Giá cả thị trường: Cần góp sức từ nhiều phía

14/03/2011 09:45

Đã có nhiều cam kết kiểm soát giá cả thị trường từ nhà chức trách đến người dân để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Chủ trương này được thực hiện như thế nào và thực tế giá cả diễn biến ra sao?

Giá cả thị trường: Cần góp sức từ nhiều phía

Đã có nhiều cam kết kiểm soát giá cả thị trường từ nhà chức trách đến người dân để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Chủ trương này được thực hiện như thế nào và thực tế giá cả diễn biến ra sao?

Thuốc sẽ được đưa vào chương trình bình ổn giá năm 2011 của TP.HCM - Ảnh: N.C.T.

Tuổi Trẻ trao đổi với bà NGUYỄN THỊ HỒNG - ủy viên Ban thường vụ Thành ủy, phó chủ tịch UBND TP.HCM, và bà VÕ THỊ DUNG - ủy viên Ban thường vụ Thành ủy, phó chủ tịch thường trực Ủy ban MTTQ VN TP.

Bà Nguyễn Thị Hồng - Ảnh: Q.T.

Bà Nguyễn Thị Hồng nói:

- Chắc chắn phải có sự điều chỉnh giá vì một số chi phí đầu vào đã điều chỉnh tăng. Giá thành có xu hướng tăng, giá bán phải điều chỉnh. Nhưng điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây, đến nay những mặt hàng thiết yếu ở TP.HCM vẫn ổn định do chương trình bình ổn. Có những mặt hàng giá không tăng, thậm chí giảm giá.

Còn diễn biến thị trường ở các siêu thị, một số (không phải là tất cả) người sản xuất có trao đổi để điều chỉnh giá bán nhưng mọi việc còn đang bàn bạc. Chuyện này phải tính toán xem xét rất kỹ, không thể tăng giá theo tỉ lệ tăng chi phí đầu vào như xăng dầu, điện... mà cần có sự chia sẻ, chung sức chung lòng của doanh nghiệp, Nhà nước, người tiêu dùng.

* Nhưng thưa bà, có những việc không nằm ở chính sách hỗ trợ tốt hay chưa mà có lẽ thuộc về cơ chế và khả năng quản lý, chẳng hạn như đối với mặt hàng thuốc chữa bệnh đã có tình trạng giá kê khai với cơ quan quản lý bị đẩy lên rất cao so với giá bán (để khi điều chỉnh giá khỏi phải kê khai lại). Điều này có thể tạo điều kiện cho người bán thuốc điều chỉnh giá bất kỳ lúc nào nhưng không bị “thổi còi”?

- Thuốc gắn liền thiết thân với đời sống người dân, nhất là người bệnh. Vì thế TP.HCM tập trung phát triển mạng lưới nhà thuốc đạt chuẩn GPP (thực hành tốt) nhằm đảm bảo quản lý xuyên suốt việc cung ứng kịp thời đầy đủ mặt hàng này. Sở Y tế cũng được giao và đã có nhiều cuộc kiểm tra, giám sát để làm sao đảm bảo điều chỉnh giá cả phù hợp.

Thống nhất cho vay không lãi 12 tháng để bình ổn giá cả

Lãnh đạo UBND TP.HCM vừa kết luận thống nhất thời gian cho vay không lãi là 12 tháng không thế chấp nhằm thực hiện chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu và thuốc chữa bệnh sản xuất trong nước.

Lãnh đạo UBND TP cũng yêu cầu làm rõ tỉ lệ phần trăm giá thị trường tăng bao nhiêu là phù hợp để điều chỉnh giá bán hàng hóa (của chương trình bình ổn) nhằm khuyến khích doanh nghiệp tham gia chương trình, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, ở lĩnh vực này có vấn đề đặt ra là thuốc ngoại và thuốc nội. Với thuốc ngoại, theo quy định Cục Quản lý dược Bộ Y tế xem xét cấp giấy phép, xác định đăng ký giá... UBND TP đã có văn bản gửi Bộ Y tế đề nghị và Sở Y tế cũng đề nghị xem xét quản lý thận trọng để đảm bảo sự chặt chẽ, hỗ trợ tạo điều kiện cho người dân sử dụng thuốc ngoại với mức giá cả phù hợp.

* Thưa bà, có bao giờ bà được báo cáo tình trạng kê khai giá thuốc quá cao so với giá bán thực tế?

- Việc này đã biết rồi, do đó UBND TP mới có kiến nghị với Bộ Y tế khi doanh nghiệp đăng ký giá cần xác định mức giá đó có hợp lý hay không?

Còn trách nhiệm kiểm tra chuyên ngành là của ngành y tế, của Bộ Y tế để làm sao đảm bảo được giá cả phù hợp và được lòng tin của người dân.

Với mặt hàng nội, trong chương trình bình ổn giá cả năm 2011, UBND TP đã giao Sở Y tế báo cáo phương thức triển khai đưa nhóm mặt hàng thuốc nội và thuốc thông thường vào chương trình này.

Vì hiện nay giá đầu vào đang có xu hướng tăng cao, nếu không có hàng hóa đủ cung ứng, giá cả hài hòa, phù hợp và có sự quản lý của Nhà nước sẽ ảnh hưởng đến việc trị bệnh của người dân. Do vậy đây sẽ là mặt hàng đặc trưng năm 2011 mà TP.HCM bắt đầu đưa vào chương trình bình ổn.

* Thêm một dẫn chứng nữa là giá sữa cứ điều chỉnh tăng, nhất là sữa cho trẻ em. Việc kiểm soát giá sữa hiện nay có đảm bảo không để tăng giá bất hợp lý hay vẫn gặp tình trạng như kiểm soát giá thuốc đã nêu?

- TP.HCM đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra trong những năm gần đây, có kết luận các vấn đề liên quan đến giá sữa.

Trước đây chỉ quy định những doanh nghiệp kinh doanh sữa có từ 51% vốn nhà nước mới phải đăng ký giá, như vậy các thành phần doanh nghiệp khác thì không phải đăng ký giá. Do vậy, UBND TP quyết liệt kiến nghị và Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính điều chỉnh vấn đề này rồi.

Hiện nay với nhóm mặt hàng sữa Bộ Tài chính có phân cấp theo hướng bộ theo dõi, quản lý đăng ký giá của một số đơn vị có lượng hàng nhập và kinh doanh quy mô lớn. Cấp TP được giao quản lý nhóm còn lại. TP đang đề nghị làm rõ trách nhiệm khi đăng ký giá và trách nhiệm của cơ quan quản lý việc đăng ký, xác định giá đăng ký của doanh nghiệp có phù hợp hay không.

Vấn đề này đang làm việc với Bộ Tài chính, còn việc kiểm tra, TP vẫn kiểm tra bình thường.

Cần xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra lãng phí

Bà Võ Thị Dung - Ảnh: Q.T.

Bà VÕ THỊ DUNG cho biết:

- Trước tình hình giá cả đang tăng cao, Ủy ban MTTQ VN TP.HCM phát động phong trào “Ba tiết kiệm, ba tương trợ” (tiết kiệm điện, tiết kiệm chi tiêu công, tiết kiệm chi tiêu dùng; tương trợ người nghèo, tương trợ gia đình chính sách, công nhân, nông dân, HS-SV có hoàn cảnh khó khăn và tương trợ người già neo đơn, người khuyết tật, trẻ mồ côi...)

* Thưa bà, người dân còn hết sức băn khoăn về tình trạng lãng phí tài sản công, nhất là đất đai, công sở... Mặt trận giám sát vấn đề này như thế nào?

- Mặt trận sẽ tiếp tục tập hợp ý kiến các giới về vấn đề thực hiện tiết kiệm chống lãng phí để có phản ảnh, kiến nghị chính đáng, phù hợp với chủ trương chung, góp phần hạn chế lãng phí. Mặt trận sẽ kiến nghị quan tâm giải quyết những bức xúc, trong đó có lãng phí, hiện rất bức xúc.

Chúng tôi thấy rằng một số lĩnh vực hiện lãng phí còn lớn. Do đó cần có sự phối hợp tổng lực chứ không phải chỉ có ý kiến phản ảnh của nhân dân. Điều quan trọng là tăng cường quản lý của Nhà nước. Đây là vấn đề gây ra bức xúc trong dân, cần quyết liệt, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay.

* Thực trạng lãng phí đã thấy nhưng vì sao chưa cải thiện được nhiều? Phải chăng việc kiểm tra, giám sát chưa chỉ ra được những địa chỉ lãng phí cụ thể?

- Hiện nay chống lãng phí nhiều nơi cũng chưa được quan tâm đúng mức, có những sự việc mình thấy hằng ngày như việc sử dụng xe công, xăng dầu... nhiều khi chưa trở thành ý thức.

Do đó, cần đẩy việc chống lãng phí trở thành quyết tâm chung. Đối với cán bộ, đảng viên... làm sao tạo ra sự đồng thuận, cần thấy việc tiết kiệm là bức bách, mọi người bằng ý thức, trách nhiệm... tạo ra sự chuyển biến thật sự.

Đảng, Nhà nước đã khẳng định trách nhiệm người đứng đầu trong phòng chống tham nhũng, lãng phí. Tuy nhiên, lâu nay khi xảy ra tham nhũng, lãng phí thì việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu có nơi có lúc chưa phải rõ ràng. Tôi đồng tình kể cả khi để xảy ra lãng phí, người đứng đầu phải có trách nhiệm, cũng cần có biện pháp xử lý, như vậy mới có chuyển biến được.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giá cả thị trường: Cần góp sức từ nhiều phía
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO