Hàng nhựa Việt Nam vươn tới 70 thị trường nước ngoài

17/08/2010 00:21

Bộ Công Thương dự báo kim ngạch xuất khẩu nhựa năm 2010 lần đầu tiên sẽ đạt 1 tỷ USD.

Hàng nhựa Việt Nam vươn tới 70 thị trường nước ngoài

Bộ Công Thương dự báo kim ngạch xuất khẩu nhựa năm 2010 lần đầu tiên sẽ đạt 1 tỷ USD.

Liên tục trong các tháng đầu năm 2010, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa luôn đạt trên 80 triệu USD mỗi tháng.

Vươn tới 70 thị trường nước ngoài

Hàng nhựa Việt Nam đã có mặt tại gần 70 thị trường trên thế giới

Tổng cộng từ đầu năm, kim ngạch xuất khẩu các loại sản phẩm nhựa của nước ta đã đạt 554,1 triệu USD và được xuất khẩu tới gần 70 thị trường trên thế giới, trong đó có 7 thị trường đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 triệu USD.

Nhật Bản hiện đang là thị trường nhập khẩu sản phẩm nhựa lớn nhất của Việt Nam. Riêng trong nửa cuối tháng 7, kim ngạch xuất khẩu tới thị trường này ước đạt 11,2 triệu USD, chiếm tỷ trọng 26,5% tổng kim ngạch xuất khẩu trong kỳ.

Cùng thời gian, thị trường Mỹ xếp thứ hai với kim ngạch ước đạt 5,7 triệu USD.

Thời điểm trước năm 2009, Mỹ là thị trường xuất khẩu sản phẩm nhựa lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, sau sự kiện chính phủ nước này áp thuế chống bán phá giá đối với các mặt hàng túi nhựa của Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu tới thị trường này đã giảm đáng kể.

Hai thị trường xuất khẩu lớn tiếp theo là Đức và Campuchia với kim ngạch nhìn chung khá ổn định trong các tháng gần đây.

Các sản phẩm dùng trong vận chuyển đóng gói vẫn là chủng loại sản phẩm được xuất khẩu nhiều nhất.

Nhóm ngành bao bì nhựa đạt mức tăng trưởng cao nhất so với mức tăng của các dòng sản phẩm khác do nhu cầu tăng cao với tốc độ tăng trưởng dự báo khoảng 20% vào năm 2010.

Phù hợp với cơ cấu xuất khẩu, cơ cấu sản xuất ngành nhựa cũng đang chuyển dịch theo xu hướng nâng cao tỷ trọng các sản phẩm nhựa bao bì.

Có khả năng xuất khẩu với quy mô lớn hơn nữa

Theo thống kê và đánh giá của Comtrade (Cơ quan Thống kê Liên Hợp Quốc) thì đối với mặt hàng nhựa, Việt Nam là nước có khả năng thâm nhập thị trường tương đối tốt và được hưởng mức thuế thấp hơn hoặc ngang với các nước khác ở hầu hết các thị trường.

Tuy vậy, vấn đề lớn nhất đặt ra là khả năng đáp ứng các yêu cầu từ phía nhà nhập khẩu (chủ yếu về mặt số lượng và chủng loại sản phẩm) còn khá hạn chế.

Do vậy, nếu có thể giải quyết được vấn đề nguyên liệu đầu vào, mẫu mã sản phẩm cũng như đáp ứng được những đơn hàng lớn, mặt hàng nhựa của Việt Nam hoàn toàn có khả năng xuất khẩu với quy mô lớn hơn nữa do nhu cầu của thế giới về mặt hàng này rất cao (tăng trưởng bình quân nhập khẩu trong 5 năm qua trên 7%/năm).

Ngành nhựa Việt Nam phải nhập khẩu 80-90% nguyên liệu đầu vào, trong khi chi phí nguyên liệu chiếm 70-75% giá thành sản phẩm nên biến động tỷ giá hối đoái sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Ngoài ra, biến động giá dầu cũng là một rủi ro.

Một cản trở lớn khác với các DN nhựa hiện nay, theo bà Huỳnh Thị Mỹ - Chánh văn phòng Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA) là quá trình đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp. Với đặc trưng mới vươn lên, các doanh nghiệp của ngành nhựa chủ yếu có quy mô nhỏ và vừa, máy móc chủ yếu là của Trung Quốc với công nghệ ở mức trung bình. Do đó chất lượng sản phẩm còn nhiều hạn chế.

Lãnh đạo một doanh nghiệp sản xuất đồ nhựa cho biết, mặc dù các doanh nghiệp đang được hưởng ưu đãi vay ngân hàng nhưng đó chỉ là vay ngắn hạn, điều mà doanh nghiệp nhựa cần hiện nay là nguồn vốn dài hạn để đổi mới công nghệ.

Để ngành nhựa phát huy tốt lợi thế ổn định của mình trong hoàn cảnh hiện nay, VPA cho biết, ngoài việc giải quyết những khó khăn trong sản xuất, các doanh nghiệp nhựa sẽ đẩy mạnh mở rộng thị trường xuất khẩu sang những khu vực mới như Trung Đông, Nam Phi, Dubai…

Đây là hướng đi cần thiết nhằm tránh tác động do những khó khăn từ các thị trường chủ yếu, đồng thời là cơ sở để ổn định thị trường xuất khẩu về lâu dài.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hàng nhựa Việt Nam vươn tới 70 thị trường nước ngoài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO