Giá đường và trách nhiệm của nhà quản lý!

VÂN ANH| 27/11/2009 08:43

Giá đường ở nước ta đang nhóng tới trên dưới 18.000 đồng/kg (1USD/kg). Vụ mía đường 2007-2008, giá đường trắng tinh luyện (RE) trên thị trường thế giới dao động ở mức 590 - 600USD/tấn.

Giá đường và trách nhiệm của nhà quản lý!

Giá đường ở nước ta đang nhóng tới trên dưới 18.000 đồng/kg (1USD/kg). Vụ mía đường 2007-2008, giá đường trắng tinh luyện (RE) trên thị trường thế giới dao động ở mức 590 - 600USD/tấn.

Năm nay, giá đường còn tăng cao hơn do hạn hán ảnh hưởng tới sản lượng mía của Ấn Độ - nước tiêu thụ đường lớn nhất thế giới, và mưa to làm giảm sản lượng và chất lượng mía tại Brazil - nước sản xuất đường lớn nhất thế giới. Giá đường tại VN ở mức cao cũng là do xu hướng này?

Đường lậu bị tịch thu tại vùng biên giới An Giang

Đầu tháng 11/2009, giá bán đường tinh luyện tại các siêu thị ở TP. Cần Thơ tăng trung bình 300 đồng/kg, dao động từ 15.700 - 16.000 đồng/kg. Riêng đường RE Biên Hòa giá bán tăng 500 đồng/kg (16.900 đồng/kg). Người phụ trách Co.opMart Cần Thơ thấy giá bán lẻ ngoài thị trường cao hơn giá tại siêu thị, đã lẹ lẹ khống chế lượng hàng bán ra và ngưng áp dụng giá bán sỉ.

Mắt xích “quyền uy nhất” trong chuỗi giá trị mía đường là thương lái mía. 70% mía nguyên liệu được thương lái cắt giá, giao tiền ứng trước với giá thấp từ vài tháng trước khi đốn mía, rồi làm giá với các nhà máy đường. Tại sao nông dân trồng mía lại chấp nhận giá mía thấp hơn 800 đồng/kg?

Vì nhiều gia đình quá nghèo, chỉ vài công mía, chưa biết giá trồi sụt thế nào nên hễ cần tiền là bán. Giá mía hiện nay có nơi đã tới 870 đồng/kg, nhưng người trồng mía hưởng lợi không nhiều. Dân trồng mía phàn nàn: Rất ít công ty mía đường nhà nước trực tiếp bàn bạc với dân kế hoạch trồng mía nên mặc sức cho thương lái đẩy giá lên để nắm luôn sản lượng mía. Các nhà máy đường muốn gì phải nói chuyện phải quấy với họ.

Niên vụ mía đường 2008-2009, tổng diện tích mía cả nước chỉ khoảng 270.600ha, giảm 36.000ha so với vụ trước. Tổng sản lượng đường khoảng 995.000 tấn, giảm 20%. Hiệp hội Mía Đường Việt Nam cho biết: Đến ngày 15/9/2009, các nhà máy đường còn tồn kho 58.700 tấn đường cát trắng, 35.000 tấn đường RE. Đường nhập khẩu vẫn còn hơn 100.000 tấn, nhưng khi giá đường trên thị trường lên cao thì không DN nào chịu bán giá thấp, dù dã có lãi khá.

Theo lực lượng chống buôn lậu tỉnh An Giang, mỗi ngày có khoảng 350 - 400 tấn đường lậu vượt biên giới bằng đường thủy, đường bộ; sau khi tập kết vào kho những đầu nậu thì đổi lốt thành hàng nội để bán giá cao. Thủ đoạn cũ nhưng hữu hiệu của họ là thủ sẵn phiếu xuất kho, phiếu giao hàng của những nhà máy đường ở đồng bằng sông Cửu Long để hợp thức hóa đường nhập lậu thành đường nội.
Lần đầu tiên, các nhà máy đường ở đồng bằng sông Cửu Long đã nghĩ ra cách luân phiên tạm ngừng hoạt động trong 10 ngày để nhường mía cho nhau, vậy mà vẫn không đủ mía nguyên liệu.

Hiệp hội Mía Đường Việt Nam cảnh báo, khi 26 nhà máy trong cả nước sản xuất, sản lượng đường có thể đạt 90.000 - 100.000 tấn/tháng, tức cung đủ cầu, chắc chắn giá sẽ thay đổi. Tuy nhiên, cuối tháng trước, 10 nhà máy đường tại đồng bằng sông Cửu Long xuất được hơn 35.000 tấn đường từ 478.000 tấn mía, cộng lượng đường tồn kho khoảng gần 39.500 tấn và 27.000 tấn đường nhập khẩu còn lại, nhưng giá đường vẫn cao. Nhiều đại lý nói, giá đường cao cũng phải vì không biết giá điện, giá xăng và những chi phí khác sẽ tăng như thế nào, nên cứ bán giá cao để dự phòng!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giá đường và trách nhiệm của nhà quản lý!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO