Doanh nghiệp Việt tận dụng cơ hội từ khủng hoảng

10/09/2010 02:58

Sáng 9/9, tại TP.HCM báo Đầu Tư đã tổ chức hội thảo “Kinh tế Việt Nam, cơ hội và thách thức khủng hoảng toàn cầu”, với sự tham gia của hàng chục chuyên gia kinh tế hàng đầu tại Việt Nam.

Doanh nghiệp Việt tận dụng cơ hội từ khủng hoảng

Sáng 9/9, tại TP.HCM báo Đầu Tư đã tổ chức hội thảo “Kinh tế Việt Nam, cơ hội và thách thức khủng hoảng toàn cầu”, với sự tham gia của hàng chục chuyên gia kinh tế hàng đầu tại Việt Nam.

Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng tăng trưởng kinh tế thế giới đã ra khỏi vùng đáy suy thoái và Việt Nam là một trong những nước có tốc độ hồi phục nhanh chóng.

Các doanh nghiệp tham dự hội thảo “Kinh tế Việt Nam, cơ hội và thách thức khủng hoảng toàn cầu” sáng 9/9 - Ảnh: Hồng Nhựt

Lợi thế đầu tư trực tiếp

Giáo sư, tiến sĩ khoa học Nguyễn Mại, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, cho rằng đà phục hồi tăng trưởng kinh tế thế giới vẫn được duy trì trong nửa đầu năm 2010, song nhiều dự báo vừa đưa ra trong tháng 7/2010 cho thấy triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới tại các nền kinh tế chủ chốt sẽ chậm lại ở nửa cuối năm 2010.

Riêng các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi như Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ... lại có đà phục hồi mạnh.

Tuy vậy, giáo sư Nguyễn Mại cũng lưu ý bốn vấn đề chủ yếu, thứ nhất là thể chế kinh tế chậm được hoàn chỉnh để đồng bộ. Thứ hai là cơ sở hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế và đời sống xã hội. Thứ ba là lợi thế nguồn nhân lực dồi dào, giá nhân công thấp đang giảm dần trong khithiếu nguồn nhân lực có trình độ cao. Thứ tư là chủ trương xây dựng “nhà nước pháp quyền, của dân, do dân và vì dân” chưa đáp ứng được đòi hỏi của người dân và doanh nghiệp.

Với chuyên gia kinh tế Phạm Đỗ Chí, nền kinh tế thế giới hiện vẫn còn "rối beng" nên chưa thể nói đã hồi phục mà chỉ có thể nhận định hiện đã qua đáy, dấu hiệu là giá vàng vẫn tăng liên tục những ngày gần đây.

Ông Chí cho rằng ít nhất trong hai năm nữa mới thấy rõ sự hồi phục đối với nền kinh tế Mỹ và châu Âu. Còn đối với thị trường tài chính Việt Nam, tại sao kinh tế hồi phục mà thị trường chứng khoán lại không tăng mạnh?

Giáo sư, tiến sĩ khoa học Nguyễn Mại, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài - Ảnh: Hồng Nhựt

Ông Chí giải thích thêm: Nhiều dấu hiệu tồn tại, trong đó nhà đầu tư lo ngại về tài chính công, tỉ giá, lạm phát… Để trả lời câu hỏi thị trường chứng khoán cuối năm như thế nào, cần xem xét vấn đề tỉ giá cuối năm sẽ được giải quyết ra sao?

Để giải quyết vấn đề tỉ giá, Việt Nam cần thay đổi căn bản về cơ cấu kinh tế, tăng cường vai trò của khu vực kinh tế tư nhân; giảm đầu tư công cao và không để hệ số ICOR (hệ số phản ánh hiệu quả của vốn đầu tư bằng cách đo lường để biết muốn tạo thêm được một đồng sản phẩm thì cần đưa thêm vào sử dụng bao nhiêu đồng vốn - PV) cao.

Ông Nguyễn Đình Lương - nguyên trưởng đoàn đàm phán Hiệp định thương mại Việt Mỹ (BTA), nhận định: nội lực của mô hình tăng trưởng Việt Nam rất thấp, nên cần chuyển mô hình tăng trưởng theo chiều rộng sang tăng trưởng chiều sâu. Kinh tế Việt Nam đang vận hành với nền công nghệ thấp, các nhà máy hoạt động với dây chuyền máy móc lạc hậu.

Ông Lương ví: đầu tư ở Việt Nam có hai chân là FDI và đầu tư công, chân chắc là chân FDI do nhiều hệ thần kinh khác nhau điều khiển để đạt được lợi ích kinh tế, xã hội, chính trị... còn chân kia hiện là chân… hư!

Nơm nớp lo tỉ giá, chứng khoán

Về vấn đề chính sách điều hành tỉ giá, TS Lê Xuân Nghĩa, phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho rằng thị trường tín dụng hiện gặp một số rào cản hành chính khiến mặt bằng lãi suất chưa thể giảm nhanh và mạnh như mong đợi.

Bên cạnh đó, các quy định tại thông tư 13 ngày 20-5-2010 của Ngân hàng Nhà nước sẽ áp dụng từ ngày 1-10-2010 về tỉ lệ áp dụng so với nguồn vốn huy động cũng đang gây lo ngại về sự khan hiếm tín dụng những tháng cuối năm.

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, về ngắn hạn áp lực tỉ giá hối đoái đang yếu, tuy nhiên rủi ro trung hạn là thị trường tiền tệ thâm hụt cán cân vãng lai kéo dài, đồng Việt Nam bị định giá cao, dự trữ ngoại tệ giảm mạnh cũng như thanh khoản ngoại tệ giảm. Vì thế, có thể thị trường chứng khoán còn những biến động sụt sùi theo chính sách tiền tệ.

Cơ hội cho nền kinh tế mới nổi

Ông Lý Xuân Hải - tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB) - Ảnh: Hồng Nhựt

Tiến sĩ Trần Du Lịch - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cho rằng hậu khủng hoảng tài chính thế giới là họa cho các nước khác nhưng lại là phúc cho nền kinh tế Việt Nam. Vì qua đó, Việt Nam đã bộc lộ hết những yếu kém và tìm ra những đối sách để ứng phó.

Theo ông Lịch, những chính sách ứng phó trong ngắn hạn thời gian qua là cần thiết mặc dù có thời điểm đã làm nhiều doanh nghiệp lao đao nhưng những chính sách ứng phó đó đã thành công. Tuy nhiên, về trung hạn và dài hạn lại là một thách thức lớn cần phải vượt qua. Ví dụ như trong năm 2010 đã nảy sinh nhiều vấn đề liên quan đến nhập siêu, thâm hụt cán cân thanh toán…

Theo ông Nguyễn Công Ái (Công ty kiểm toán KPMG Việt Nam), kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn nhưng cũng là cơ hội cho Việt Nam. Vì một số doanh nghiệp Mỹ coi thị trường Việt Nam là nơi giúp họ giảm chi phí trong tình hình các công ty và tập đoàn lớn đang thận trọng trong vấn đề chi tiêu.

Ông Lý Xuân Hải - tổng giám đốc Ngân hàng ACB - cũng chia sẻ trước khi gia nhập WTO, nhiều người lo ngại các doanh nghiệp, ngân hàng nước ngoài nhảy vào Việt Nam thì ngân hàng Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn.

Nhưng thực tế hiện nay ngành tài chính ngân hàng đã mở cửa được vài năm qua nhưng các ngân hàng nước ngoài không gây được mối "đe dọa" cho ngân hàng nội “vì họ còn lo giải quyết chuyện của họ ở các thị trường khác nên giờ họ vẫn chưa vào và theo tôi, đây là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam”, ông Hải cho biết như vậy.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp Việt tận dụng cơ hội từ khủng hoảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO