Hành trình mới chinh phục người tiêu dùng của hàng VN

Nguồn SGTT| 30/09/2009 08:33

Cuộc vận động “Người VN ưu tiên dùng hàng VN”, người tiêu dùng không thể ủng hộ vô điều kiện DN, mà DN phải giành lấy người tiêu dùng.

Hành trình mới chinh phục người tiêu dùng của hàng VN

Theo bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp phải giữ vị trí tiên phong trong cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” vì xã hội, người tiêu dùng không thể ủng hộ vô điều kiện doanh nghiệp, mà doanh nghiệp phải giành lấy người tiêu dùng.

“Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” - Người tiêu dùng không thể ủng hộ vô điều kiện doanh nghiệp, mà doanh nghiệp phải giành lấy người tiêu dùng.

Minh bạch thông tin

Tại buổi họp mặt 15 doanh nghiệp sản xuất nước chấm, gia vị tại hội trường báo Sài Gòn Tiếp Thị, ông Hoàng Xuân Kha, đại diện công ty Thuận Phát cho rằng: “Điều quan trọng nhất để doanh nghiệp Việt Nam có thể thuyết phục người tiêu dùng mua xài hàng của công ty chính là tính minh bạch trong thông tin. Nhà sản xuất phải làm đúng tất cả những gì đã công bố trên bao bì, cũng như những điều đã cam kết…”

Thực tế cho thấy, người tiêu dùng ngán ngại với các sản phẩm nội địa bởi tình trạng sản phẩm kém chất lượng, thành phần không đúng với bao bì nhãn mác quá phổ biến. Các vụ việc sữa ghi trên vỏ hộp 18 – 22% đạm, nhưng kiểm nghiệm thực tế chỉ có 3% đạm, hay nước tương công bố “sản xuất theo phương pháp hiện đại, không chứa chất độc hại an toàn cho sử dụng”, khi kiểm nghiệm có chứa chất gây ung thư 3-MCPD, hay phổ biến hơn là nước mắm ghi trên bao bì 30 – 45 độ đạm, nhưng thực tế chỉ bằng 1/3 mức công bố làm mất lòng tin của người tiêu dùng Việt Nam.

Liên quan đến thông tin công bố trên bao bì sản phẩm, đại diện nhà sản xuất nước tương Nam Dương đặt vấn đề: “Một số sản phẩm hiện nay trên bao bì cứ ghi là công nghệ Ý, Pháp, Mỹ nhưng chẳng ai kiểm tra, chứng thực. Dựa vào đó, quảng cáo đẩy sản phẩm lên mây”.

Ớ một góc độ khác, theo ông Phan Văn Thuận, trưởng chi nhánh miền Nam của công ty thuỷ sản 584 Nha Trang, người dùng trong nước có số mua sắm theo sự trải nghiệm, còn lại bị tác động của quảng cáo, của tin đồn, của khuyến mãi là chính”. Thêm vào đó cơ chế giám sát và kiểm tra chất lượng của các cơ quan quản lý nhà nước còn quá nhiều kẽ hở.

Ông Thuận dẫn chứng về các đợt kiểm tra nước đóng chai có đến cả trăm cơ sở buộc phải đóng cửa do nước nhiễm khuẩn hay bánh trung thu có vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm tra kinh doanh bánh kẹo là có hàng quá đát, bị bóc nhãn mác… Hậu quả là người có hai cách hành xử. Người có tiền, chấp nhận mua hàng nhập khẩu, giá cao để mua sự an tâm. Số khác đành chọn hàng trôi nổi do có giá rẻ.

Trước thực trạng này, bà Phạm Chi Lan cho rằng, đừng đòi hỏi có người tiêu dùng thông minh trong bối cảnh các hàng rào giám sát chất lượng, các cơ sở pháp lý bảo vệ người tiêu dùng còn chưa đủ mạnh. Theo bà Lan, bước đầu, doanh nghiệp phải có trách nhiệm cung cấp thông tin đầy đủ, minh bạch để tạo dựng niềm tin nơi người tiêu dùng.

Bước qua giai đoạn mới

Dưới góc độ người nội trợ, trực tiếp mua sắm cho gia đình hàng ngày, bà Huỳnh Diệu Linh, thuộc hội Phụ nữ quận 6 nói: “Nếu muốn người Việt Nam sử dụng hàng Việt Nam, thì phải có chất lượng đã đành, nhưng phải luôn có mẫu mới, giá cạnh tranh thì quyết định mua hàng của tôi mới không bị người trong nhà phản đối”.

Trước yêu cầu của người tiêu dùng như bà Linh, cũng như sức ép cạnh tranh thời hội nhập, bà Vũ Kim Hạnh, chủ nhiệm câu lạc bộ Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho rằng: “Đã đến lúc các doanh nghiệp Việt Nam, cũng như chương trình Hàng Việt Nam chất lượng cao bước qua giai đoạn mới với phiên bản mới mà ở đó các doanh nghiệp Việt Nam phải thay đổi toàn diện”.

13 năm trước, hàng Việt Nam chất lượng cao khởi động bằng cuộc vận động nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hoá nội địa, sau đó là xây dựng thương hiệu, phát triển mạng lưới phân phối, thì hiện nay, theo bà Kim Hạnh, muốn chinh phục người tiêu dùng trong nước, hàng Việt Nam phải xây dựng chuỗi giá trị bao gồm cả chất lượng, giá cả, thương hiệu, mẫu mã, luôn có sản phẩm và dịch vụ mới.

Không dừng lại ở việc nâng chất lượng, tạo ra sản phẩm và dịch vụ mới, theo ông Phan Quốc Công (công ty ICP), doanh nghiệp còn phải thể hiện được trách nhiệm xã hội qua các hành động cụ thể, nhất quán.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hành trình mới chinh phục người tiêu dùng của hàng VN
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO