Không dễ “lướt sóng” USD

10/01/2010 00:37

Doanh nghiệp bán ngoại tệ cho ngân hàng, nhiều khả năng USD tự do giảm giá sâu hơn

Không dễ “lướt sóng” USD

Doanh nghiệp bán ngoại tệ cho ngân hàng, nhiều khả năng USD tự do giảm giá sâu hơn.

Nhiều doanh nghiệp bán ngoại tệ cho ngân hàng. Ảnh: H.Thúy

Tỉ giá USD/VNĐ tự do có thời điểm xuống còn 19.300 đồng/USD nhưng sau đó có dấu hiệu tăng lên. Nhiều người có ý định chuyển vốn sang USD. Tuy nhiên, giới am hiểu thị trường ngoại tệ cho biết với hàng loạt biện pháp can thiệp thị trường ngoại hối vừa được ban hành, cung - cầu ngoại tệ đã bớt căng thẳng. Việc “lướt sóng” USD không đơn giản. 

Đối mặt nhiều rủi ro

Giới kinh doanh ngoại tệ cho biết đối tượng chuyên mua- bán USD đang xôn xao thông tin các cơ quan chức năng bắt được người dân giao dịch vài USD mức phạt lên tới 75 triệu đồng. Các đại gia USD cũng thu hẹp tần suất giao dịch, chỉ mua - bán ngoại tệ với số lượng nhỏ.

Một chủ tiệm vàng tại TPHCM cho biết hơn nửa tháng qua, tiệm không dám giao dịch USD vì đầu ra ngày càng hẹp, thậm chí có nhiều ngày không có khách hàng nào đặt hàng ngoại tệ, trong khi người bán áp đảo người mua. Anh Lê Văn Đông, người chuyên mua - bán USD, cho hay gần đây các đầu mối ngoại tệ từ chối giao dịch từ 100.000 USD trở lên. Người “lướt sóng” USD phải giao dịch với nhiều đầu mối, đối mặt nhiều rủi ro bởi giá cả mỗi nơi đều khác nhau, có thể bị cơ quan chức năng phát hiện xử phạt hoặc tịch thu ngoại tệ.

Sáng 8/1, Ngân hàng (NH) Ngoại thương chi nhánh TPHCM niêm yết giá bán 18.749 đồng/USD, mua vào thấp hơn bán ra 10 đồng/USD. Tỉ giá hối đoái tại các NH khác cũng niêm yết ở mức tương tự. Trên thị trường tự do, các tiệm vàng mua - bán ở mức 19.300 - 19.340 đồng/USD, giảm so với hôm trước 60 đồng/USD. Nếu tính từ ngày 1/1 đến nay, tỉ giá ngoại tệ tự do có ngày tăng, ngày giảm vài chục đồng/USD, ngang bằng với chênh lệch giá mua vào – bán ra.

Khó theo kịp thị trường

Điều mà giới kinh doanh ngoại tệ luôn nghe ngóng là chính sách ngoại hối và tình hình cung - cầu ngoại tệ tại các NH bởi các yếu tố này thường quyết định tỉ giá ngoại tệ tự do. Cụ thể, ngày 23/12/2009, Chính phủ yêu cầu 7 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước bán ngay ngoại tệ cho NH thương mại, lập tức giới đầu cơ bán tháo ngoại tệ, USD tự do giảm 100 đồng/USD, từ 19.560 đồng/USD rớt về 19.460 đồng/USD và đến 17 giờ cùng ngày giảm tiếp 50 đồng/USD, xuống còn 19.410 đồng/USD. Đối tượng “lướt sóng” USD không kịp trở tay.

Mặc dù Nhà nước đã có biện pháp thu mua ngoại tệ của các tập đoàn, tổng công ty nhưng các đơn vị bán USD chưa nhiều. nguyên nhân của tình trạng này là một số tập đoàn đã chuyển số dư tiền gửi ngoại tệ sang các NH nước ngoài trước ngày 31/12/2009 (thời điểm xác định số dư ngoại tệ của các tập đoàn phải bán ngay số ngoại tệ cho NH).

Mặt khác, NH phải có thời gian mới xác định được doanh nghiệp trên 50% vốn Nhà nước có nguồn thu USD từ xuất khẩu, dịch vụ để thu mua. Điều này lý giải vì sao USD tự do trong những ngày gần đây biến động lình xình. Nếu thời gian tới, việc thu mua USD đi vào nề nếp, nhiều khả năng USD tự do sẽ giảm giá sâu hơn. Người chuyển vốn sang USD hoàn toàn bất lợi.

Cung - cầu USD sẽ cân bằng

Hầu hết lãnh đạo các NH cho rằng tình trạng găm giữ ngoại tệ sẽ bị xóa bỏ, cung USD sẽ tăng dần. Nếu mỗi năm tập đoàn dầu khí, than - khoáng sản, Tổng Công ty Lương thực miền Bắc và miền Nam... bán cho NH khoảng 10 tỉ USD từ xuất khẩu dầu thô, than, gạo... (năm 2009, kim ngạch xuất khẩu dầu thô gần 6 tỉ USD, xuất khẩu than khoảng 1,2 tỉ USD, xuất khẩu gạo gần 2,5 tỉ USD) thì nguồn cung USD của NH hiếm khi thiếu hụt. Dù rằng NH phải bán lại ngoại tệ, đáp ứng nhu cầu nhập khẩu của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước song với việc doanh nghiệp thường xuyên bán ngoại tệ, NH sẽ kiểm soát được USD ra vào, dễ dàng cân đối cung - cầu ngoại tệ. Khi đó, tỉ giá của NH sẽ không có nhiều biến động, khiến tỉ giá USD tự do khó có thể tăng đột biến như năm 2009.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Không dễ “lướt sóng” USD
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO