Hóa ngọt nước mặn

ĐẶNG QUÝ YÊN| 12/07/2012 00:34

Bùi Thị Quỳnh Trang, Vũ Anh Vinh và Trần Bách Trung đã chiến thắng ở lĩnh vực Kỹ thuật điện và Cơ khí tại Hội thi Khoa học và Kỹ thuật Quốc tế Intel năm 2012, giành giải thưởng trị giá 3.000USD.

Hóa ngọt nước mặn

Xử lý nước mặn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc giải quyết tình trạng thiếu nước ngọt hiện nay.

Đọc E-paper

Từ Việt Nam, Bùi Thị Quỳnh Trang, Vũ Anh Vinh và Trần Bách Trung thuộc Trường PTTH chuyên Hà Nội - Amsterdam đã chọn đề tài “Xử lý nước mặn thành nước ngọt bằng kỹ thuật chân không và năng lượng Mặt trời” để nghiên cứu và trở thành những người chiến thắng ở lĩnh vực Kỹ thuật điện và Cơ khí tại Hội thi Khoa học và Kỹ thuật Quốc tế Intel năm 2012, giành giải thưởng trị giá 3.000USD.

Nhóm tác giả giữa bạn bè quốc tế.

Theo nhận xét của các nhà chuyên môn, điểm mới của đề tài là thiết kế được hệ thống xử lý nước mặn bằng cách kết hợp kỹ thuật chân không và năng lượng Mặt trời trong cùng một cụm thiết kế. Năng lượng Mặt trời được cung cấp để duy trì quá trình sôi. Kết quả là thu được nước cất có thể sử dụng cho cuộc sống hằng ngày.

Do vậy, dự án này có tính ứng dụng rất cao tại môi trường biển đảo vốn thiếu nước ngọt. Quỳnh Trang, thành viên nữ của nhóm, cho biết, khi xem các chương trình về đời sống của người lính đảo, đặc biệt là chương trình "Chúng tôi là chiến sĩ", cả nhóm mới biết được nỗi khổ thiếu nước sinh hoạt của các anh.

Thế là khi nhóm trưởng Bách Trung đưa ra ý tưởng, hai người còn lại đều ủng hộ và cả ba nhanh chóng bắt tay vào nghiên cứu. Cơ sở lý thuyết của đề tài bao gồm: lý thuyết về hệ thống bơm - ejector, lý thuyết bức xạ Mặt trời, quá trình truyền nhiệt và độ dịch điểm sôi của nước muối. Những lý thuyết này đã được sử dụng để xác định các thông số hoạt động của hệ thống.

Các thí nghiệm cũng được tiến hành để xác định các thông số làm việc của ejector hút chân không và điểm sôi của nước muối. Ban đầu, cả ba tính toán hệ thống xử lý nước mặn có thể chưng cất được 9,7 lít nước mỗi ngày, nhưng khi tiến hành thí nghiệm mới thấy khả năng cho nước ngọt của hệ thống còn có thể cao hơn.

Trang tiết lộ: “Chúng tôi chưng cất 13,4 lít nước muối trong 4 giờ trong điều kiện thời tiết nắng nóng ở Hà Nội, thu được 7,8 lít nước ngọt. Tỷ lệ thu hồi là 55%”. Như vậy, sự khác nhau giữa mô phỏng lý thuyết và thực nghiệm tương đương 90%.

Ngày sang Mỹ tham dự cuộc thi, cả ba đều rất vui và phấn khích khi được dịp giao lưu với rất nhiều người trẻ tài giỏi trên thế giới. Đó là cậu học trò 15 tuổi Jack Andraka, người tạo ra công cụ phát hiện ung thư tuyến tụy không di căn; là Ari Dyckovsky, 18 tuổi, người nghiên cứu về dịch chuyển lượng tử... “Các bạn ấy đều có kiến thức rộng, khả năng trình bày ấn tượng, lưu loát...”, Trang nhận xét.

Đó cũng chính là điều các bạn trẻ Việt Nam vẫn nhắc mình phải hoàn thiện để trở nên chuyên nghiệp hơn. Năm tới, cả ba bạn trẻ này sẽ bước vào năm học quan trọng nhất của đời học sinh, năm cuối cấp 3, với nhiều kỳ thi quan trọng.

Đề tài nghiên cứu của các bạn vì vậy cũng phải tạm gác lại trong tiếc nuối. “Sau khi đăng ký sở hữu trí tuệ, chúng tôi dự định chuyển đề tài cho trường đại học để đề tài không chỉ dừng lại trên giấy”, Trang chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hóa ngọt nước mặn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO