Không dùng tiền ngân sách để mua bán nợ

01/11/2013 05:02

Một trong ba nội dung được Thống đốc trình bày tại quốc hội là hoạt động của VAMC. Theo ông Bình thì đây là mô hình nhiều nước trên thế giới sử dụng. Điều khác biệt là họ dùng tiền ngân sách mua lại nợ, còn ta thì không mà phải tìm ra một cách làm phù hợp với thực tiễn hoàn cảnh của Việt Nam.

Không dùng tiền ngân sách để mua bán nợ

Trong khoảng hơn 10 phút đăng đàn trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội của Quốc hội sáng 1/11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình hai lần nói lời cảm ơn với cử tri và đại biểu Quốc hội.

Không còn nóng rực như ở các phiên thảo luận tại các kỳ họp gần đây, song tái cơ cấu ngân hàng, nợ xấu và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) vẫn được một số vị đại biểu đề cập với không ít lo ngại.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình

Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng thì lĩnh vực ngân hàng vẫn còn nhiều vấn đề đáng ngại. Như, nợ xấu vẫn tăng và tốc độ tăng của nợ xấu cao hơn nhiều so với tăng của mức tăng tín dụng. Và trong nhóm tăng nợ xấu nhóm 5 - nhóm không có khả năng hoàn vốn - lại là nhóm cao nhất.

Còn với VAMC, có người ví von công ty này như một bác sĩ chữa bệnh nhưng vì bác sĩ này quá đông bệnh nhân, nhiều chuyên gia cũng cho rằng mới đề cập đến đầu vào tức là chúng ta mua nợ xấu, còn chưa rõ xử lý đầu ra tức là công ty này sẽ bán như thế nào, đại biểu Hùng băn khoăn.

“Qua theo dõi thảo luận tại tổ và tại hội trường, tôi chân thành cảm ơn cử tri và đại biểu đã ghi nhận kết quả bước đầu trong điều hành chính sách tiền tệ quốc gia, dù còn hết sức khiêm tốn nhưng là nguồn cổ vũ động viên rất to lớn với chúng tôi”, Thống đốc mở đầu bài phát biểu.

Người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước cũng nhấn mạnh, "chúng tôi ý thức sâu sắc rằng cử tri cả nước luôn công tâm, luôn luôn công bằng và nhân ái, nên chúng tôi không ngừng phấn đấu và không ngừng cống hiến, nhưng con đường phía trước còn nhiều chông gai khó khăn, nên mong đại biểu và cử tri tiếp tục ủng hộ và giám sát".

Một trong ba nội dung được Thống đốc trình bày là hoạt động của VAMC. Theo ông Bình thì đây là mô hình nhiều nước trên thế giới sử dụng. Điều khác biệt là họ dùng tiền ngân sách mua lại nợ, còn ta thì không mà phải tìm ra một cách làm phù hợp với thực tiễn hoàn cảnh của Việt Nam .

Với cách thức mua bán nợ của công ty này, theo Thống đốc, tất cả các khoản nợ được VAMC mua lại không tính là nợ xấu nữa, doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận với nguồn vốn mới.

Các khoản nợ này sau khi VAMC mua lại sẽ được tiến hành cơ cấu lại, đưa lãi suất cao trước đây về mặt bằng lãi suất hiện nay, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Thống đốc cho hay.

Cũng theo Thống đốc thì các tổ chức tín dụng cũng được lợi. Trước đây một số vốn lớn nằm trong những khoản nợ xấu này, nay bằng việc mua nợ xấu bằng cách phát hành một loại trái phiếu đặc biệt, các tổ chức tín dụng có thể thu lại tối đa 70% giá trị khoản nợ để có thêm nguồn vốn cho phát triển kinh tế đất nước.

Trong năm nay, VAMC phấn đấu mua được 30-35 nghìn tỷ đồng nợ xấu, năm 2014 có thể lên đến 100-150 nghìn tỷ. Hiện nay rất nhiều nhà đầu tư không chỉ trong nước mà quốc tế cũng quan tâm muốn mua lại các khoản nợ này, Thống đốc nói.

Về tăng trưởng tín dụng, ông Bình cho biết 10 tháng đầu năm đạt 6,8%, nếu tính cả dư nợ tín dụng đã được xử lý bằng quỹ dự phòng rủi ro và mua bán nợ của công ty mua bán nợ thì đã tăng ở mức 7,89%. Có cơ sở để tin tưởng tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ đạt được ở mức trên 11%, Thống đốc cho biết.

Trước nhiều ý kiến đại biểu về tín dụng cho khu vực nông thôn, Thống đốc thông tin năm 2013 có thể đạt từ 15 đến 18%. Trong khi nợ xấu khoảng 3%, thấp hơn rất nhiều nợ xấu của toàn hệ thống, hiện đang ở mức xấp xỉ 5%.

Về giải quyết nợ xấu, theo Thống đốc, sau khi Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng thương mại cơ cấu lại nợ theo cơ chế mới, đến nay đã cơ cấu lại trên 300.000 tỷ. Và có tới 60% các khoản nợ nếu không cơ cấu lại đã thành nợ xấu, nói một cách khác nếu không cơ cấu lại thì nợ xấu đã tăng thêm trên 6%.

Một biện pháp xử lý nợ xấu nữa là trích lập dự phòng rủi ro. Năm 2012 toàn hệ thống đã trích lập và xử lý 70 nghìn tỷ đồng, còn 9 tháng 2013 đã trích lập và xử lý thêm 32 nghìn tỷ nữa, tổng cộng là gần 100 nghìn tỉ đồng. Theo kế hoạch sẽ cố gắng xử lý bằng nguồn này trong năm nay thêm 70 nghìn tỷ.

Bên cạnh đó, đến nay VAMC đã mua được 10 nghìn tỷ nợ xấu. “Như vậy, nếu không triển khai các giải pháp nêu trên, thì nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã tăng thêm trên 10%”, Thống đốc nói.

Bình luận về phần giải trình của Thống đốc, một số vị đại biểu cho rằng việc tiếp cận vốn của cả người dân và doanh nghiệp còn khó khăn.

Phản ánh về tình trạng tín dụng đen đang gây nhiều bức xúc, đại biểu Bùi Thị An tha thiết đề nghị Thống đốc vi hành để rõ hơn vì sao cử tri vẫn không tiếp cận được vốn và theo phản ánh thì có doanh nghiệp vẫn phải vay với lãi suất 15%.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Không dùng tiền ngân sách để mua bán nợ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO