Hướng đến hỗ trợ sản xuất

MINH HÀO| 14/03/2012 05:27

UBND TP.HCM vừa công bố kế hoạch bình ổn giá thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu năm 2012 và dịp Tết Quý Tỵ 2013. Theo đó, TP.HCM sẽ tiếp tục bình ổn 9 nhóm hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu với sự tham gia của 29 doanh nghiệp (DN).

Hướng đến hỗ trợ sản xuất

UBND TP.HCM vừa công bố kế hoạch bình ổn giá thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu năm 2012 và dịp Tết Quý Tỵ 2013. Theo đó, TP.HCM sẽ tiếp tục bình ổn 9 nhóm hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu với sự tham gia của 29 doanh nghiệp (DN).

Cũng vẫn là 9 nhóm hàng: gạo, đường, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả và thủy hải sản nhưng số loại các mặt hàng đưa vào bình ổn giá sẽ nhiều hơn.

Không chỉ tăng chủng loại mặt hàng, số DN tham gia cũng tăng nhiều so với trước. Năm 2011 có 22 DN thực hiện bình ổn giá, năm nay có thêm 7 công ty nữa.

Điều đáng lưu ý là rất nhiều DN đăng ký tham gia nhưng không nhận vốn, hoặc chỉ nhận một phần vốn từ chương trình nhưng vẫn đảm bảo việc cung ứng hàng bình ổn giá ra thị trường. Năm nay, cơ chế tính giá và điều chỉnh giá cũng thay đổi theo hướng linh động hơn cho DN.

Các mặt hàng tham gia chương trình bình ổn có giá thấp hơn thị trường từ 5 - 10% (năm ngoái đến 10%). Và chỉ cần nguyên vật liệu tăng 10% thì DN đã được quyền điều chỉnh giá bán cho phù hợp (năm ngoái tăng 15% mới được điều chỉnh).

Những quy định này sẽ giúp DN linh động hơn trong việc điều chỉnh giá bán cũng như rút ngắn khoảng cách chênh lệch về giá, không để xảy ra tình trạng hai giá trên thị trường.

Trong khi số DN tham gia chương trình tăng, số lượng chủng loại hàng cũng được nâng lên thì ngân sách dành cho chương trình lại giảm. Theo công bố của UBND TP.HCM, năm nay, số tiền thành phố hỗ trợ DN tham gia bình ổn giá chỉ có 311 tỷ đồng, giảm 100 tỷ đồng so với năm 2011.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Hồng cho biết, mục tiêu chính của chương trình bình ổn giá năm nay là tăng sản lượng, chủng loại hàng hóa nhưng giảm dần nguồn vốn hỗ trợ cho các DN để chương trình ngày càng đạt hiệu quả cao hơn.

Việc giảm ngân sách hỗ trợ chương trình này là do Thành phố đang hướng DN đến một cơ chế mới theo Quyết định 33. Đó là sẽ đẩy mạnh hỗ trợ lãi suất cho các DN đầu tư.

Nếu DN có những dự án đầu tư khả thi và phù hợp với quy định thì sẽ được Thành phố hỗ trợ một phần lãi suất. Và như vậy, Thành phố đang hướng tới chuyển dần sang hỗ trợ sản xuất thay vì hỗ trợ cho khâu lưu thông như lâu nay đã làm.

Và điều này cũng đồng nghĩa với việc Nhà nước không rút vốn mà chỉ chuyển từ hình thức này sang hình thức khác và sẽ tiếp tục hỗ trợ DN tạo nguồn hàng dồi dào cung ứng cho thị trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hướng đến hỗ trợ sản xuất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO