Đứt mạng hàng không nối di sản Đông Dương

BÍCH HỒNG| 13/05/2009 05:33

Quyết tâm của ngành du lịch nối mạng hàng không giữa các Di sản văn hóa thế giới (VHTG) ở Đông Dương và Thái Lan đã thất bại với quyết định cắt đường bay quốc tế Đà Nẵng - Siêm Riệp - Bangkok kể từ tháng 4/2009 của Hãng Hàng không PB Air.

Đứt mạng hàng không nối di sản Đông Dương

Quyết tâm của ngành du lịch nối mạng hàng không giữa các Di sản văn hóa thế giới (VHTG) ở Đông Dương và Thái Lan đã thất bại với quyết định cắt đường bay quốc tế Đà Nẵng - Siêm Riệp - Bangkok kể từ tháng 4/2009 của Hãng Hàng không PB Air.

Du khách Nhật tại Hội An

Như vậy hiện tại chỉ còn duy nhất đường bay Đà Nẵng - Seoul đưa khách đến Đà Nẵng bằng đường hàng không theo từng chuyến đặt hàng, kiểu taxi bay, chứ không phải là tuyến bay định kỳ. Đối với những người quan tâm phát triển du lịch, việc một đường hàng không quốc tế đến cửa ngõ Đà Nẵng bị đứt, có nghĩa là Hành trình Di sản VHTG ở miền Trung lại một lần nữa ở thế “kẹt” sau tám năm quảng bá và phát triển du lịch.

Không thể trách các hãng hàng không ngoảnh mặt với miền đất có năm Di sản VHTG và khả năng nối mạng du lịch với các di sản khác của Đông Dương như cố đô Luang Phrabang và khu đền tháp Angkor Wat ở Siêm Riệp. Cách đây hai năm, các quan chức của ba nước Đông Dương đã nhóm họp tại Hội An để bàn việc hợp tác phát triển đường hàng không nối các Di sản VHTG ở Đông Dương với các thị trường tiềm năng, kết quả là một đường bay Đà Nẵng - Siêm Riệp - Bangkok đã ra đời để hút khách quốc tế từ Bangkok đến Đông Dương và ngược lại, hút khách từ các thị trường Nhật, Hồng Kông và Tây Âu sẵn lòng đến miền Trung rồi từ đó đi tiếp Siêm Riệp, Bangkok.

Tuy nhiên, mọi nỗ lực chỉ dừng lại ở đó. Có thể một phần là do tình hình suy thoái kinh tế tác động làm “kẹt” hành trình Di sản thế giới ở Đông Dương. Nhưng về lâu dài, việc các hãng hàng không ngần ngại nối mạng đến Đà Nẵng là bởi vì du lịch miền Trung vẫn chưa nổi lên như một viên ngọc quý.

Trong khi Hành trình Di sản VHTG miền Trung muốn trở thành thương hiệu quốc tế thật sự thì cần tư duy làm thương hiệu như sáng kiến của ông Paul Stone (nguyên Tổng giám đốc Khu du lịch Furama), người được coi là cha đẻ ý tưởng Hành trình Di sản VHTG miền Trung VN. Dọc con đường đi qua 17 tỉnh miền Trung có năm Di sản VHTG và hàng chục thắng cảnh thiên nhiên đẹp, công ty sẽ thực hiện dự án “taxi bay”, xây dựng các trạm dừng giao thông hiện đại phục vụ du khách để cải thiện các vấn đề về vận chuyển khi khách muốn tiếp cận toàn bộ thắng cảnh thiên nhiên, các Di sản VHTG trong mạng lưới.

Người Việt nên học cách quảng bá của người Đức từng làm với Con đường Lãng mạn chạy qua 35 thành phố nước Đức từ năm 1950. Tổng cục Du lịch Đức đã dùng Con đường Lãng mạn làm biểu trưng chính trên các poster quảng cáo gửi đến các công ty du lịch trên toàn thế giới. Còn Công ty Hàng không Quốc gia, hệ thống đường sắt liên bang và các hãng lữ hành cũng dùng hình ảnh đó cho hoạt động tiếp thị của mình. Tổ chức điều hành Con đường Lãng mạn hoạt động như hiệp hội với đại diện của tất cả các thành phố có chung quyền lợi khai thác du lịch, và các thành phố, các doanh nghiệp đều đóng góp kinh phí để hiệp hội này lo việc quảng bá Con đường Lãng mạn ra toàn thế giới.

Tám năm qua, VN mới chỉ làm được phần tăng chất lượng sản phẩm du lịch tại chỗ, tổ chức vài chuyến road show Hành trình Di sản VHTG miền Trung tại Bangkok. Nhưng như thế vẫn chưa đủ. Hành trình Di sản phải là một thương hiệu mà các hãng hàng không VN đem ra thế giới trong các chương trình quảng cáo, phải xuất hiện ở các hội chợ du lịch thế giới, là di sản văn hóa chứ không chỉ là khu nghỉ dưỡng biển đẹp như cách quảng bá hiện nay. Có lẽ các địa phương nên nghiền ngẫm bài học này để thay niềm tự hào về một cố đô Huế, một đô thị cổ Hội An, hay Phong Nha - Kẻ Bàng, còn Tổng cục Du lịch VN phải là một nhạc trưởng đầu tư tâm sức và kinh phí để xây dựng thương hiệu “Chúng tôi là con đường Di sản thế giới miền Trung” và đem ra thế giới.

Việc hãng PB Air cắt đường bay nối Hành trình Di sản VHTG miền Trung, di sản Angkor Wat và Bangkok cũng là dịp để các tỉnh miền Trung và Tổng cục Du lịch phải có đối sách dài hơi kết hợp với hai ông bạn láng giềng là Campuchia và Thái Lan, cùng có các chiến dịch quảng bá, hỗ trợ để lôi kéo du khách quốc tế trong quá trình khai thác thị trường du lịch mang tính khu vực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đứt mạng hàng không nối di sản Đông Dương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO