Đưa điện về doanh nghiệp: 37 thay vì hơn 100 ngày

P.V| 03/10/2014 00:26

Khách hàng dùng điện trung áp, quy trình tiếp cận điện hiện nay có thể giảm xuống còn 11 bước so với 13 bước quy định và thời gian chỉ còn 37 ngày so với 115 ngày quy định.

Đưa điện về doanh nghiệp: 37 thay vì hơn 100 ngày

Thủ tục hành chính nào trong lĩnh vực Bộ Công thương quản lý gây khó khăn, cản trở hoạt động của doanh nghiệp thì phải nhanh chóng sửa đổi để tạo thuận lợi cho phát triển.

Đây là nhấn mạnh của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc làm việc với Bộ Công thương chiều 2/10.

Về yêu cầu này của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho hay, trong ít ngày tới một thủ tục hành chính do Bộ Công thương quản lý là tiếp cận điện của doanh nghiệp sẽ có các hướng dẫn mới nhằm rút ngắn thời gian có điện với doanh nghiệp.

Ông Hoàng Quốc Vượng, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, sau khi nghiên cứu EVN nhận thấy, với khách hàng dùng điện trung áp, quy trình tiếp cận điện hiện nay có thể giảm xuống còn 11 bước so với 13 bước quy định và thời gian chỉ còn 37 ngày so với 115 ngày quy định và chỉ bằng các hướng dẫn của Bộ Công thương.

Với thực tế doanh nghiệp bỏ tiền đầu tư nhà máy nhưng lại tốn nhiều thời gian và công sức để có được điện phục vụ cho sản xuất như quy định hiện hành thì việc giảm các thủ tục hành chính không cần thiết được Thủ tướng rất quan tâm.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng cũng cho biết, trong số 6 Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đang đàm phán với các đối tác hiện nay, có thể trong năm 2014 sẽ ký được 3 FTA với châu Âu, Hàn Quốc, Liên minh thuế quan Nga, Belarus và Kazakhstan.

Các FTA này sẽ mở ra nhiều cơ hội, ưu đãi như thuế giảm về 0% và có hiệu lực ngay. Đó là cơ hội để hàng Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam đi xa và nhiều hơn nữa, góp phần tạo ra tăng trưởng ổn định cho nền kinh tế.

Tuy nhiên để góp phần cho tăng trưởng ổn định trước những cơ hội mới đang được mở ra này, ngành công thương phải thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ quản lý nhà nước.

Cụ thể, Thủ tướng đặt ra 5 yêu cầu mà ngành công thương phải tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện trong thời gian tới, bao gồm:

- Rà soát, xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách theo hướng kinh tế thị trường, cạnh tranh, công khai, minh bạch, không bao cấp để đảm bảo phân bổ nguồn lực tốt hơn

- Sản xuất, kinh doanh, đầu tư cũng như cạnh tranh, hội nhập hiệu quả hơn.

- Tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đầu tư, xuất khẩu

- Đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế gồm cân đối điện, than và xăng dầu.

- Các doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ phải kiên quyết, mạnh mẽ, khẩn trương thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp, cổ phần hóa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đưa điện về doanh nghiệp: 37 thay vì hơn 100 ngày
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO