"Giờ vàng" của tổ ấm

28/06/2012 00:47

Vòng xoáy của cuộc sống hiện đại khiến giềng mối gia đình đang phải chịu nhiều áp lực. Khi đã lạc mất nhau, sự hối tiếc lớn nhất của nhiều người trong cuộc chính là đã không dành thời gian cho gia đình. Ai đã “cắt xén” thời gian ấy: hoàn cảnh hay chính chúng ta?

Khơi “vàng” - giảm “rác”

Mỗi gia đình có cách hiểu và duy trì giờ vàng khác nhau. Giờ vàng có thể là đầu ngày thứ Ba - Năm - Bảy như gia đình nhà báo Đông Quân (phụ trách chương trình "Chào ngày mới" của Đài Truyền hình TP.HCM) hay vào các bữa ăn tối như đại gia đình 12 thành viên của bác Nguyễn Ngọc Động (hưu trí, ở Q.Thủ Đức)…

Giờ vàng cũng có thể là cái ôm vồ vập của con khi thấy chị Lê Hồng Thanh (Công ty Dịch vụ công ích Q.8) về nhà sau ca quét đường; có thể là dòng tin nhắn, điện thoại, email từ xa của cô Nguyễn Thị Ly (công nhân viên ở Q.Tân Phú) cho chồng ở nhà...

Từng câu chuyện mang màu sắc khác nhau nhưng đều quy về mẫu số chung: “Giờ vàng chỉ thực sự là “vàng” khi mỗi thành viên dành cho nhau sự yêu thương”. Sự gượng ép, chịu đựng hoặc đóng kịch chỉ là vàng giả. Nguy hiểm nhất là giao tiếp giữa các thành viên theo kiểu hời hợt, qua loa cho có, cho xong mà không xuất phát từ thực tâm. Có khi đông nhưng không đủ (thiếu cái tình), mọi người không cảm nhận mình đang gần nhau. Mạnh ai nấy rúc vào “chiếc hộp” của mình, cha đọc báo, mẹ chat, con nghe nhạc. Hội chứng “cơm tô” (mỗi người bới một tô cơm, ăn một mình) cũng là một cách tự đánh cắp cơ hội vun đắp tổ ấm.

Vợ chồng nhà báo Đông Quân

Theo tiến sĩ xã hội học Nguyễn Minh Hòa (Giảng viên Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM): “Ngày nay, sự ít giao tiếp giữa các thành viên trong gia đình khiến những suy nghĩ riêng không được chia sẻ, giải tỏa, bế tắc tích hợp đến mức nào đó sẽ đánh văng mỗi người một nơi. Sự chia sẻ của con người được hỗ trợ bởi công nghệ thông tin, nhưng chính kỹ thuật công nghệ cao là kẻ thù của các mối quan hệ tình cảm”.

Tuy nhiên, nhà báo Đông Quân lại đưa “bằng chứng” cụ thể là gia đình anh càng hạnh phúc, gắn bó khi được tiếp sức bởi “người bạn công nghệ” tiện ích này. Vợ chồng được giải phóng sức lao động, giải quyết công việc hiệu quả hơn, tiết kiệm thời gian hơn, tăng cơ hội quan tâm, giao tiếp với nhau. Một ngày của anh bắt đầu từ… 21g của ngày hôm trước. Anh sắp xếp, lên lịch để cân bằng công việc bên ngoài và việc nhà, không bao giờ bị động đến mức lỗi hẹn với vợ con. Với anh, việc sử dụng tiện ích hoàn toàn tích cực, miễn là không lệch lạc, không chỉ phục vụ niềm vui cá nhân, mà là tạo niềm vui chung cho cả nhà. Khoảnh khắc vui vẻ nhất của gia đình anh lại bắt nguồn từ đam mê “săn phim” của anh. Cả nhà cùng quây quần bên nhau xem phim, bình luận và hiểu nhau hơn. Việc quản lý con cái cũng thuận lợi. Khi tận dụng những trang web giúp con học tốt, anh chị có thể dõi theo kết quả của con.

Theo người dẫn chương trình Phương Thảo, để hạnh phúc, mỗi người cần giữ hai “lửa”: ngọn lửa đam mê dành cho công việc và ngọn lửa đầm ấm trong bếp nhà mình. Tuy nhiên, hai ngọn lửa này lắm lúc không chung sống thuận hòa và dễ “đốt” nhau, nguyên nhân cốt yếu vì cả hai vợ chồng đều tiêu tốn thời gian cho công việc.

Lúc mới cưới, Thảo vui mừng, tự hào về ông chồng mê việc. Thảo hào hứng chia vui khi nghe chồng (bác sĩ Nguyễn Minh Hảo Hớn - BV Tai Mũi Họng TP.HCM) kể về những ca mổ thành công. Tuy nhiên, về sau, nhận thấy những bất ổn, Thảo nỉ non khuyên chồng nên dành thời gian nhiều hơn cho vợ con. Thậm chí, chị còn âm thầm bỏ lá thư nhỏ gửi gắm mong muốn này vào bóp của chồng. Xót lòng khi để chồng ăn cơm hộp mấy ngày liền, Thảo cố gắng tranh thủ thời gian vào bếp tự tay nấu. Có đến 95% bữa cơm của bác sĩ Hớn hiện nay là do Thảo nấu. Anh Hớn cũng tự nguyện cắt giảm những thú vui riêng của mình để bù đắp cho vợ. Anh chờ vợ về dù chương trình trực tiếp quá khuya, anh giảm chơi tennis, chơi đàn, không mở phòng mạch tư để ở nhà nhiều hơn với vợ con.

Gộp “vàng”

Vợ chồng MC Phương Thảo

Các con cháu của bác Nguyễn Ngọc Động - Trần Thị Tuyết đều đã lập gia đình, người ở chung, người ở riêng nhưng mỗi ngày đều tụ họp về nhà cha mẹ ăn tối. Hai bác đưa ra một nguyên tắc bất di bất dịch: trừ khi con công tác xa, nếu ở TP.HCM thì phải về nhà ăn cơm vào lúc 18 - 19g, ai bận việc đột xuất phải gọi điện báo; cả nhà xem chung tivi ở phòng khách. Gia đình có một trang trại ở Đồng Nai, mỗi tháng đại gia đình cùng lên nghỉ một ngày Chủ nhật.

Trước câu hỏi, liệu những nguyên tắc giờ vàng có khiến các thành viên trẻ tuổi cảm thấy nặng nề, gò bó, bác Động chia sẻ: “Dù quy định nghiêm ngặt về thời gian nhưng ai cũng hưởng ứng khi hiểu được giá trị của việc gắn kết tình cảm. Vả lại, nếu tạo không khí thoải mái, cởi mở thì giờ vàng thực sự là thời điểm thú vị, hạnh phúc cho mọi người”. Ăn cơm sáng ở nhà, các con của bác Động còn giở theo cả cơm mẹ nấu vào cơ quan để ăn trưa cho ngon, bổ, rẻ, sạch và đặc biệt là cảm nhận được hơi ấm gia đình.

Cũng với giải pháp “gộp vàng”- các gia đình hạt nhân cùng chung vui ở đại gia đình như nhà bác Động là gia đình cô Nguyễn Thị Ly. Tuy nhiên, “giờ vàng” ở đây được hình thành một cách tự nhiên, qua cách giáo dục các con từ nhỏ, qua việc hình thành nếp nhà: mỗi thành viên đều quan tâm, gắn bó, chia sẻ với nhau.

Cô Ly không nhớ từ lúc nào, gia đình các chị em của cô đã tụ họp về nhà mẹ ruột cô vào ngày Chủ nhật. Nồi bún riêu, hủ tiếu, cà ri chỉ là cái cớ, đến ngày này, mọi người đều thôi thúc ý muốn được gặp nhau. Cánh đàn ông tụm lại bàn luận thời sự, bóng đá; phụ nữ hỏi han chuyện con cái; còn thanh thiếu niên thì trò chuyện tình yêu, học hành, vui chơi… Cái nếp này được hình thành từ lúc mẹ cô còn khỏe. Giờ mẹ cô đã ở tuổi 80, bị tai biến nằm liệt mười mấy năm nay.

“Mẹ tôi sống được nhờ con cháu yêu thương bà và quây quần, hội tụ. Giờ vàng của đại gia đình là liều thuốc vàng cho mẹ tôi. Dù mẹ bệnh nặng, không nói được, nhưng niềm hạnh phúc vẫn sáng lên trong ánh mắt khi con cháu đoàn kết, gắn bó nhau”, cô Ly chia sẻ.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa, tiến sĩ - nhà báo Hoàng Mai đều có chung nhận định, giờ vàng không nhất thiết phải được tổ chức tại nhà. Đó có thể là những khoảnh khắc các thành viên dành cho nhau ngay cả khi họ ở xa nhau, nhưng có những cách riêng để cùng thụ hưởng cảm giác ấm áp. Người vợ ở nhà một mình, o bế nồi cá kho và nghĩ đến chồng. Đó là giờ vàng. Người chồng đi công tác xa, chọn một chiếc áo hợp với vợ và gửi về nhà những dòng tin nhắn nhớ nhung. Đó là giờ vàng.

Tuy nhiên, chị Lê Hồng Thanh - anh Đặng Trí Đức lại nêu cao sự gần gũi “bằng xương bằng thịt” giữa các thành viên. Có khi mình mẩy lấm lem sau ca quét đường, chị về nhà, con gái lại ôm chầm. Chị bảo con “khoan ôm”, nhưng lại giật mình, rớm nước mắt khi hiểu con nhớ và cần mẹ. Vợ chồng làm cùng công ty nhưng lệch ca (vợ làm đêm, chồng làm ngày), anh chị lại cảm ơn hoàn cảnh “tréo ngoe” vì đã giúp họ quý trọng thời gian bên nhau. Khi có giận hờn, hiểu nhầm, trong khoảng thời gian ít ỏi, anh vội xin lỗi vợ vì không muốn chị bận tâm khi vác chổi ra đường với bao khó nhọc, hiểm nguy.

* Nhà báo Hoàng Mai: Giờ vàng là khi mỗi người dành cho nhau thời gian. Ai không cho thì người đó cũng không được nhận. Mỗi cá nhân phải thực sự được thụ hưởng chất lượng của khoảnh khắc vàng.

* Tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa: Giờ vàng chỉ thực sự có ý nghĩa khi các thành viên dành cho nhau sự quan tâm, chia sẻ, mang đến cho nhau tình yêu thương.

Nhiều người đổ lỗi do có ít thời gian nên không thể quan tâm, chăm sóc gia đình. Tuy nhiên, mỗi người đều có 24 giờ mỗi ngày. Có giờ vàng hay không, chất lượng vàng đến đâu là ở sự ưu tiên của mình. Mỗi gia đình sẽ có giải pháp riêng để nâng cấp giờ vàng, vấn đề cốt lõi là bạn có chú trọng điều ấy hay không.

Hầu hết mọi người đều cho rằng, “giờ vàng” hay “giờ rác” chủ yếu là do người phụ nữ - nội tướng của gia đình, nhưng trên thực tế, vẫn có nhiều chị bị cuốn hút theo sự thăng tiến, giao trách nhiệm làm mẹ, làm vợ cho người giúp việc, cho cô giáo; không ít người chồng cũng không là điểm tựa xứng đáng cho vợ mình.

“Chăm cho gia đình như chăm cái cây, phải vun phân tưới nước hằng ngày. Nếu lười chăm thì khó mong cây sống, chứ đừng nói là cho trái chín” - lời ví von của cô Ly vừa thể hiện sự kỳ công, vừa khẳng định cái hậu ngọt ngào của việc dành thời gian cho tổ ấm.

Vợ chồng cùng là doanh nhân vẫn "không lỗi hẹn với gia đình"

Bận rộn việc kinh doanh, nhưng vợ chồng chị Nguyễn Thị Diễm Hằng - chủ Mimi spa và anh Đỗ Minh Tiến - Giám đốc Công ty TNHH Trăng Xanh, có một nguyên tắc, hễ hai vợ chồng cùng có mặt ở TP.HCM thì bữa cơm gia đình phải luôn đảm bảo. Việc gì cũng cần bàn bạc, thống nhất với nhau, tôn trọng nhau. Chồng có việc kinh doanh riêng, vợ cũng tất tả với mấy spa lớn tại trung tâm thành phố, thế nhưng họ sẵn sàng tạm dừng công việc để cùng nhau đưa con đi chơi, làm từ thiện.

Anh Tiến nói: “Sự riêng tư, những giây phút sống cho mình là điều rất cần cho mỗi thành viên gia đình hiện đại; song cơ hội kiếm tiền, cơ hội học hành, thăng tiến không phải dễ mà có được. Nhưng nếu cứ quá đề cao những cái riêng, lao theo cơ hội, sẽ có lúc bạn bị mất đà”.

Anh Tiến vẫn thường bế con, xách túi đi theo vợ vào các bệnh viện nhi để giúp đỡ trẻ em nghèo. Những lúc rảnh rỗi, anh không ngại xuất hiện ở nơi làm của vợ (vốn là nơi lui tới của phụ nữ) ngồi trông con, chơi đùa với con để chờ vợ xong việc và cùng nhau đi ăn. Anh tâm sự: “Nếu cứ vin vào cái cớ bận rộn mà không dành thời gian cho vợ con, thì tôi có nhiều “cớ” lắm. Nhưng làm được một lần như vậy thì sẽ có nhiều lần thế. Cho nên với gia đình, với bữa cơm chung, tôi ít khi nào dám “lỗi hẹn”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
"Giờ vàng" của tổ ấm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO