Giúp doanh nghiệp vượt khó: Gỡ từng bước...

K.N - LÊ LOAN| 13/03/2012 02:03

Sáng 13/3/2013, tại Khách sạn Kim Đô (Q.1, TP.HCM), lãnh đạo TP.HCM đã có cuộc gặp với hơn 300 doanh nghiệp (DN) hội viên Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) và các hội ngành nghề, nhằm trao đổi về những khó khăn, vướng mắc mà DN đang gặp, cũng như tiếp thu những kiến nghị của cộng đồng DN.

Giúp doanh nghiệp vượt khó: Gỡ từng bước...

Sáng 13/3/2013, tại Khách sạn Kim Đô (Q.1, TP.HCM), lãnh đạo TP.HCM đã có cuộc gặp với hơn 300 doanh nghiệp (DN) hội viên Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) và các hội ngành nghề, nhằm trao đổi về những khó khăn, vướng mắc mà DN đang gặp, cũng như tiếp thu những kiến nghị của cộng đồng DN.

>> Lãnh đạo TP.HCM chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp

Đại diện hội ngành nghề chia sẻ khó khăn tại hội nghị - Ảnh: Quý Hòa
Doanh nghiệp phản ảnh

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, hiện nay toàn thành phố có khoảng 60% doanh nghiệp nhỏ và vừa sản xuất sút kém, chỉ khoảng 20% doanh nghiệp có cơ hội vượt qua khủng hoảng.

Các doanh nghiệp đang đối diện với hàng loạt khó khăn, trong đó thiếu vốn cho sản xuất - kinh doanh là một trong những vấn đề bức xúc nhất. Hàng loạt công trình, dự án đầu tư đình trệ, lãi suất ngân hàng dù có giảm nhưng vẫn ở mức cao và doanh nghiệp khó tiếp cận.

Theo thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn thành phố năm vừa qua có hơn 10.000 doanh nghiệp giải thể, ngưng hoạt động. Đây là con số doanh nghiệp đóng cửa cao nhất trong 20 năm qua. Và theo các chuyên gia, năm nay nền kinh tế còn tiềm ẩn nhiều khó khăn.

Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu Đan TP.HCM, Tổng giám đốc Công ty May Sài gòn 3, cho biết, mặc dù kim ngạch ngành dệt may đứng đầu cả nước với 13,8 tỷ USD, tăng trên 25% so với cùng kỳ năm 2010, nhưng đây cũng là ngành được đánh giá thâm dụng lao động cao. Hiện, do ảnh hưởng khủng hoảng tại Châu Âu, nhiều đơn hàng đang bị khựng lại, số lượng đơn hàng mới cũng suy giảm khoảng 30%. Vì vậy, DN ngành dệt may đang rất bị động trong kế hoạch sản xuất, xuất khẩu. Tình trạng co cụm do thiếu đơn hàng là dấu hiệu rất dễ nhận thấy ở các DN dệt may hiện nay, ông Hồng nói.

Trong khi đó, ông Phạm Hưng, Giám đốc đối ngoại Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng cho biết, tình trạng chung của DN dệt may là hàng tồn kho nhiều, thiếu vốn.

Ông Huỳnh Văn Hải, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hóc Môn chia sẻ, hiện không ít DN trú đóng trên địa bàn huyện bị thu gọn chỉ còn 3 - 5 công nhân, thậm chí giám đốc suốt ngày lang thang quán cà phê do đến thời gian đáo hạn ngân hàng nhưng DN không có khả năng thanh toán. “Trước đây, khi biết thông tin về quỹ hỗ trợ tín dụng, vốn, chúng tôi có thiết lập dự án thay đổi khoa học công nghệ, và cũng thông qua quỹ hỗ trợ tín dụng. Nhưng đến nay, chúng tôi vẫn chưa có hồi đáp nào, mà chỉ luôn phải đi giải đáp những thắc mắc: liệu có bao nhiêu sản phẩm mới, có bao nhiêu hợp đồng, bao giờ hoàn lại vốn...”, ông Hải nói.

Trước tình hình này, đại diện các DN dệt may đề nghị lãnh đạo TP xem xét để có cách kiến nghị giảm mức thuế thu nhập doanh nghiệp và phí công đoàn cho DN xuống 1% (hiện phí công đoàn là 2%).

Ngoài ra, ông Nguyễn Phương Nam, Tổng giám đốc Công ty Robot cũng cho rằng, các DN đang gặp khó khăn với phí bảo hiểm xã hội, khi chính sách hiệu chỉnh mức lương cơ bản lên 2 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, lại có thông tin truyền thông cho rằng đầu năm 2012, các DN tuyển dụng nhân viên với mức lương từ 3,5 - 4 triệu đồng/tháng. Thông tin này đã tạo tâm lý so sánh ở người lao động. Và cuối cùng DN “hưởng hết”: vừa chịu áp lực từ người lao động, vừa phải gồng gánh thêm phí bảo hiểm xã hội.

Nhiều DN bất động sản cũng đồng loạt than khó trong chính sách giá đất, giá đền bù và giá thành sản phẩm... Theo đó, những ách tắc do chính sách đã tác động không nhỏ đến quá trình hoạt động của DN.

Lãnh đạo gỡ vướng

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Mạnh Hà (giữa) phát biểu tại hội nghị - Ảnh: Quý Hòa


Theo đánh giá sơ bộ của HUBA, hiện 60% doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa sản xuất sụt kém, không đủ vốn duy trì sản xuất. Hiện, chỉ có khoảng 20% DN có cơ hội vượt qua khủng hoảng. Trước tình hình này, HUBA cũng đã tập hợp một số khó khăn liên quan đến tình hình hoạt động của DN cụ thể: chí phí nguyên vật liệu, chính sách thuế, tình hình xuất khẩu, mức lương vùng tối thiểu tại Nghị định 70/2011/NĐ-CP, mặt bằng sản xuất kinh doanh, nguồn lao động, thủ tục hành chính... để đệ trình các cấp lãnh đạo.

Giải đáp thắc mắc cho DN, đại diện cơ quan thuế, ông Nguyễn Trọng Hạnh - Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM cho biết, số DN khai lỗ năm 2011 tăng 15% so với 2010. Theo đó, một số ngành có hàng tồn kho lớn như bất động sản, xây dựng, đã dẫn tới sức cạnh tranh hàng hóa giảm và nguồn thu ngân sách cũng giảm. Hơn 50% DN trong lĩnh vực này có thu nhập doanh nghiệp âm, cho thấy tình hình đang rất xấu.

Theo ông Hạnh, cần xem xét lại hoạt động của các ngân hàng, bởi báo cáo của các ngân hàng cho thấy, hiện nay các ngân hàng cung cấp tín dụng cho nhau nhiều hơn là cho DN.

Nói về vấn đề hoàn Thuế, ông Hạnh cho biết, thủ tục này rất đơn giản và không tốn bất cứ chi phí nào. Cụ thể, DN làm hồ sơ hoàn thuế gửi theo đường bưu điện đến cơ quan thuế, sau 16 ngày nếu chưa có phản hồi, DN có quyền làm đơn thì gửi thẳng Cục trưởng Cục Thuế.

Về dự nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, theo ông Hạnh, không bắt buột dự nộp năm sau phải cao hơn năm trước. Do đó, DN có quyền dự báo theo tình hình thực tế, để phản ánh đúng, sát với tình hình của DN.

Theo đó, ông Hạnh cũng kiến nghị, nếu được, nên miễn hoàn toàn thuế thu nhập doanh nghiệp cho DN. Bởi thực tế, chính sách giảm, giãn thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời gian qua hiệu quả không cao, rất ít DN tiếp cận được.

Liên quan đến vấn đề đất đai, ông Huỳnh Khánh Hiệp - Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM đề nghị nên có một buổi gặp gỡ bàn sâu về Nghị định 69 để tháo gỡ khó khăn cho DN.

Sau khi nghe ý kiến của các DN, ông Lê Mạnh Hà, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, cải cách hành chính rất quan trọng, song cái cần vẫn là cải cách lương tâm, cái cách trách nhiệm của người thực hiện, thực thi chính sách. Có như vậy mới củng cố được niềm tin của DN.

Phó chủ tịch cũng khuyến khích các sở, ngành, hội ngành nghề tiếp tục tập hợp kiến nghị của DN một cách thường xuyên. Qua đó, lãnh đạo thành phố sẽ kết hợp với các sở, ngành để giải quyết trong thẩm quyền mỗi tuần một lần, nếu vượt ngoài thẩm quyền thì sẽ kiến nghị lên các Bộ, ngành trung ương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giúp doanh nghiệp vượt khó: Gỡ từng bước...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO