA) EU - Việt Nam đã trải qua 4 vòng đàm phán và đang chuẩn bị bước vào vòng đàm phán thứ 5, kỳ vọng sẽ được ký kết vào giữa năm 2014.

Ngoài những cam kết truyền thống như mở cửa thị trường, cắt giảm thuế quan, thì Hiệp định này còn hướng đến các vấn đề như đầu tư, sở hữu trí tuệ, phát triển bền vững…được xem là những lĩnh vực mới và có tác động đến nhiều lĩnh vực quan trọng của Việt Nam.

Theo ông Pierre Defraigne, Giám đốc Điều hành Quỹ Madariaga - Đại học Châu Âu, nguyên Phó Tổng vụ trưởng Vụ Thương mại của Ủy ban Châu Âu, các doanh nghiệp (DN) châu Âu sẽ xem Việt Nam là điểm đầu tư về sản xuất, dịch vụ mới, khi Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam - EU được kí kết. Điển hình là lĩnh vực dịch vụ tại thị trường Việt Nam.

Mặt khác, với chi phí sản xuất thấp, phía DN Châu Âu cũng sẽ tính đến chuyện chuyển khâu sản xuất bán thành phẩm hoặc lắp ráp hoàn thiện sang Việt Nam rồi xuất ngược về Châu Âu.

FTA Việt Nam - EU được xem là FTA thế hệ mới, do đó, các DN châu Âu sẽ không dừng ở việc mang lại lợi ích cho nền kinh tế của hai phía ở lĩnh vực thương mại, đầu tư mà còn nâng cao tính cạnh tranh thông qua những biện pháp cải thiện về đào tạo và phát triển kỹ năng của người lao động, tuân thủ điều kiện lao động, bảo đảm môi trường đầu tư tốt…

Song, “để khai thác hiệu quả FTA, Việt Nam cần có chính sách phát triển song hành đi kèm với FTA, như giảm thuế, có thuế quan tương đương, hoặc chương trình lợi ích chung; có chiến lược hoạt động toàn diện và công bằng và Việt Nam cũng phải tính đến chuyện làm gì để tăng thu nhập cho người dân…” ông Pierre Defraigne nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, đại diện phía EU, ông Claudio Dordi, Trưởng nhóm chuyên gia tư vấn Dự án MUTRAP EU - Việt Nam thông tin thêm rằng, để tạo được sự hợp tác, nhà đầu tư nước ngoài cũng cần được đối xử như các nhà đầu tư trong nước. Họ muốn thực thi luật pháp một cách minh bạch.

Nếu Việt Nam muốn thu hút các công ty châu Âu có tên tuổi, và thương hiệu nổi tiếng vào Việt Nam, thì phải nâng cấp về giáo dục đào tạo, công nghệ…. Điều này còn liên quan đến việc quy hoạch phù hợp, xây dựng cơ sở hạ tầng…. Do đó, điểm mấu chốt ở đây là dự báo về nền kinh tế và những hoạch định bài bản.

Ngoài ra, một điều không kém phần quan trọng trong Hiệp định này là VN cần chọn ngành thế mạnh và tập trung để phát triển nó. Phải đặt mục tiêu, chiến lược phát triển, cùng với xây dựng tinh thần lãnh đạo, để chính sách luôn được triển khai đồng bộ và thông suốt dù bộ phận lãnh đạo có sự thay đổi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kỳ vọng vào FTA Việt Nam - EU
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO