Đột phá về thể chế - đẩy mạnh nền kinh tế

GS. NGUYỄN QUANG THÁI| 16/02/2015 06:07

Các đổi mới chắc chắn sẽ được đẩy mạnh, không chỉ nhằm hoàn thiện khung pháp lý thông thoáng hơn cho người dân và doanh nghiệp (như luật doanh nghiệp, luật thuế, luật ngân sách, luật đầu tư,...), mà còn giúp hoàn thiện bộ máy và chất lượng công chức.

Đột phá về thể chế - đẩy mạnh nền kinh tế

Khâu đột phá có ý nghĩa then chốt chính là đột phá về thể chế, góp phần đẩy mạnh nền kinh tế thị trường của thời kỳ hội nhập nhanh, kiểu mới, cũng như hoàn thiện nhà nước pháp quyền, của dân, do dân và vì dân. Các đổi mới chắc chắn sẽ được đẩy mạnh, không chỉ nhằm hoàn thiện khung pháp lý thông thoáng hơn cho người dân và doanh nghiệp (như luật doanh nghiệp, luật thuế, luật ngân sách, luật đầu tư,...), mà còn giúp hoàn thiện bộ máy và chất lượng công chức.

Từ mấy năm trước, các nhà khoa học liên ngành đã đề xuất với Đảng và Nhà nước về việc cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Đặc trưng của mô hình kinh tế cũ là nặng về quảng canh, tăng trưởng chủ yếu dựa vào vốn, khai thác thô tài nguyên và lao động năng suất thấp, giá rẻ. Vốn, lao động, tài nguyên bao giờ cũng chỉ có hạn, nhưng sử dụng không hiệu quả sẽ làm nền kinh tế càng thêm trì trệ.

Thêm vào đó, thể chế kinh tế sau 30 năm đổi mới đã mất dần động lực của việc “tháo cởi quy chế”, chuyển đổi đơn giản, nay đòi hỏi xây dựng và không ngừng hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường cho thích ứng với giai đoạn hội nhập nhanh và hội nhập thế hệ mới. Điều này không chỉ liên quan đến hàng rào thuế quan, vì đang đưa tỷ lệ thuế xuống 0% với hầu hết các dòng thuế, mà cần có những chuyển biến bên trong để nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của hàng hóa và dịch vụ, đáp ứng tốt hơn các biến động của môi trường kinh tế thay đổi phức tạp, khó lường.

Vì thế, phương thức tăng trưởng kinh tế, hay là mô hình tăng trưởng như vậy không đáp ứng được nhu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ hội nhập và khoa học - công nghệ phát triển rất nhanh, lại có nhiều rủi ro về các biến động môi trường tự nhiên và môi trường kinh tế thế giới. Nhà nước phải đóng vai trò quan trọng tạo bệ đỡ cho sự phát triển nền kinh tế.

Những chuyển động về cải cách hành chính theo Nghị quyết 19 của Chính phủ tháng 3/2014 đã mang lại niềm tin cho các doanh nghiệp, cùng các chủ trương mới căn cơ hơn từ việc Quốc hội ban hành nhiều luật mới, sau Hiến pháp 2013. Các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế cần thay đổi phương thức sản xuất, đầu tư và kinh doanh cho thích hợp với bối cảnh mới của thế giới và trong nước, phải thực hiện quản trị hiện đại, làm cho nền kinh tế Việt Nam tham gia ngày càng có hiệu quả trong chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu nhờ năng suất tăng cao.

Thực hiện ba đột phá chiến lược là chủ trương đã được Đảng và Nhà nước nêu ra từ năm 2011. Với thời gian, các khâu đột phá này ngày càng có thêm nội dung mới, giải pháp mới.

Đối với việc đột phá chất lượng nguồn nhân lực, Chính phủ đã có định hướng phát triển cũng như đã và đang trình Quốc hội thông qua các giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện hệ thống giáo dục, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong giai đoạn mới.

Đối với hệ thống cơ sở hạ tầng, một trong 12 trụ cột của năng lực cạnh tranh quốc gia, đã rất được chú ý. Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết 4 (năm 2012) về vấn đề này, đang từng bước triển khai, dù quy mô tổng đầu tư và tỷ trọng đầu tư cả nước so với GDP đang được điều chỉnh cho thích hợp với điều kiện cơ cấu lại nền kinh tế.

Tuy vậy, đã có hàng loạt dự án đầu tư lớn về giao thông, vận tải, năng lượng, thủy lợi, viễn thông... để làm cho cơ sở hạ tầng ngày càng được cải thiện. Hơn nữa, các dự án này trước đây chủ yếu do kinh tế nhà nước lo thu xếp vốn, thì nay đã có sự tham gia của khu vực tư nhân trong và ngoài nước dưới hình thức BT, BOT hay PPP, làm cho nền kinh tế thêm sống động, lại giảm bớt gánh nặng đầu tư công.

Trên hết, khâu đột phá có ý nghĩa then chốt chính là đột phá về thể chế, góp phần đẩy mạnh nền kinh tế thị trường của thời kỳ hội nhập nhanh, kiểu mới, cũng như hoàn thiện nhà nước pháp quyền, của dân, do dân và vì dân.

Các đổi mới chắc chắn sẽ được đẩy mạnh, không chỉ là nhằm hoàn thiện khung pháp lý thông thoáng hơn cho người dân và doanh nghiệp (như luật doanh nghiệp, luật thuế, luật ngân sách, luật đầu tư,...), mà còn giúp hoàn thiện bộ máy và chất lượng công chức. Những việc đã và sẽ làm trong kế hoạch 5 năm 2011-2015 được tiếp tục triển khai, hy vọng đến năm 2020 sẽ hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường ở nước ta, tạo điều kiện đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Trong bối cảnh động lực phát triển đang cạn dần, những động lực phát triển theo cách thức cải tiến giản đơn, ngắn hạn chỉ có tác dụng nhất thời. Vì vậy, phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, phải thiết kế thể chế kinh tế thị trường hiện đại thích hợp với giai đoạn mới, hội nhập sâu, trong đó Nhà nước và thị trường có vai trò bổ trợ cho nhau.

Trong nền kinh tế thị trường, cần tôn trọng chế độ sở hữu tư nhân, với các chủ sở hữu đa dạng, phải bảo đảm quyền tự do kinh doanh và cạnh tranh lành mạnh với giá cả do thị trường định đoạt, từ đó hướng tới nền kinh tế phát triển lành mạnh. Nhà nước với vai trò kiến tạo phát triển cần chú trọng tạo ra khuôn khổ cho sự phát triển, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, và có sự can thiệp hợp lý để khắc phục các khiếm khuyết của thị trường, chống lại các hoạt động làm méo mó thị trường, bảo đảm trật tự và an toàn xã hội.

Đặc biệt, nước ta theo định hướng XHCN thì Nhà nước cần rất chú trọng cơ chế phân phối lại thu nhập (vòng 2) để giảm bớt bất công, tạo cơ hội phát triển đồng đều cho mọi người, nhất là những người “yếu thế” (người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn), giảm các tác động bất lợi của thị trường, đem lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Đây là những nhiệm vụ khó khăn, vì vậy, thể chế này cần phải thực hiện công khai, minh bạch, nâng cao trách nhiệm giải trình để người dân và doanh nghiệp có điều kiện theo dõi, kiểm tra và giám sát.

Dù công cuộc đổi mới đã được khởi xướng từ 30 năm trước, bên cạnh thắng lợi cũng không tránh khỏi những vấp váp và cả thiếu sót, sai lầm trên con đường phát triển và hội nhập. Với tư duy biện chứng và không ngừng phát triển, Đảng và Nhà nước không thể không nhìn thẳng vào sự thật để tìm ra con đường phát triển khôn khéo và sáng tạo của cả dân tộc trong bối cảnh phức tạp ngày nay.

Một khi tình hình trong nước và thế giới đang có nhiều thay đổi rất căn bản thì mọi người, dù đó là lãnh đạo, doanh nhân hay thường dân đều phải có chuyển biến, hành xử cho thích ứng với thời cuộc. Và tất nhiên, người lãnh đạo các cấp càng cần phải có tư duy và hành động tiên phong trong công cuộc đổi mới sâu sắc và toàn diện đất nước. 

>Tăng trưởng của Việt Nam hấp dẫn DN Nhật Bản 
>Châu Á: Tăng trưởng nhìn từ lợi nhuận doanh nghiệp
>Tăng trưởng GDP của Hà Nội đứng đầu thế giới 
>Thời cơ đẩy mạnh cải cách thể chế

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đột phá về thể chế - đẩy mạnh nền kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO