JICA: Nhà thầu Việt Nam có thể tham gia dự án ODA Nhật Bản

04/08/2015 06:23

Việt Nam đang sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA Nhật Bản và các nhà thầu Việt Nam có thể tham gia các dự án sử dụng nguồn vốn này.

JICA: Nhà thầu Việt Nam có thể tham gia dự án ODA Nhật Bản

Ông Mutsuya Mori, Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam nhận định, Việt Nam đang sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA Nhật Bản và các nhà thầu Việt Nam có thể tham gia các dự án sử dụng nguồn vốn này.

Từ góc nhìn của một đối tác phát triển, ông đánh giá thế nào về việc sử dụng vốn ODA tại Việt Nam thời gian qua?

Chính phủ Việt Nam và JICA đã và đang ưu tiên sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản đầu tư vào những cơ sở hạ tầng quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Cách làm này được đánh giá cao vì đã góp phần cải thiện vượt bậc môi trường đầu tư của TP.HCM và Hà Nội.

Chẳng hạn, trong năm nay, Hà Nội đã khánh thành Nhà ga hành khách T2 (Sân bay Quốc tế Nội Bài), thông xe cầu Nhật Tân và đường dẫn Sân bay Quốc tế Nội Bài, giúp cải thiện đáng kể tuyến huyết mạch lưu thông hàng hóa từ cửa ngõ quốc tế về trung tâm Thành phố.

Tương tự, tại TP.HCM, việc thông xe đường cao tốc TP.HCM - Dầu Giây đã giúp cải thiện đáng kể lưu thông từ Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Hơn nữa, vốn vay ODA Nhật Bản cũng đã góp phần mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp Việt Nam. Ví dụ, giá trị hợp đồng mà các doanh nghiệp Việt Nam sở hữu trong giá trị hợp đồng vốn vay ODA của nhà thầu chính tăng 2,4 lần, từ 31,192 tỷ yên trong tài khóa 2010 lên 73,491 tỷ yên trong tài khóa 2014.

Đồng thời, việc chuyển giao công nghệ thông qua các dự án vốn vay của Nhật Bản cũng diễn ra rất mạnh mẽ.

Có ý kiến cho rằng, nhiều dự án ODA Nhật Bản thường do doanh nghiệp Nhật thực hiện, nên ít có cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

Dự án ODA đôi khi bị chỉ trích vì yêu cầu phải sử dụng nhà thầu và công nghệ do nhà tài trợ chỉ định.

Tuy nhiên, các khoản vay ODA Nhật Bản đòi hỏi sử dụng công ty và vật liệu của Nhật Bản chỉ dành cho các dự án có yêu cầu công nghệ đặc biệt tiên tiến từ Nhật Bản.

Từ năm 2010 đến 2014, những dự án sử dụng vốn vay ràng buộc chỉ chiếm dưới 40% tổng số vốn cam kết.

Theo dữ liệu của JICA, giá trị các hợp đồng mà công ty Việt Nam trúng thầu trong các dự án sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản có xu hướng tăng hàng năm, từ 31,2 tỷ yên năm 2010 lên 73,5 tỷ yên năm 2014.

Bên cạnh đó, giá trị các hợp đồng trao cho các liên danh Nhật Bản - Việt Nam cũng tăng. Thông qua các liên danh này, việc chuyển giao công nghệ từ Nhật Bản được thực hiện tích cực, góp phần nâng cao năng lực công nghệ và năng lực quản lý thi công của công ty Việt Nam.

Vì vậy, có thể nói, vốn vay ODA Nhật Bản đã góp phần tăng cường năng lực và mở rộng cơ hội kinh doanh cho các công ty Việt Nam.

Ông Mutsuya Mori, Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam

Ông có thể chia sẻ những điểm mới trong Chương trình Hỗ trợ ODA của Nhật Bản dành cho Việt Nam trong thời gian tới?

Trong 20 năm qua, Việt Nam đã đạt được mức tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, nhưng để khắc phục những mặt trái của tăng trưởng thì hỗ trợ phát triển nông nghiệp - nông thôn là hết sức quan trọng.

JICA đang có một thử nghiệm mới tại tỉnh Điện Biên. Đó là Dự án Phát triển nông thôn khu vực Tây Bắc tại tỉnh Điện Biên từ năm 2010.

Dự án hợp tác kỹ thuật này đã xây dựng và phổ biến “Tài liệu hướng dẫn hoạt động khuyến nông” cho một số nông sản chính và “Tài liệu hỗ trợ cải thiện năng lực quản lý tưới tiêu của Hội Dùng nước có sự tham gia của người dân”, nhằm tăng cường năng lực quản lý cấp nước và hệ thống thủy lợi, đồng thời nâng cao năng lực phát triển nông thôn cho chính quyền địa phương.

Kết quả là, dự án đã gặt hái được những thành quả to lớn, như năng lực sản xuất được nâng cao và sinh kế của người dân được cải thiện đáng kể.

Để sử dụng có hiệu quả nguồn ngân sách phát triển eo hẹp, vấn đề quan trọng là phải phân bổ ngân sách một cách hợp lý dựa trên năng lực thực thi của chính quyền địa phương đã được thẩm định theo các kết quả mà địa phương đạt được.

Với phương châm này, JICA sẽ đẩy mạnh việc áp dụng mô hình phân bổ ngân sách dựa trên kết quả để có thể xây dựng cơ sở hạ tầng thúc đẩy phát triển nông thôn của địa phương.

Ông có khuyến nghị gì đối với Việt Nam nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ODA Nhật Bản?

Để sử dụng tốt nguồn vốn vay ODA Nhật Bản, thì việc lựa chọn dự án phù hợp là quan trọng. Tuy nhiên, quan trọng hơn là việc phòng tránh chậm trễ trong triển khai dự án.

Để phòng tránh sự chậm trễ này, vấn đề then chốt là tính minh bạch và việc đánh giá của bên thứ 3.

JICA đang trong giai đoạn chuẩn bị công khai các bước thực hiện dự án của tất cả các dự án vốn vay và xem xét việc sử dụng đánh giá của bên thứ 3 đối với các dự án có thời gian đấu thầu dài hơn so với thời gian thông thường.

Với cách làm này, thông tin về các đơn vị nhà nước có chậm trễ trong quá trình ban hành quyết định sẽ được công khai cho truyền thông và người dân biết, nên sẽ giúp hạn chế tình trạng chậm tiến độ dự án.

>JICA: Việt Nam thiếu kỹ thuật viên lành nghề

>Việt Nam - Nhật Bản ký hiệp định vay vốn 58 tỷ yen

>Nhật Bản tìm thấy dầu khí ở ngoài khơi Việt Nam

>"Sóng thần" trên thị trường tài chính Nhật Bản

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
JICA: Nhà thầu Việt Nam có thể tham gia dự án ODA Nhật Bản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO