“Hùn” phải “Hạp” thì mới thành công!

THU THỦY| 13/10/2009 03:04

Hội thảo nêu lên thực trạng, những bất cập trong chuyện hùn hạp từ đó có những cảnh báo cần thiết và đề xuất những giải pháp nhằm thúc đẩy DN thành công trong hội nhập.

“Hùn” phải “Hạp” thì mới thành công!

Chào mừng ngày Doanh nhân Việt Nam bước sang tuổi thứ năm, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM và Báo Doanh nhân Sài Gòn đã tổ chức hội thảo: "Doanh nhân Việt Nam và văn hoá hùn hạp" vào sáng ngày 13/10/2009 tại Trung tâm Hội nghị White Palace, TP.HCM với sự có mặt của các diễn giả là các chuyên gia kinh tế, nhà ngoại giao, doanh nhân: TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Quốc hội, nguyên Đại sứ VN bên cạnh Liên minh Châu Âu, ông Lương Văn Lý, Giám đốc công ty tư vấn đầu tư Đại Nam Long, ông Trần Sĩ Chương, nhà tư vấn và đầu tư vào các doanh nghiệp VN...

Từ trái qua: MC dẫn chương trình, ông Trần Sĩ Chương, bà Tôn Nữ Thị Ninh, ông Lê Đăng Doanh và ông Lương Văn Lý - Ảnh Q.T

Nhóm doanh nhân tham gia tọa đàm gồm: bà Đỗ Thị Kim Liên, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bảo hiểm AAA, ông Lê Bá Thông, Tổng giám đốc công ty cổ phần TTT, bà Lê Thị Phương Phượng, Phó Tổng giám đốc công ty cổ phần Vinabico, bà Phan Thị Tuyết Mai, Giám đốc công ty TNHH Thủy sản Tài Nguyên.

Hội thảo nêu lên thực trạng, những bất cập trong chuyện hùn hạp sản xuất, kinh doanh tại VN, từ đó có những cảnh báo cần thiết và đề xuất những giải pháp nhằm thúc đẩy doanh nghiệp thành công hơn trong công cuộc hội nhập kinh tế thế giới.

Cách đây 20 năm, với chủ trương "đổi mới", Chính phủ đã có những chính sách khuyến khích các thành phần trong xã hội tham gia phát triển kinh tế. Được tạo điều kiện thuận lợi, những người có vốn và khả năng sản xuất, kinh doanh đã đứng ra thành lập doanh nghiệp.

Đến cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21, tinh thần của "hội nhập kinh tế quốc tế" đã tác động đến chiến lược phát triển của các doanh nghiệp VN. Liên doanh, hợp tác với nước ngoài là hướng đi của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước để tăng cường nguồn lực tài chính, đẩy nhanh tốc độ phát triển, bên cạnh việc học hỏi kinh nghiệm quản lý, tiếp thu công nghệ mới.

Đi cùng với tiến trình hội nhập sâu rộng và vị thế của VN ngày càng được nâng cao, doanh nghiệp VN đã lớn mạnh lên, khẳng định năng lực cạnh tranh quốc tế. Trong vài năm gần đây, không ít cá nhân và doanh nghiệp đã hướng đến việc liên kết trong nước quan hình thức hùn hạp vốn lập doanh nghiệp hoặc triển khai các dự án sản xuất, kinh doanh

Vậy có khả năng diễn ra xu hướng doanh nhân, doanh nghiệp VN chọn hùn hạp với nhau hơn là liên doanh với nước ngoài không? Yếu tố nào là nét văn hoá đặc trưng của doanh nhân VN đem đến thành công trong “quan hệ hùn hạp” hay lý do nào dẫn tới thất bại cần phải rút kinh nghiệm?

Mời các bạn nghe phát biểu của ông Huỳnh Văn Minh - CT Hiệp hội DN TP.HCM về ý nghĩa mục và nội dung hội thảo

TS Lê Đăng Doanh - Doanh nhân VN tự phát triển hay liên kết

Chúng ta có khó khăn về hùn hạp, số doanh nghiệp là công ty cổ phần quá ít, quá trình chuyển đổi từ các công ty gia đình quá chậm. Có thể chỉ ra một số nguyên nhân:

1. Một số cuộc hùn hạp quá dễ dãi, duy tình hơn duy lý. Làm những công việc quá lớn một cách quá dễ dãi, có khi chỉ qua vài bữa nhậu.

2. Do chuẩn bị kém nên khi diễn ra dự án càng làm càng khó, không tin nhau, không cùng nhau tháo gỡ được khó khăn. Đây là do khung pháp lý chưa ổn định, luật doanh nghiệp chưa bảo vệ được các cổ đông, tính minh bạch của các doanh nghiệp chưa cao. Ngay khi cổ đông có thưa kiện cũng khó đạt kết quả.

3. Thị trường vốn kém phát triển. Số DN thu hút vốn công khai không nhiều. Do không tiếp cận được với nguồn vốn tốt nên khả năng phát triển của các DN còn hạn chế.

DN VN đang đứng trước yêu cầu phải tăng vốn thật nhanh để có thể cạnh tranh với thế giới. Vẫn chưa có thống kê cụ thể về số lượng các DN hùn hạp thành công hoặc thất bại.

Bà Tôn Nữ Thị Ninh: Có phải người VN duy tình hơn duy lý?

Nét khác biệt trong văn hoá hùn hạp giữa doanh nhân VN và doanh nhân các nước là yếu tố quyết định sự thành công cho sự phát triển của dân tộc.

Hùn hạp không chỉ là nhu cầu của các DN nhỏ và vừa mà cả các DN lớn trên thế giới cũng diễn ra quá trình y như vậy.

Khi đề cập đến nhu cầu phát triển, DN tìm đến nhau để hùn hạp, đó là xu thế phù hợp với xu hướng thế giới. Làm thế nào để cân bằng giữa lý và tình trong hùn hạp. Đó là phải hiểu rõ về đối tác cả về thế và lực, đến với nhau phải trên cơ sở của luật pháp.

Về yếu tố “tình”, phải xem xét đến lợi ích quốc gia, thương hiệu quốc gia. Trong thương hiệu quốc gia VN phải hết sức coi trọng chữ tín. Cộng đồng người Hoa làm rất tốt điều này. Phải đàng hoàng trong tư duy khi hợp tác, hùn hạp. Phải chơi đẹp, thể hiện được tính cách của người Á Đông.

Người nước ngoài nhận xét người VN trong thời chiến liên kết rất giỏi, nhưng thời bình thì sao quá rời rạc, ý thức cộng đồng kém. DN VN còn làm ăn nhỏ lẻ nên nhớ rằng chính những con người VN đã từng tạo nên sức mạnh tổng hợp như thế nào. Liên kết trong thời bình không chỉ là lòng dũng cảm mà phải có cả khối óc và con tim.

Ông Trần Sĩ Chương: Văn hoá hùn hạp của doanh nhân VN

Dân mình rất tính toán, nhưng có khi những tính toán ấy đặt không đúng chỗ. Mở mắt dậy đã hùn hạp rồi, hùn công sức chứ không chỉ là tiền bạc. Vấn đề là ta không phải không liên kết mà không biết cách liên kết cho đạt hiệu quả.

Trong “hùn” phải “hạp” phải thích nhau thì mới “hùn” được. Cái thích ấy phải định lượng, định dạng được. Đây là phần cứng cần thiết. Biết mình đang cần gì và xem đối tác có đáp ứng được yêu cầu của mình hay không? Trong thích phải có hạp (hợp). Đây là phần mềm. Phải thành tâm, thành ý, quyết tâm nỗ lực vì mục tiêu chung.

Phải biết nhau thật rõ để có những kỳ vọng đúng về nhau. Hợp tác thất bại vì thất vọng về đối tác là nhiều.

Phải cùng ngồi lại làm việc với nhau thật rạch ròi, đặt ra những câu hỏi khi tình hình kinh doanh không được như mong muốn.

Nhìn lại, văn hoá hùn hạp ở VN đúng là đang có vấn đề, nhưng tôi lạc quan về tính động và môi trường kinh doanh của VN, đang đạt mức tăng trưởng rất tốt. Nhờ giao tiếp với bên ngoài nên DNVN ngày càng "khôn" hơn, nhưng còn đang có nhiều cái khó. Tôi tin không lâu nữa môi trường kinh doanh VN sẽ thay đổi rất nhanh, người quyết định cho sự thay đổi này chính là các doanh nhân. Quyết định trở thành doanh nhân của tôi cách đây 5 năm là đúng đắn.

Ông Lương Văn Lý: Khi hùn mà không hạp

Tôi xin nói đến góc nhìn của đối tác nước ngoài về hùn hạp, liên kết tại VN. Trong con mắt DN nước ngoài, liên doanh có 3 giai đoạn:

Giai đoạn đầu: Không thể không có đối tác VN vì khi ấy, ta đang có những bước đi rất rón rén trong đầu tư nước ngoài, người nước ngoài vào VN rất ngại ngùng và nếu không có đối tác VN cùng làm thì chắc chắn sẽ không thành công.

Giai đoạn thứ hai: khi kinh tế mở hơn, sự chào đón DNNN cởi mở hơn, việc liên doanh chuyển sang giai đoạn: DN trong nước chỉ giữ vai trò giúp tháo gỡ những khó khăn về mặt hành chính: thủ tục đất đai, giấy phép… tâm lý ấy khiến các liên doanh ở giai đoạn này thường không bền, có những liên doanh sau khi tháo gỡ khó khăn thì lý do liên doanh không còn, liên doanh tan rã.

Giai đoạn hiện nay: nhà đầu tư nước ngoài tìm DN trong nước để chia sẻ thị trường và chia sẻ rủi ro là chính. Sự liên kết đã có sự biến đổi về chất, mang tính kinh doanh lâu dài hơn, mở ra những triển vọng rất lớn cho các DNVN.

Thất bại lớn nhất là khi 2 DN đã từng là đối tác với nhau giờ lại không thể nhìn mặt nhau được nữa. Ông bà đã có câu “thua keo này ta bày keo khác”, các DN châu Á thường hay vấp phải thất bại này.

PCT Hiệp hội DN Nghệ Tĩnh: Theo tôi, nền văn hoá DNVN vẫn mang nặng văn minh lúa nước nên còn manh mún. Chủ nghĩa cá nhân xuất phát từ tính anh hùng cá nhân. Tính kín kẽ của miền Bắc, hào phóng của Nam Bộ và thận trọng của mình Trung đã dẫn đến tình trạng hùn hạp lấy tình làm đầu? Vấn đề là tìm ra đâu là nét đặc trưng của văn hóa hùn hạp

Văn hoá trong hùn hạp: khi muốn phát triển phải hùn hạp, muốn ra biển lớn phải liên kết. Thế nhưng khi đã liên kết nhiều DN vẫn muốn mình được phần hơn, “xé rào” những cam kết dẫn đến liên doanh thất bại. DNVN phần lớn từ tay trắng dựng nên, chưa được đào tạo bài bản, vì thế trong cạnh tranh có khi sử dụng những cách thức không đàng hoàng theo kiểu mạnh được yếu thua.

Lê Nết: Ở nước ngoài người VN hợp tác khá thành công hơn là các DN trong nước. Khi biết không hạp thì phải thử nhiều hình thức khác nhau để “hùn”. Khi liên doanh thì phải có lực và không thể đi tắt đón đầu, không thể bỏ qua các bước cân thiết.

DNVN không thể lớn được do không thể tập hợp được những người giỏi, điều đó đúng hay không? Làm thế nào để có được sự hùn hạp lớn trong nội bộ?

Có thể dùng từ “phương thức hùn hạp” thay cho “văn hoá hùn hạp được không”? Hùn hạp thực chất chỉ là sự thoả thuận giữa 2 bên, không nhất thiết phải đặt ra vấn đề văn hoá ở đây.

Trần Sĩ Chương: doanh nhân chúng ta không dốt, biết làm thế nào là đúng nhưng chưa có điều kiện để làm đúng, không nên có mặc cảm là chúng ta thiếu trình độ hơn DN thế giới. Văn hoá tiểu nông có ảnh hưởng đến khả năng tiên lượng một cách có hệ thống, chiến tranh kéo dài, tâm lý sống hôm nay không biết đến ngày mai đã tác động lên nếp sống, nếp nghĩ, nếp làm ăn nhưng điều đó chắc chắn sẽ thay đổi.

Mời các theo dõi tổng kết hội thảo do ông Lương Văn Lý trình bày:

Doanh nhân chia sẻ kinh nghiệm trong hùn hạp, liên kết, hợp tác với nước ngoài

 Từ trái qua: Ông Trần Sĩ Chương, ông Lê Bá  Thông, bà Tôn Nữ Thị Ninh, bà Lê Thị Phương Phượng, bà Dỗ Thị Kim Liên, bà Phan Thị Tuyết Mai, ông Lê Đăng Doanh và ông Lương Văn  Lý - Ảnh Q.T

Bà: Đỗ Thị Kim Liên, Bảo hiểm AAA:

dấn thân vào con đường kinh doanh là chấp nhận gian khổ và thách thức. Ban đầu chúng tôi gặp muôn vàn khó khăn, thế nên chúng tôi xác định phải liên doanh liên kết thì mới phát triển được. Những đối tác có nhiều kinh nghiệm của công ty nước ngoài giúp chúng tôi tiết kiệm rất nhiều thời gian mò mẫm. Kinh nghiệm rút ra là phải xác định rõ mục đích kinh doanh, theo kinh nghiệm của các cụ là “buôn có bạn, bán có phường” và “đôi bên cùng có lợi”.

Ông Lê Bá Thông, Tổng giám đốc công ty cổ phần TTT: Lý do TTT thành công là khái niệm chung thuyền, không có con đường nào khác, phải tin rằng con thuyền mình đi sẽ cập bến. Tất cả các chiến lược lớn đều phải đồng thuận, về chiến thuật thì không ai được can thiệp, kể cả gia đình.

Bà Lê Thị Phương Phượng, Phó Tổng giám đốc công ty cổ phần Vinabico: Sau 10 năm liên doanh với đối tác nước ngoài, Vinabico đã thành công. 2 năm sau liên doanh, doanh số đã tăng gấp đôi. Nhưng sau 10 năm, do đối tác rút vốn đầu tư cho các dự án khác nên vinabico mua lại. Liên doanh là một bước ngoặt đối với Vinabico.

Bà Phan Thị Tuyết Mai: kinh doanh mặt hàng hải sản 22 năm, đã hùn hạp với 6 công ty nhưng thất bại ở trường hợp thứ 7. Cùng với đối tác nước ngoài và 1 đối tác trong nước, chúng tôi dự kiến xây nhà máy trong khu công nghiệp tại Bình Minh, Vĩnh Long. Sự cố cầu Cần Thơ xảy ra, kinh tế đi xuống khiến cho BQL khu công nghiệp không bàn giao mặt bằng đúng tiến độ cho chúng tôi. Với trách nhiệm của mình, tôi quyết định dừng dự án, đó là một quyết định khó khăn nhưng cần thiết và đúng đắn. Kinh nghiệm rút ra là sau khi đóng lại dự án, chúng tôi trở thành những người bạn lớn của nhau và tiếp tục có những hợp tác rất ngoạn mục do tạo được lòng tin với nhau.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
“Hùn” phải “Hạp” thì mới thành công!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO