Doanh nghiệp thiếu vốn và sụt giảm đơn hàng cuối năm

Trọng Nhân| 14/11/2022 07:00

Cuối năm 2022, đầu năm 2023, doanh nghiệp (DN) nhận định tình hình xuất nhập khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn do nguy cơ sụt giảm đơn hàng và thách thức trong tiếp cận vốn.

Doanh nghiệp thiếu vốn và sụt giảm đơn hàng cuối năm

Đây là một trong các nội dung thuộc báo cáo gửi Thủ tướng về những thách thức lớn nhất của DN các tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023 của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính.

Cụ thể, báo cáo nêu rõ đơn hàng cho năm 2023 sụt giảm nghiêm trọng ở các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, nội thất, nhôm công nghiệp, sắt thép, xi măng… Đây là một trong những nguyên nhân khiến một số DN cắt giảm nhân công và quy mô sản xuất trong các tháng cuối năm 2022.

Ngoài ra, DN ở một số ngành phản ánh khó khăn chưa từng có trong hoạt động sản xuất kinh doanh do thiếu vốn. Cụ thể, tình trạng đơn hàng xuất khẩu lẫn đơn hàng trong nước đồng loạt giảm mạnh ở DN ngành thép. Nhiều DN phải hạ giá sản phẩm 30-40% để có dòng tiền hoạt động với chi phí lãi vay rất cao.

Đối với ngành công nghiệp hỗ trợ, yêu cầu thị trường buộc các DN phải đầu tư máy móc và công nghệ mới. Thế nhưng, do thiếu vốn nên DN ngành này không đáp ứng đủ yêu cầu, dẫn đến nguy cơ mất vị trí trên thị trường.

Tương tự, DN nông nghiệp không đủ vốn thu mua nguyên liệu. DN sản xuất vật liệu xây dựng bị dừng hợp đồng cung ứng vật liệu. Các hợp đồng đã hoàn tất lại không thể thanh toán do chủ đầu tư không có dòng tiền, không vay được ngân hàng để trả cho DN cung ứng vật liệu. 

Trong khi đó, DN FDI không phụ thuộc vào vốn vay từ ngân hàng trong nước đang có nhiều lợi thế. Tình trạng này nếu kéo dài sẽ làm sụt giảm sức cạnh tranh của DN và nền kinh tế Việt Nam.

Trước tình hình trên, Ban IV đề xuất Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương cung cấp thường kỳ các thông tin cập nhật về biến động và xu hướng của các thị trường xuất nhập khẩu lớn, kèm theo các đánh giá về cơ hội, thách thức để DN lập kế hoạch thích ứng phù hợp.

Về vấn đề tín dụng, Ban IV đề xuất cho phép các ngân hàng thương mại trong nước tham gia mua lại trái phiếu sắp tới hạn và xử lý như một dạng tín dụng đặc biệt ngoài tín dụng thông thường. Bên cạnh đó, Ban IV đề xuất Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước làm việc với các ngân hàng thương mại để thiết kế các gói tín dụng ưu đãi cho các ngành, lĩnh vực sản xuất chủ lực trong nước, trong đó có những khoản mục dành cho DN nhỏ và vừa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp thiếu vốn và sụt giảm đơn hàng cuối năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO