Khó thêm vì rào cản mới

CÁC NGỌC| 13/05/2009 05:38

Hoa Kỳ đã ban hành và từng bước áp dụng một số quy định mới trong Đạo luật Nông nghiệp (Farm Bill), Đạo luật Lacey, Đạo luật Bảo vệ An toàn Tiêu dùng. Việc áp dụng các quy định này sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến nhiều mặt hàng xuất khẩu của VN sang Hoa Kỳ.

Khó thêm vì rào cản mới

Hoa Kỳ đã ban hành và từng bước áp dụng một số quy định mới trong Đạo luật Nông nghiệp (Farm Bill), Đạo luật Lacey, Đạo luật Bảo vệ An toàn Tiêu dùng. Việc áp dụng các quy định này sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến nhiều mặt hàng xuất khẩu của VN sang Hoa Kỳ.

Những quy định "rào cản"

Cá tra, basa VN có thể không mang nhã-n mác “cá da trơn” vì mục đích tiếp thị, nhưng lại được coi là cá da trơn để yêu cầu thanh tra?

Kể từ năm 2002, các nhà sản xuất cá da trơn Hoa Kỳ đã chống lại việc phải cạnh tranh với cá da trơn nhập khẩu vào Hoa Kỳ. Đầu tiên, họ khởi xướng một cuộc điều tra chống bán phá giá, dẫn đến việc áp đặt một lệnh áp thuế bổ sung đối với hàng nhập khẩu từ VN (một số loại cá philê đông lạnh). Tiếp đến, một luật được ban hành cấm cá basa và cá tra VN mang nhãn mác “cá da trơn” khi xuất sang Hoa Kỳ. Sắp tới đây, một luật mới khác của Hoa Kỳ sẽ buộc các lô hàng cá da trơn phải chịu sự kiểm tra khi xuất sang thị trường Hoa Kỳ. Liệu cá basa và cá tra VN có phải chịu luật mới này? Liệu Hoa Kỳ có thể cho là một con cá không thể mang nhãn mác “cá da trơn” vì mục đích tiếp thị, nhưng lại được coi là cá da trơn để yêu cầu thanh tra?

Quốc hội Hoa Kỳ đã sửa đổi Luật Giám định thịt để chỉ định cá da trơn phải chịu sự thanh tra bắt buộc (một phần của Đạo luật Nông nghiệp 2008). Luật mới này được thực thi bởi Ban Thanh tra An toàn thực phẩm (FSIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ. FSIS sẽ phải thực thi luật mới trong vòng 18 tháng kể từ khi ban hành (ngày 18/6/2008). Điều này có nghĩa là FSIS sẽ đưa ra những quy chế thực hiện trước tháng 12/2009. Theo luật sư Brenda A. Jacobs, thuộc Công ty Luật Sidley Austin, VN cần hối thúc FSIS định nghĩa cá da trơn phù hợp định nghĩa mà Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) áp dụng.

Luật Lacey sửa đổi của Hoa Kỳ được các nhóm môi trường, nhóm công nghiệp giấy và gỗ cứng ở nước này mong đợi. Họ khẳng định rằng, 10% sản phẩm gỗ nhập khẩu vào Hoa Kỳ hàng năm trị giá khoảng 3,8 tỷ USD là từ gỗ chặt đốn trái phép. Luật Lacey sửa đổi yêu cầu nhà nhập khẩu khai báo chi tiết đối với từng loại sản phẩm thực vật. Hình phạt được áp dụng rất nặng và được xác định “hình phạt làm thay đổi yêu cầu của người mua”.

Trường hợp nhà nhập khẩu cố ý vi phạm qua việc mua bán các loại gỗ có nguồn gốc bất hợp pháp, thì phạt 500.000USD đối với doanh nghiệp (DN) và 250.000USD đối với cá nhân; có thể chịu mức án tù lên đến 5 năm và bị tịch thu hàng hóa. Trường hợp khai báo thông tin nhập khẩu sai, sẽ chịu mức phạt như trên hoặc phạt dân sự lên đến 100.000USD. Nhà nhập khẩu không cố ý vi phạm cũng bị phạt nếu mua bán hàng hóa có nguồn gốc bất hợp pháp: nhẹ thì phạt 200.000USD đối với DN và 100.000USD đối với cá nhân; có thể chịu án tù lên đến một năm hoặc phạt dân sự tới 10.000USD và bị tịch thu hàng hóa. Nếu nhà nhập khẩu khai báo thông tin nhập khẩu sai thì bị phạt 250USD và có thể bị tịch thu hàng hóa.

Các sản phẩm dệt may, giày dép, đồ chơi xuất khẩu thì bị quy định nâng cao an toàn trong sản phẩm tiêu dùng ràng buộc như chú ý tính dễ cháy của vải sợi, hàm lượng chì trong nước sơn đồ chơi, nút áo...

Phải vượt qua thử thách 

Bà Cathy Sauceda, Giám đốc phụ trách An toàn nhập khẩu và các yêu cầu liên quan ngành - Cơ quan Thương mại Quốc tế thuộc Hải quan Hoa Kỳ, cho rằng, việc thực thi các quy định mới là do các vấn đề mới phát sinh trong việc nhập khẩu hàng hóa không an toàn. Để tránh rủi ro có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế, đe dọa tới sức khỏe và an toàn của người dân, Hải quan Hoa Kỳ sẽ chuyển từ phương pháp kiểm tra ngẫu nhiên sang phương pháp quay phim nhằm kiểm tra những công đoạn chủ chốt trong quá trình nhập khẩu có rủi ro cao nhất về các sản phẩm không an toàn.

Tất cả những luật mới của Hoa Kỳ gây khó khăn cho nhà bán lẻ ở nước này và đương nhiên gây khó khăn cho cả nhà sản xuất. DN VN sẽ tốn thêm chi phí không nhỏ để đáp ứng tất cả những quy định khi muốn xuất khẩu. Các chuyên gia của Hoa Kỳ lưu ý, DN VN phải nghiên cứu kỹ các đạo luật mới, cùng với nhà nhập khẩu khai báo chính xác nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa. Việc Hoa Kỳ đồng loạt áp dụng các quy định mới sẽ đặt các nhà sản xuất trước những thử thách mới, nhưng nếu thực hiện đúng những yêu cầu bắt buộc thì có thể gia tăng xuất khẩu hàng hóa sang Hoa Kỳ.

Bà Cathy Sauceda cho rằng, trong điều kiện tiêu thụ hàng hóa khó khăn do người dân Mỹ giảm chi tiêu, nhà nhập khẩu sẽ tìm kiếm hàng giá rẻ. DN VN có thể cắt giảm chi phí để hạ giá thành sản phẩm, nhưng không thể cắt giảm chi phí cho việc thực hiện những quy định nhập khẩu hàng vào Hoa Kỳ. Vì vậy, DN phải sản xuất những sản phẩm đạt chất lượng và ngay từ khâu sản xuất nên có sự phối hợp thông tin với nhà nhập khẩu. Hàng hóa cần có mức giá cạnh tranh nhưng cũng phải có lý lịch rõ ràng nên DN cần quan tâm nhiều hơn đến các công đoạn trong chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu. Với những hình phạt khá nặng, nhà nhập khẩu có thể yêu cầu nhà sản xuất cung cấp những thông tin kèm theo hóa đơn thương mại và có thể bắt nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm về bất cứ hình phạt nào mà họ chịu khi hàng hóa nhập khẩu vào Hoa Kỳ với thông tin sai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Khó thêm vì rào cản mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO