Không thể giao độc quyền cho một doanh nghiệp

Chuyên gia kinh tế VŨ ĐÌNH ÁNH| 15/11/2011 00:04

Ngân hàng Nhà nước vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Đây không phải lần đầu tiên NHNN dự thảo nghị định về quản lý vàng, nhưng lần này, NHNN mong muốn sẽ thống nhất được quan điểm gây tranh cãi từ hồi đầu năm: Có hay không cho phép kinh doanh vàng miếng?

Không thể giao độc quyền cho một doanh nghiệp

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Đây không phải lần đầu tiên NHNN dự thảo nghị định về quản lý vàng, nhưng lần này, NHNN mong muốn sẽ thống nhất được quan điểm gây tranh cãi từ hồi đầu năm: Có hay không cho phép kinh doanh vàng miếng?

Dự thảo đưa ra nhiều quy định, trong đó, vốn điều lệ kinh doanh là 100 tỷ đồng, còn sản xuất là 500 tỷ và phải chiếm ít nhất là 25% thị phần trong thời gian liên tục là 3 năm. Như vậy, theo dự thảo, Việt Nam sẽ có 4 nhà sản xuất vàng miếng.

Thực tế, đã có 8 nhà sản xuất vàng được cấp phép, nhưng riêng SJC (Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn) chiếm tới 90%. Nếu quy định thị phần phải là 25%, thì coi như để một mình SJC sản xuất độc quyền.

Về mặt nguyên tắc, chỉ có một sản phẩm vàng miếng trên thị trường vàng là đúng bởi vàng miếng là dạng vàng tiền tệ. Nhưng dạng này Nhà nước phải độc quyền, có nghĩa là NHNN phải là đơn vị đứng ra sản xuất.

Họ có thể thiết lập một công ty, giống như công ty chuyên in tiền của Việt Nam để đúc vàng. Trong trường hợp NHNN không làm được có thể đi thuê, không thể giao độc quyền nhà nước cho một doanh nghiệp (DN) được.

Dự thảo lần này khẳng định cho phép kinh doanh vàng miếng. Nhưng vàng miếng là một loại tiền tệ, nên không thể để ai thích buôn bán cũng được, mà phải có điều kiện.

Cái mọi người quan tâm là dự thảo quy định vốn điều lệ kinh doanh vàng phải là 100 tỷ đồng. Như vậy, nếu sắp xếp lại thị trường vàng, hơn một vạn đơn vị đã được cấp phép kinh doanh sẽ không đáp ứng được điều kiện về vốn.

Trường hợp này, nên chuyển họ sang kinh doanh vàng trang sức. Nhưng đặt ra chính sách như vậy, phải có chế tài kiểm tra, kiểm soát. Chẳng hạn, đơn vị nào kinh doanh vàng miếng là kinh doanh lậu, còn sản xuất vàng miếng sẽ giống như phạm tội in tiền giả.

Trong dự thảo cũng đề cập tới vàng trang sức. Song, trước hết, phải xác định, vàng trang sức là một loại hàng hóa nên được kinh doanh thoải mái và chịu sự điều chỉnh của Luật Thương mại chứ không phải Luật Ngân hàng hay các tổ chức tín dụng. Đã là vàng trang sức, thì phải chịu thuế như các sản phẩm hàng hóa bình thường.

Bây giờ, chúng ta vẫn ngăn chặn việc biến từ vàng tiền tệ hay vàng trang sức và ngược lại. Nếu thuế vàng trang sức cao, thị trường sẽ không có động cơ chuyển từ vàng trang sức sang vàng tiền tệ và ngược lại.

Đây là nghị định xuyên suốt về quản lý thị trường vàng, nên nội dung phải rất cụ thể. Nội dung liên quan đến sản phẩm phái sinh, sàn giao dịch vàng trong dự thảo chưa rõ ràng. Sản phẩm phái sinh về vàng rất quan trọng và sàn giao dịch vàng sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề.

Do đó, cần phải có quy định chi tiết gắn ngay trong nghị định về quản lý vàng. Điều này dự thảo đang thiếu, dẫn tới lúng túng trong câu chuyện: Làm thế nào để huy động vàng tiền tệ trong dân?

Đến nay, về mặt nguyên tắc, NHNN vẫn đang duy trì quy định cấm các ngân hàng thương mại huy động, cho vay vàng, nhưng bằng cách này, cách khác họ vẫn làm.

Chúng ta đã không huy động được nguồn lực tài chính lớn lưu thông bên ngoài hệ thống chính thức, lãng phí một lượng vàng lớn trong dân, trong khi đất nước đang thiếu ngoại tệ, thiếu vàng. Nghị định mới cần phải thể hiện được cái đó và phải có công cụ tài chính kèm theo để giải quyết câu chuyện này.

Liên quan đến xuất nhập khẩu. Từ trước đến nay, NHNN chỉ quản lý nhập khẩu và hàm lượng vàng xuất khẩu, nên mới có chuyện người ta đục lỗ lên vàng miếng để xuất khẩu với mức thuế vàng trang sức. Vì vậy, NHNN phải đứng ra quản lý xuất nhập khẩu vàng, độc quyền sản xuất vàng miếng chứ không giao quota cho DN.

Khi NHNN đã chịu trách nhiệm toàn bộ chuyện xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu, vàng tiền tệ, thì không cần thiết phải tính thuế, bởi khi NHNN làm, chẳng lẽ Chính phủ lại đánh thuế?

Lâu nay, chúng ta vẫn quản xuất nhập khẩu vàng theo hàm lượng, trước là 90%, bây giờ là 80%, nếu trên 80% sẽ bị đánh thuế. Thực tế, xuất khẩu vàng với hàm lượng cao như vậy, ngang bằng việc xuất vàng nguyên chất. Nhưng vấn đề thuế được nêu trong dự thảo nghị định lại khá mập mờ, chỉ nói đến đánh thuế các hoạt động vàng.

Hiện nay, trên thế giới coi vàng là một loại tiền tệ, một loại tài sản tích trữ và các ngân hàng trung ương đều thay đổi dự trữ ngoại hối của họ, trong đó, có tăng tỷ trọng của vàng lên.

Vì vậy, khi NHNN VN đứng ra làm sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu thì chính họ sẽ điều chỉnh được cơ cấu dự trữ ngoại hối: bao nhiêu là vàng, bao nhiêu không phải là vàng và NHNN cũng hoàn toàn chủ động trong việc chuyển từ vàng ra bên ngoài để lấy ngoại tệ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Không thể giao độc quyền cho một doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO