Không thiếu lương thực, thực phẩm trong dịp Tết

LÊ SƠN| 07/01/2010 08:28

UBND TP. Cần Thơ đã quyết định cho bốn doanh nghiệp nhà nước chủ chốt tạm ứng 15 tỷ đồng từ tiền ngân sách để mua hàng hóa dự trữ phục vụ Tết Canh Dần.

Không thiếu lương thực, thực phẩm trong dịp Tết

UBND TP. Cần Thơ đã quyết định cho bốn doanh nghiệp nhà nước chủ chốt tạm ứng 15 tỷ đồng từ tiền ngân sách để mua hàng hóa dự trữ phục vụ Tết Canh Dần. Bên cạnh sự chuẩn bị hàng Tết của các siêu thị và một số doanh nghiệp nhà nước khác, liệu số tiền ít ỏi ấy có khả năng kiểm soát “thân nhiệt thị trường”tại thành phố trung tâm đồng bằng sông Cửu Long?

Ông La Quan Ba - Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Thương nghiệp tổng hợp Cần Thơ (CTC) cho biết: “Các đơn vị trực thuộc CTC đều chủ động tìm nguồn hàng và đặt hàng tại gốc, bảo đảm can thiệp hữu hiệu khi có dấu hiệu sốt ở ngành hàng nào đó. Thành phố trợ giúp CTC 4 tỷ đồng, nhưng nguồn hàng Công ty đã chuẩn bị hiện thời là 7,147 tỷ đồng. Giá bia và nước giải khát được các nhà phân phối thông báo sẽ tăng nhẹ, nhưng không tăng một lần mà chia nhỏ từng đợt 2 - 3%.

Riêng cá sẽ khó tăng cao do các vựa cá ở An Giang sẵn sàng cung cấp theo yêu cầu của CTC”. Cái hay của công ty này là liên kết mọi lực lượng để giữ “thân nhiệt” thị trường: Cá biển từ Kiên Giang, cá nước ngọt từ An Giang, Cà Mau; heo, bò, gà, vịt từ các tỉnh lân cận; gạo từ Gentraco, Tổng công ty Lương thực Sông Hậu.

Làng nghề bánh kẹo Ba Rích (phường Thới An, quận Ô Môn), bắt đầu nhộn nhịp sản xuất hàng Tết. Bất ngờ nhất là họ đã tổ chức được hệ thống phân phối sản phẩm khắp đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng cái khó của làng nghề là giá mọi nguyên liệu đều tăng, nhất là giá đường lên tới 17.000 - 18.000đ/kg, trong khi giá bánh không thể tăng. Tiền mướn nhân công làm bánh trong dịp Tết, gặt hái ngoài đồng đều tăng cao khi bên nào cũng cần lao động. “Thuê 70.000 đồng/ngày công, nhưng không có thợ”, một tiểu chủ cho biết. Chủ một cơ sở làm bánh đóng thùng nói: “Bế hộp, in bao bì tăng 40.000 đồng/thùng (loại 5kg). Giá nhân công tăng thì mỗi thùng bánh phải có giá 124.000 đồng. Giá này có thể sẽ bị “hàng lạ” làm khó".

Cuối năm, các doanh nghiệp chưa muốn xuất khẩu gạo mà chuẩn bị giao hàng vào đầu năm để chuyển lợi nhuận sang năm lấy hên. Vì vậy, giá gạo chỉ dao động khi các doanh nghiệp vận hành kế hoạch giao gạo.

Ông Trần Thanh Vân, Giám đốc Công ty Gạo Việt (TP. Cần Thơ), thổ lộ: “Giá trúng thầu bán gạo cho nước ngoài đợt sau cao hơn đợt trước, nhưng ít khi được tiết lộ. Nếu giá gạo giảm bình quân 200 đồng/kg, giá lúa giảm 300 đồng/kg sau mỗi lần trúng thầu, thì giá dao động theo chiều hướng tăng. Mỗi ngày Gạo Việt vẫn mua đều đều 500 tấn gạo, nên không có chuyện đồng bằng sông Cửu Long thiếu gạo.

Giá lên xuống hoài, liệu doanh nghiệp và nông dân sẽ tiếp tục ký hợp đồng làm ăn với nhau? “Cái khó là doanh nghiệp muốn đầu tư cho nông dân, bao tiêu sản phẩm cao hơn giá thị trường, nhưng những doanh nghiệp không đầu tư cứ tới mùa gặt là nhảy vào, làm tình hình rối tung lên liền”, ông Vân nói. Rất nhiều doanh nghiệp không có vùng nguyên liệu, nhưng lại có quota đủ lớn để làm thay đổi giá cả thị trường.

Theo ông Hồ Minh Khải, Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp Cờ Đỏ, “keo dán” giữa doanh nghiệp và nông dân ở Công ty Cờ Đỏ là ứng trước vật tư nông nghiệp, mỗi hecta 12 - 13 triệu đồng. Hơn hai chục năm nay, 2.514 hộ canh tác 5.668ha ruộng lúa đều được ứng trước như vậy. Ông Khải thừa nhận, kiểm soát nợ khá vất vả vì còn một vài phần trăm nông hộ nợ cù cặn, nhưng nói chung là thanh toán sòng phẳng giữa đôi bên. Sản lượng lúa bình quân của Cờ Đỏ khoảng 10,5 tấn/ha. Giá lúa cao thì việc thanh toán nợ của nông dân dễ dàng hơn.

Hiện tại, Cờ Đỏ còn trữ hàng ngàn tấn gạo trong kho để sẵn sàng “làm mát” giá gạo khi cần thiết, cho tới rằm tháng Giêng sẽ gặt lúa chín sớm.

Như vậy Tết này, giá hàng hóa có thể tăng nhẹ, nhưng thiếu lương thực và thực phẩm chắc chắn không xảy ra như đồn đoán.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Không thiếu lương thực, thực phẩm trong dịp Tết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO