Hàng Tết lo sức mua giảm

HỒNG NGA| 02/11/2013 08:15

Mới cuối tháng 10 nhưng hầu hết các doanh nghiệp (DN) đã công bố kế hoạch sản xuất hàng Tết 2014 với sản lượng tăng 20% so với năm trước. Cơ hội kinh doanh lớn nhất trong năm đang đến, kèm theo rất nhiều lo toan của DN.

Hàng Tết lo sức mua giảm

Mới cuối tháng 10 nhưng hầu hết các doanh nghiệp (DN) đã công bố kế hoạch sản xuất hàng Tết 2014 với sản lượng tăng 20% so với năm trước. Cơ hội kinh doanh lớn nhất trong năm đang đến, kèm theo rất nhiều lo toan của DN.

Đọc E-paper

Điệp khúc ghìm giá

Đến thời điểm này, một loạt DN ngành thực phẩm đã công bố kế hoạch mùa Tết. Trong đó, Công ty Bibica đã chuẩn bị đầy đủ nguyên vật liệu và huy động 100% công suất của các dây chuyền sản xuất bánh kẹo Tết.

Dự kiến, vào cuối tháng 11, hơn 1.250 tấn hàng, tăng khoảng 10% so với năm ngoái sẽ có mặt trên các điểm bán toàn quốc. Trong đó, Công ty sẽ tập trung mạnh vào dòng bánh kẹo cao cấp, cạnh tranh với hàng ngoại nhập.

Trong lĩnh vực thực phẩm, Công ty Vissan đã chuẩn bị nguồn hàng trị giá 600 tỷ đồng, tăng 20% so với năm trước. Cụ thể, sẽ có 3.300 tấn thịt heo, 151 tấn thịt bò, 3.670 tấn thực phẩm chế biến các loại (trong đó 1 tháng cao điểm 2.500 tấn) và 1.310 tấn rau củ quả được Vissan đưa ra thị trường trong mùa Tết này.

Tương tự, Công ty Sài Gòn Food cũng lên kế hoạch chuẩn bị 500 tấn thành phẩm, tăng 20% so với năm ngoái. Dịp này, Công ty sẽ tung ra thị trường 11 sản phẩm mới, gồm: 3 mặt hàng đông lạnh, 5 loại cháo và 3 sản phẩm chế biến. Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt thì chuẩn bị lượng hàng tăng hơn 20%, khoảng 5 triệu trứng giá cầm trong tháng Tết.

Theo đánh giá chung, mùa Tết năm nay, do tác động từ kinh tế chung, sức tiêu thụ hàng Tết không tăng trưởng mạnh. Đó là lý do khiến một số DN chuẩn bị khẳng định không tăng giá mà ngược lại còn khuyến mãi, giảm giá để kích thích tiêu dùng.

Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty Vissan, cho rằng, người tiêu dùng đang có xu hướng dè sẻn hơn trong tiêu dùng. Vì vậy, rất khó để DN có thể tăng giá bán trong mùa Tết năm nay. Nhưng để có giá ổn định, các DN phải chuẩn bị nguồn nguyên liệu từ sớm cộng với kế hoạch tiết giảm chi phí, tăng năng suất lao động.

Cũng theo ông Mười, chuẩn bị cho nguồn hàng Tết, Vissan đã ký hợp đồng chăn nuôi với các hộ dân, trang trại nên đến thời điểm này nguồn cung đã có sẵn với chất lượng ổn định.

Bà Lê Thị Thanh Lâm, đại diện Saigon Food cũng cho biết, mặc dù năm nay nguyên liệu sản xuất khan hiếm, giá tăng cao, chi phí khác cũng tăng nhưng Công ty cố gắng kìm giá. "Năm nay, Saigon Food chỉ tăng giá một lần hồi đầu tháng 10, trung bình khoảng 5% và giữ nguyên đến Tết Nguyên đán", bà Lâm khẳng định.

Trong khi đó, Bibica dù đầu tư mạnh cho xu hướng "tăng chất" nhưng đến 30% sản phẩm Tết năm nay của Bibica vẫn giữ giá bằng với Tết năm trước. Còn lại chỉ tăng nhẹ từ 5 - 10%.

Ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, cho rằng, năm nay, nguồn trứng gia cầm sẽ không thiếu do 5 - 6 tháng nay người nông dân đã có lời nên tái đàn nhiều.

Những hộ chăn nuôi cá thể tăng nên có lượng hàng đối trọng với các DN nước ngoài, và vì vậy sẽ khó xảy ra tình trạng "làm giá” từ các DN nước ngoài như năm ngoái.

Nhưng sức mua kém

Theo đánh giá của các DN sản xuất, mọi năm, sức mua năm sau thường tăng hơn năm trước khoảng 20%, nhưng Tết năm nay khả năng chỉ tăng khoảng từ 5 - 10%.

Ông Mười cho biết, do sức mua kém nên nhiều tháng nay, Công ty liên tiếp khuyến mãi giảm giá bán. Trong điều kiện như vậy, để "đẩy" hết số thực phẩm mùa Tết là không dễ.

Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Food, cũng cho biết: "Những năm trước, sức mua tháng Tết cao hơn tháng bình thường từ 50 - 80%, nhưng năm nay chưa thể dự đoán trước được. Vì vậy, dù chuẩn bị nguyên liệu nhưng Công ty không sản xuất tràn lan mà vừa sản xuất vừa theo dõi thị trường để điều chỉnh sản lượng".

Không chỉ khó khăn về sức mua, các DN bánh kẹo trong nước còn phải cạnh tranh với các loại hàng nhập khẩu không rõ chất lượng, hạn dùng từ các nước, nhiều nhất từ Malaysia, có giá khá rẻ.

Ngoài ra, một số dòng bánh cao cấp công bố là nhập khẩu từ châu Âu, nhưng thực chất là sản xuất tại các nước châu Á và đóng gói tại Việt Nam, nhưng được bán với giá rất cao.

Trên thực tế, có một số loại bánh cao cấp của ngoại nhập đã qua hạn sử dụng 12 - 18 tháng (chỉ còn 6 - 12 tháng sử dụng) được đưa về Việt Nam để thay đổi bao bì, bán với giá rẻ hơn 20 - 40%.

Để đối phó với tình trạng này, Công ty Bibica chủ động thay đổi cơ cấu mặt hàng. Thay vì sản xuất nhiều sản phẩm (hơn 60 loại) như trước đây, năm nay Bibica chắt lọc lại những dòng sản phẩm hiệu quả nhất, được khách hàng ưa chuộng, đẩy mạnh chất lượng và hình ảnh sản phẩm theo hướng sang trọng hơn.

"Xu hướng tiêu dùng đang thay đổi nhanh, theo hướng giảm lượng tăng chất. Thay vì mua nhiều như trước đây, nay người tiêu dùng mua ít nhưng chọn sản phẩm chất lượng hơn, mẫu mã đẹp hơn, hàng cao cấp hơn. DN phải điều chỉnh để thích nghi thị trường", bà Ngô Thị Phương Thảo, Giám đốc Đối ngoại Bibica phân tích.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hàng Tết lo sức mua giảm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO