Đôi dép râu

TRẦN BÉ| 13/05/2009 05:48

Tôi không đủ tài năng để viết một cuốn tiểu thuyết về chuyến vượt Trường Sơn của chính mình, nhưng như có người nói, những gì vặt vãnh được ghi lại một cách trung thực thì sẽ làm nên một bộ sử…

Đôi dép râu

Tôi không đủ tài năng để viết một cuốn tiểu thuyết về chuyến vượt Trường Sơn của chính mình, nhưng như có người nói, những gì vặt vãnh được ghi lại một cách trung thực thì sẽ làm nên một bộ sử…

Ngồi trước trang giấy là một ông già 70 tuổi đang ghi lại một thời tuổi 25.

Mình già hồi nào vậy? Có lẽ mình cảm thấy già khi nhắc lại thời tuổi trẻ. Mà tuổi trẻ của tụi mình hồi ấy toàn là “lửa”. Sáng, bắt đầu cuộc hành quân, mọi người đều ngửa cổ nhìn những ngọn núi thách thức mình. Phải trật ót mới đáng tự hào. Còn hôm nào núi không cao, suối không sâu thì dường như lòng tự trọng bị xúc phạm.

Vượt Trường Sơn là cuộc đua toàn diện, mà điều kiện khách quan hầu như không có thuận lợi. Rốt cuộc, mỗi con người phải tự vượt lên chính mình, và tự mình bứt phá bản thân. Người vượt Trường Sơn thường kể, đến một lúc nào đó phải bỏ đi từng cái cúc áo, từng tờ giấy... Thật ra vứt đi những thứ mà nếu tính bằng trọng lượng thì chỉ “không phẩy... gờ ram”, nhưng những thứ đó đã cùng mình đối mặt với chính mình để đạt được những giá trị không trọng lượng nào so sánh được. Nếu không có điều đó ở hầu hết các bạn, nhất là các bạn gái, thì không thể nào giải thích nổi vì sao hơn một trăm ngày đêm, trên lưng các bạn gái tuổi hai mươi nhỏ bé của chúng ta là chiếc ba lô to bè, nặng trĩu, phải vắt kiệt sức lực, thậm chí đổ máu để đổi lấy từng tấc đường Trường Sơn!

Đến một hôm, khi nắn gân cho một bạn gái bị sái chân, một anh con trai phát hiện bạn gái này có bàn chân khoảng 16 cm. Thật là gót son yểu điệu thục nữ, vậy mà nó đo được chiều dài của dãy Trường Sơn! Thật là vĩ đại. Thật là huyền thoại! Sau hơn 40 năm, nghĩ lại, nhớ lại, lòng tôi rạo rực yêu thương, trân trọng đôi bàn chân ấy...

Đoàn xe đưa chúng tôi từ Nghệ An đến trạm cuối cùng ở làng Ho (Quảng Bình). Xe chạy thầm (không bật cả đèn gầm) dù Johnson tạm ngừng đánh phá miền Bắc. Mạch suy nghĩ của chúng tôi bị cắt đứt liên tục bởi đoàn xe đi trên con đường bom đạn Mỹ bắn phá tan tành, đầy ổ voi. Chúng tôi như đang ngồi trên một cái bàn gắn lò xo, con người và đồ đạc chỉ chực bắn ra khỏi xe.

Xe dừng lại, đổ quân. Chúng tôi sẽ bắt đầu cuộc hành trình bằng đôi chân, cho đến khi nào đến nơi mình nhận công tác, mà nơi đó không thể định trước. Đây là giây phút thiêng liêng nhất. Anh chị em ở miền Bắc thì để lại sau lưng biết bao niềm thương nhớ quê hương, người thân. Anh chị em miền Nam tập kết thì đánh dấu cuộc trở về sau hơn mười năm ra đi. Họ đã trưởng thành trên đất Bắc. Nhờ đồng bào miền Bắc mà họ được nên vóc, nên hình và được rèn luyện trong trường đại học.

Chúng tôi khẩn trương kiểm điểm quân số, chấn chỉnh đội hình, nghe phổ biến những điều cần thiết cho cuộc hành quân. Ngay lúc ấy, một anh bạn hớt hải đến báo tin sét đánh: “Tao mất một chiếc dép!”. Cả đoàn nghe tin đó đều bàng hoàng. Không dép đồng nghĩa với ở lại. Thật là một chuyện vô cùng nghiêm trọng! Tôi chưa từng chứng kiến tiếng khóc nào bi thảm như tiếng khóc của anh bạn lúc đó. Bao nhiêu ước mơ, quyết tâm rèn luyện, phấn đấu trong suốt mười năm để trở về quê hương chiến đấu, đã bị chặn đứng! Phải công tâm mà nói, mọi thứ lập trường, quan điểm, lý tưởng, ý chí... lúc này tạm thời cất vào chỗ trang trọng nhất, cái quan trọng bậc nhất, trực tiếp nhất cho cuộc lội bộ vạn dặm trên vách đá tai mèo là đôi dép râu! Cái gì có thể chia sẻ được chứ đôi dép râu thì không. Anh bạn tôi khóc thảm thiết là phải. Thật là chuyện bằng trời. Chi ủy, ban chỉ huy đoàn hội ý chớp nhoáng tìm lối thoát. Sương xuống ướt đẫm. Khu rừng như nặng nề hơn. Giọng nói của chàng trai nào đó phá tan sự im lặng: “Nào, các cây sáng kiến hãy cho đậu hoa nở quả đi chớ!”. Lại im lặng. Bỗng có một sáng kiến: Lấy đôi dép của một bạn nữ nào đó cho anh ấy mang. Ba lô bạn nữ chia mỗi người mang một ít, còn bạn nữ ấy thì bọn con trai thay nhau cõng mỗi ngày. Nữ thì nhẹ mà ai cũng ham cõng, hành quân cả năm ròng cũng được nữa là!”. Cả đoàn cười rộ.

Có tiếng la lớn: “Có tin vui đây”. Nhiều ánh đèn rọi vào chỗ có tiếng nói. Một bạn trong đoàn tay cầm đôi dép râu quơ quơ. Anh bạn tôi là người đầu tiên lao ra ôm chầm ân nhân của mình. Hóa ra trong lúc kẻ khóc người cười thì anh bạn này đã “xử lý tình huống” bằng cách đuổi theo đoàn xe ngược ra Bắc, cố nài nỉ anh phụ xế chia cho đôi dép bằng số tiền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa giấu được. Cả đoàn hò reo mừng cho người mất dép và tán thưởng anh bạn hết lòng vì đồng đội, thì một thanh niên cao lớn than thở: “Vui thì có vui nhưng buồn cho tôi là tối nay không được cõng một nàng công chúa trên lưng”.

Tiếng cười lại vang lên trong “ánh chớp” của những cái nguýt dài của các nàng công chúa - Trường Sơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đôi dép râu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO