Kinh doanh xăng dầu: Trong chán, ngoài thèm

22/03/2012 00:59

Trong khi có những doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu không mặn mà lắm với việc thực hiện nghĩa vụ của đầu mối được nhận thì vẫn có những doanh nghiệp bên ngoài mong muốn nhảy vào lĩnh vực này.

Kinh doanh xăng dầu: Trong chán, ngoài thèm

Trong khi có những doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu không mặn mà lắm với việc thực hiện nghĩa vụ của đầu mối được nhận thì vẫn có những doanh nghiệp bên ngoài mong muốn nhảy vào lĩnh vực này.

Việt Nam là một nước nhập khẩu xăng dầu lớn

Lãi thì nhập, lỗ thì thôi

Bộ Công Thương vừa quyết định cảnh cáo một đầu mối nhập khẩu và kinh doanh xăng dầu thuộc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) vì không nhập khẩu xăng dầu trong nhiều tháng năm 2011 và 2 tháng đầu năm 2012.

Dù chưa rút giấy phép kinh doanh, nhưng Bộ Công Thương sẽ rút bỏ toàn bộ hạn mức tối thiểu và quyền nhập khẩu xăng và dầu diezel 0,05S của Công ty Xăng dầu Hàng hải Việt Nam - đơn vị trực tiếp thực hiện nhiệm vụ đầu mối nhập khẩu xăng dầu của Vinalines. Vinalines chỉ còn hạn mức nhập khẩu tối thiểu và quyền nhập khẩu diezel 0,25S và dầu FO để hoạt động hàng hải.

Trước đó, vào cuối năm 2011, Bộ Công Thương đã tạm giao hạn mức nhập khẩu xăng dầu tối thiểu cho Vinalines trong năm 2012 là 130.000 m3/tấn. Trong đó, xăng là 40.000 m3; dầu diesel là 50.000 m3 và dầu mazut là 40.000 m3.

Việc không nhập khẩu xăng dầu trong nhiều tháng của Công ty Xăng dầu Hàng hải Việt Nam có lý do: giá xăng dầu tăng mạnh do tác động của thị trường xăng dầu thế giới khiến doanh nghiệp sợ rằng, đảm bảo nhiệm vụ nhập khẩu xăng dầu trong điều kiện giá trong nước chưa được điều chỉnh kịp sẽ bị lỗ nặng.

Vào tháng 7/2011, Bộ Công Thương cũng cho biết, có 5/12 doanh nghiệp đầu mối không nhập khẩu đủ xăng dầu theo hạn mức tối thiểu được Bộ quy định. Thấp nhất là Tổng công ty Xăng dầu Quân đội, Công ty Xăng dầu Hàng hải Việt Nam thuộc Vinalines và tiếp đến là CTCP Dầu khí Mekong (Petro Mekong).

Trong diễn biến này, vào cuối năm 2011, Petro Mekong cũng đã chính thức rút lui, không tiếp tục làm đầu mối nhập khẩu xăng dầu năm 2012. Thay vào đó, công ty mẹ của Petro Mekong là Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) sẽ nhập khẩu trực tiếp các sản phẩm xăng dầu và phân bổ lại cho các đơn vị trực thuộc, bao gồm cả Petro Mekong.

Sự rút lui này của Petro Mekong đã khiến cho số đầu mối nhập khẩu xăng dầu chỉ còn lại 13 doanh nghiệp khi bước vào năm 2012.

Để đảm bảo hoạt động của các doanh nghiệp này được chủ động, Bộ Công Thương đã tiến hành phân giao hạn ngạch nhập khẩu xăng dầu tối thiểu cho từng doanh nghiệp.

Việc rút giấy phép xuất nhập khẩu xăng dầu của các doanh nghiệp đầu mối không hoàn thành nhiệm vụ cũng đã từng diễn ra vào tháng 3/2003.

Khi đó, Thủ tướng Phan Văn Khải đã đồng ý để Bộ Thương mại rút giấy phép của 3 doanh nghiệp không thực hiện đúng nhiệm vụ nhập khẩu được giao gồm: Công ty Thương mại Dầu khí Đồng Tháp, Công ty Xuất nhập khẩu Vật tư Đường biển và Công ty Xăng dầu Quân đội.

Công ty Xăng dầu Hàng không khi đó cũng chỉ được nhập nhiên liệu máy bay, không nhập khẩu các mặt hàng xăng dầu khác vì đã không thực hiện đúng nhiệm vụ được giao.

Tổng công ty Dầu khí Việt Nam cũng bị phê bình vì không chỉ đạo và kiểm tra, giám sát hai doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu thuộc tổng công ty này là Công ty Thương mại Dầu khí (Petechim) và Công ty Chế biến và Kinh doanh Dầu mỏ (PDC) thực hiện đúng nhiệm vụ nhập khẩu được giao. 

Vẫn có doanh nghiệp muốn tham gia

Trong khi có những doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu không mặn mà lắm với việc thực hiện nghĩa vụ, vẫn có những doanh nghiệp bên ngoài mong muốn nhảy vào lĩnh vực này.

Bằng chứng là trước khi tuyên bố có biện pháp nghiêm khắc với Công ty Xăng dầu Hàng hải tại cuộc họp với các đầu mối kinh doanh xăng dầu vào ngày 12/3 thì ngày 9/3/2012, Bộ Công Thương đã cấp giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu cho Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà (có trụ sở chính tại thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) với thời hạn 5 năm.

Thông tin từ Bộ Công Thương cũng cho hay, lượng xăng dầu rút lại từ Công ty Vận tải Hàng hải Vinalines sẽ được trao cho các doanh nghiệp mới tham gia thị trường, trong đó có Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, hiện nay, Việt Nam vẫn là một nước nhập khẩu xăng dầu lớn. Năm 2009, lượng xăng dầu nhập khẩu phục vụ tiêu thụ nội địa đạt khoảng 13,2 triệu m3/tấn các chủng loại.

Từ năm 2010, do nguồn xăng dầu phục vụ tiêu thụ trong nước một phần đã do Nhà máy lọc dầu Dung Quất đáp ứng nên nhập khẩu xăng dầu phục vụ tiêu thụ trong nước năm 2010 đã giảm xuống còn khoảng 8,8 triệu m3/tấn và năm 2011 là khoảng 10,3 triệu m3/tấn các chủng loại.

Năm 2011, xăng dầu tiêu thụ nội địa đạt khoảng 15,6 triệu m3/tấn các chủng loại. Trong đó, phần cung cấp từ NMLD Dung Quất là khoảng 6 triệu m3/tấn.

Để đảm bảo đáp ứng các chỉ tiêu kinh tế được đặt ra cho năm 2012 như bình quân GDP tăng trưởng khoảng 6-6,5% thì mức xăng dầu tiêu thụ nội địa dự kiến năm 2012 sẽ tăng tối thiểu khoảng 6% so với năm 2011, đạt khoảng 16,54 triệu m3/tấn các chủng loại.

Báo cáo của Vụ Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương cũng cho hay, hai tháng đầu năm 2012, tổng nguồn nhập khẩu xăng dầu của các doanh nghiệp đầu mối giảm mạnh, giảm 44% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 10% tổng hạn mức tối thiểu nhập khẩu cả năm. Hiện lượng tồn kho các mặt hàng xăng dầu đều cao hơn cùng kỳ năm trước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kinh doanh xăng dầu: Trong chán, ngoài thèm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO