Hà Tĩnh: Đi dạy 38 năm không được vào biên chế

LÊ QUỐC CHÂU| 22/11/2011 02:38

Đó là thực trạng về giáo viên Mầm non ở huyện miền núi Hương Khê (Hà Tĩnh). Mấy chục năm cống hiến cho ngành giáo dục tỉnh này, họ đã chứng kiến bao nhiêu thăng trầm của sống, của ngành nhưng họ không nản chí, vẫn một mực yêu nghề, yêu trẻ.

Hà Tĩnh: Đi dạy 38 năm không được vào biên chế

Họ suốt đời hi sinh cho ngành Giáo dục Hà Tĩnh với một mục đích một ngày nào đó được vào biên chế, được hưởng chế độ tiền lương khi về hưu, để tự mình chăm lo cho tuổi già mà không phải làm phiền đến con cháu và xã hội. Nhưng họ càng hi vọng bao nhiêu thì càng tuyệt vọng bấy nhiêu.

Huyện Hương Khê là huyện nghèo được hưởng chính sách 30A của Chính phủ. Toàn huyện có 25 trường mầm non (20 trường công lập, 5 trường bán công), tổng số cán bộ giáo viên là 537, số trong biên chế 432, ngoài biên chế 105, trong đó có 30 cán bộ hành chính, 75 giáo viên. Những giáo viên làm việc làm việc như những cô giáo khác nhưng lương của họ thì chưa đến một triệu đồng.

Họ được đào tạo chuyên môn sư phạm mầm non, yêu nghề mà theo đuổi nghề dạy học và luôn hy vọng một ngày nào đó sẽ được biên chế. Nhưng không phải như vậy, nhiều giáo viên trên dưới 30 năm dạy học, tuổi đã ngoài 50, sức yếu không còn lựa chọn nào khác, chấp nhận đồng lương ít ỏi để mong sao một ngày nào đó được vào biên chế. Nhưng việc họ mong đợi ngày càng trở nên …vô vọng.

38 năm dạy học nhưng không được vào biên chế

Hiệu trưởng Thái Thị Kính trao đổi về hoàn cảnh đáng thương của giáo viên trường mình

Cô Trần Thị Hương, (sinh 1958), Giáo viên Trường Mầm non xã Phúc Trạch (Hương Khê, Hà Tĩnh) sau khi cô tốt nghiệp cấp 2, được Chủ nhiệm hợp tác xã giao nhiệm vụ đi học sơ cấp mẫu giáo.

Sau một năm học tập, cô về quê dạy học. Từ lớp mẫu giáo xóm đến trường mầm non, từ hợp tác xã quản lý đến phòng giáo dục. Đã qua 38 năm làm nghề dạy học tại quê nhà, không biết bao nhiêu lứa học sinh đã qua bàn tay cô chăm sóc, nuôi dạy nhưng cô vẫn bị xếp ngoài biên chế.

Năm 2007, cô được Lãnh đạo phòng Giáo dục vận động ra khỏi ngành với mức trợ cấp một lần duy nhất với số tiền hơn một triệu đồng. Cô không về vì lý do nếu về như thế thì khi tuổi già sức yếu chẳng biết làm gì để có thu nhập, để sống tiếp quảng đời còn lại.

Vì yêu nghề, vì tuổi đã già sức đã yếu, sau 38 năm cống hiến cho nghề, cô tâm sự: “Thật buồn chú ạ! Khi ngành giáo dục thiếu giáo viên mầm non, khi mức lương thấp ba cọc ba đồng, họ kêu gọi, chúng tôi sẵn sàng hị sinh cho ngành, cho trẻ. Nhưng nay khi tuổi xế chiều, sức tàn lực cạn thì chúng tôi lại không được vào biên chế. Nỗi buồn, nỗi tuyệt vọng chúng tôi không ai thấu hiểu chú ạ. Chúng tôi đã kêu lên Phòng Giáo dục Hương Khê, Phòng GD đã kêu lên Sở, lên tỉnh nhưng chẳng động đến tấm lòng trắc ẩn của ai”.

Tờ trình đề nghị chuyển Trường Mầm non Bán công Phúc Trạch sang Công lập của Phòng GD&ĐT Hương Khê

Cô Phan Thị Dân, (sinh 1964), giáo viên Trường Mầm non Phúc Trạch cùng chung số phận. Đầu năm 1981, sau khi tốt nghiệp cấp 3, cô được chủ nhiệm hợp tác xã Phúc Trạch cử dạy học mẫu giáo với một điều kiện: phải lấy chồng trong xã. Cuối năm 1981, cô vào dạy lớp mẫu giáo của xã.

Đến năm 1982, được cử đi học sơ cấp mẫu giáo Nghệ Tĩnh, năm 1984 cô trở về tiếp tục dạy học. Với suy nghĩ phải học để được vào biên chế, năm 1999, sau 18 năm trong nghề, khi tuổi đã cao cô vẫn theo học lớp Cao đẳng sư phạm mầm non tại chức nhưng đến nay cô vẫn ngoài biên chế nhà nước.

Còn cô Phan Thị Mậu (sinh 1966) cũng là Giáo viên Trường Mầm non Phúc Trạch thì hoàn cảnh cũng chẳng lấy gì tốt đẹp hơn. Năm 1983, khi các giáo viên mẫu giáo của xóm được chuyển lên dạy cấp 1, cô được cử vào đứng lớp giảng dạy. Sau ba năm dạy học, cô được cử đi học sư phạm Mầm non.

28 năm trong nghề là 28 năm phấn đấu để học tập với hy vọng được vào biên chế. Hết sơ cấp, đến trung cấp rồi cao đẳng. Bên cạnh học tập là phấn đấu về chuyên môn, bốn năm liên tục từ 2003-2008 cô luôn được công nhận giáo viên giỏi huyện nhưng vào biên chế thì vẫn…chờ đó mà thôi.

Hoàn cảnh bi đát của giáo viên Mầm non ngoài biên chế

Hiện nay, tinh trạng rất nhiều giáo viên Mầm non ở huyện miền núi Hương Khê vào nghề do Hợp tác xã tuyển dụng nên gặp muôn vàn khó khăn. Ban đầu, họ được hợp tác xã trả lương theo định mức xã viên hợp tác xã nông nghiệp với mức thu nhập trả bằng thóc 40 kg /vụ, nghĩa là một tháng được hơn 6 kg nhưng trả bằng cách giao ruộng tự sản xuất lấy sản phẩm, không thu sản lượng. Đến năm 1980, họ mới được hưởng tiền trợ cấp 20 đ/tháng.

Năm 1982, Ngành học mẫu giáo được chuyển cho Phòng Giáo dục quản lý được cấp 80đ/tháng từ ngân sách nhà nước 50đ, từ ngân sách xã 30đ. Mãi đến năm 2002, thì mới được trả lương 250.000đ/thamgs từ 3 nguồn: ngân sách nhà nước, ngân sách địa phương và từ nguồn thu học phí. Hiện nay, các giáo viên Mầm non nơi đây được nhận 852.000đ/tháng (chưa trừ bảo hiểm) trong đó 611.000 từ ngân sách nhà nước, 241.000 từ ngân sách địa phương.

Danh sách giáo viên Trường mầm non bán công Phúc Trạch

Cô Trần Thị Hương mất mẹ từ năm 20 tuổi, cô phải thay mẹ nuôi 7 đứa em ăn học và dựng vợ gả chồng. Tuổi xuân đi qua, mãi năm 34 tuổi, cô mới lấy một người đàn ông tật nguyền. Sinh 2 đưa con, đứa đầu mới học lớp 12, đứa sau học lớp 9 đều phải nghỉ học đi lao động kiếm sống. Thu nhập chính của gia đình chỉ trông chờ vào đồng lương ít ỏi của cô.

Với cô Phan Thị Mậu thì việc được vào biên chế là hy vọng của cả gia đình nên cô được cả gia đình ưu tiên hết sức. Chồng cô bỏ việc ở một xí nghiệp đá về chăm lo việc nhà để vợ phấn đấu. Cô đi học, đi thao giảng đều có chồng đi theo giúp đỡ. Sinh 4 người con, hai con gái đã lấy chồng, con trai gần tốt nghiệp đại học mà biên chế của mẹ chỉ vẫn là sụ mong mỏi, đợi chờ.

Còn Cô Phan Thị Dân giữ đúng cam kết với xã lấy chồng ở quê, cũng sinh 4 con, hai đứa con đang đi học, 1 đứa chưa có việc làm. Để có thêm tiền nuôi con ăn học cô phải làm thêm rất nhiều việc vào ngày nghỉ như đóng gạch, đào giếng, phụ hồ…và hy vọng vào biên chế để cuộc sống đỡ khó khăn.

Cô Hương vì mới đào tạo chuyên môn sơ cấp nên ngay quyền được đóng bảo hiểm của cô cũng rất khó khăn, mãi nên đến năm 2007( sau 31 năm trong nghề) cô mới “đòi” được quyền đóng bảo hiểm cho mình. Như vậy là với tuổi 53, còn hai năm công tác nữa, cô mới được đóng bảo hiểm 4 năm, khi rời bục giảng cô còn thiếu 14 năm mới được hưởng lương hưu theo luật bảo hiểm là phải đóng 20 năm.

Đề nghị của HĐND xã Phúc Trạch về chuyển đổi Trường Mầm non Phúc Trạch sang công lập

Với cô Mậu, cô Dân may mắn hơn vì có bằng cao đẳng, nên được đóng bảo hiểm từ năm 2002 (trước cô Hương 5 năm). Dù thế đến khi về hưu (cô Dân 2019, cô Mậu 2021) đều chưa đủ năm nộp bảo hiểm 20 năm để hưởng 45% lương tối thiểu nhân với hệ số 1,86 nghĩa là vào khoảng hơn 600.000đ/tháng

Mơ ước xa vời

Tâm sự với chúng tôi, cả ba cô Trường mầm non Phúc Trạch vừa nói vừa khóc nghẹn ngào trong nước ngay trong phòng Hiệu trưởng nhà trường: “Các chị đã trên dưới 30 năm đi dạy chỉ mơ ước một điều: được vào biên chế. Nhưng có lẽ các chị đến tuyệt vọng thôi chú ạ”.

Cô Thái Thị Kính, Hiệu trưởng Trường Mầm non Phúc Trạch (Hương Khê, Hà Tĩnh) cùng thế hệ với các cô đã nhận quyết định nghỉ hưu ý tứ nói với chúng tôi: “Đừng hỏi, tội lắm em ạ! Mỗi khi nghe ai đó được biên chế là ba chị em ôm nhau khóc. Nhiều em là học trò đáng tuổi con mới vào nghề vài ba năm nếu dạy ở trường công lập đã được biên chế còn các cô thì vẫn chờ. Không biết còn hy vọng không anh?”.

Nhà giáo ưu tú Lê Ngọc Minh - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo Hương Khê (Hà Tĩnh) cho biết: “Lý do các cô giáo này không được vào biên chế là do Trường Mầm non Phúc Trạch, một xã nghèo của huyện Hương Khê lại không được chuyển thành trường Mầm non công lập, mà vẫn là trường Mầm non Dân lập.

Lẽ ra, đối với huyện miền núi được hưởng cơ chế 30A cho huyện nghèo thì theo Quyết đinh 11 của Bộ GD&ĐT thì những loại trường như thế được chuyển từ Trường Mầm non Bán công, Dân lập sang công lập. Nếu chuyển được như thế thì các cô giáo này được vào biên chế. Phòng đã nhiều lần đề xuất với Sở GD&ĐT Hà Tĩnh, thậm chí với HĐND tỉnh Hà tĩnh rồi nhưng không biết họ làm như thế nào mà vẫn chưa được”.

Nhà giáo Hoàng Hồ - Chuyên viên Phòng GD&ĐT Hương Khê thì bức xúc nói: “Chuyện các cô giáo mầm non ngoài biên chế chẳng khác gì chuyện “đem con bỏ chợ”. Khi cần thì tuyển họ vào cho được nhưng đến khi không cần nữa thì thải họ ra một cách không thương tiếc. Đây là lỗi cơ chế, là sự bất cập của cả ngành học mầm non hiện nay”.

Cô Hương, cô Mậu cô Dân chờ đợi biên chế trong ánh mắt mỏi mòn, tuyệt vọng

Không thể đổ lỗi do cơ chế vì nó là do con người đặt ra, thiết nghĩ nguyện vọng của các cô giáo trường Mầm non Phúc Trạch là rất chính đáng! Mong rằng, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh, HĐND tỉnh Hà Tĩnh sớm xem xét, và giải quyết thấu tình đạt lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hà Tĩnh: Đi dạy 38 năm không được vào biên chế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO