Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nữ trang: Vàng mắt chờ vốn

LINH CHI| 16/01/2014 07:16

Cho dù đã nhiều lần kiến nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhưng cánh cửa vốn vẫn đóng đối với nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh vàng nữ trang.

Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nữ trang: Vàng mắt chờ vốn

Cho dù đã nhiều lần kiến nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhưng cánh cửa vốn vẫn đóng đối với nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh vàng nữ trang.

Đọc E_paper

Theo Thông tư 33, tổ chức tín dụng không được cho khách hàng vay vốn để mua vàng, trừ trường hợp được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận cho phép vay vốn mua vàng để sản xuất, gia công vàng trang sức, mỹ nghệ.

Theo phản ánh từ Hiệp hội Mỹ nghệ kim hoàn TP.HCM (Hiệp hội), do bị thắt chặt vốn tín dụng nên có hơn 70% trong số 3.500 DN trong ngành đang hoạt động cầm chừng và thậm chí là ngưng hoạt động.

Nhiều DN phải đối phó bằng cách trả giấy phép kinh doanh vàng và chuyển sang hình thức khác để được vay vốn... Do đó, Hiệp hội đã có đề nghị NHNN điều chỉnh Thông tư 33 để mở tín dụng cho các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh vàng được tiếp cận vốn vay.

Vào giữa năm 2013, NHNN đã xem xét để điều chỉnh, bổ sung Thông tư 33/2011/TT-NHNN, nhằm hỗ trợ vốn tín dụng cho các DN lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nữ trang. Đồng thời, chủ trương cho cấp phép nhập vàng nguyên liệu để sản xuất vàng nữ trang, mỹ nghệ và giao cho NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố cấp phép cho DN.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM, cho biết, cuộc khảo sát các đơn vị thành viên trong Hiệp hội cũng như một số DN lớn khác gồm PNJ, SJC và VJC... cho thấy, nhu cầu về vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ rất lớn.

Do đó, các đề xuất của DN về nhập vàng nguyên liệu đang được kiến trình lên NHNN. Điều kiện bắt buộc là DN nữ trang phải có giấy tờ đầy đủ về việc mua vàng để sản xuất nữ trang, nhằm tránh trường hợp DN vay tiền mua vàng miếng phục vụ kinh doanh, vốn không được khuyến khích.

UBND TP.HCM đã kiến nghị NHNN cho phép các tổ chức tín dụng được chủ động, xem xét việc cho các DN trong ngành này vay vốn để mua vàng nguyên liệu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất và xuất khẩu, góp phần phát triển thị trường vàng nữ trang.

Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục bán vàng miếng để đảm bảo cung cầu trên thị trường
Tại buổi họp báo tổng kết cuối năm của NHNN, đại diện NHNN cho biết, sự mất cân đối trên thị trường vàng đã giảm đáng kể so với trước đây, khối lượng đấu thầu mua vảng nguyên liệu cũng đã giảm. Tuy nhiên, thị trường vẫn tồn tại sự mất cân đối nhất định và chừng nào thị trường còn mất cân đối, thì NHNN vẫn tiếp tục bán vàng thông qua đấu thầu. Định hướng điều hành của NHNN năm 2014 là tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ được giao về quản lý thị trường vàng theo quy định tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP, tăng cường vai trò điều tiết đối với thị trường vàng, tiếp tục khắc phục tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế.

Tuy nhiên, đến hết năm 2013, chính sách hỗ trợ các DN trong ngành này vẫn chưa được thực thi. Nếu không kịp tháo gỡ khó khăn, nhiều DN lo ngại sẽ phải đóng cửa. Trong khi đó, ngành nữ trang Việt Nam được cho là đã có những bước tiến lớn so với 25 năm trước.

Số lượng DN sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực này cũng rất lớn, chỉ tính riêng tại TP.HCM có đến 3.500 DN, sử dụng hàng ngàn lao động. Các DN này đang có nhu cầu vốn lớn để đầu tư máy móc, thiết bị và nhập vàng nguyên liệu.

Một lãnh đạo của Công ty Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) cho biết, để xin được quota nhập khẩu vàng nguyên liệu sản xuất nữ trang không phải là chuyện dễ vì thế lâu nay, Công ty chủ yếu thu mua nguyên liệu ở thị trường trong nước, với giá cao hơn thế giới, vì thế chi phí sản xuất sẽ bị đội lên.

Trong khi đó, để cạnh tranh được với nữ trang nhập khẩu đang tràn vào Việt Nam ngày càng nhiều, đòi hỏi các DN phải đầu tư kỹ thuật, máy móc và giá thành sản phẩm phải phù hợp hơn.

Ngoài vấn đề vốn, nhiều DN đề nghị NHNN nên nhập khẩu vàng nguyên liệu để bán lại cho các DN có đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, những DN nhỏ có nhu cầu mua 3 - 5kg thì đến NHNN để mua nhằm tránh tình trạng mua phải vàng không kiểm soát.

Bên cạnh đó, đã có nhiều DN gửi đơn lên NHNN xin được nhập nguyên liệu sản xuất vàng nữ trang, nhưng NHNN chỉ cấp phép nhập khẩu hạn chế. Thực tế, không quá khó để DN có thể mua vàng nguyên liệu trên thị trường nhưng được nhập khẩu vàng với thuế suất 0% thì sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí, qua đó có thể kéo giảm giá thành sản phẩm.

Nhưng bài toán khó đặt ra cho NHNN là làm sao kiểm tra số vàng nhập khẩu được dùng để sản xuất nữ trang. Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho rằng, rất khó có thể xác định được việc nhập vàng nguyên liệu của DN trong lĩnh vực nữ trang là để sản xuất nữ trang hay là tái xuất vàng dưới dạng nữ trang biến tấu.

Chẳng hạn, khi xin nhập vàng nguyên liệu, DN cho biết để sản xuất mặt hàng nữ trang bán ra ở thị trường nội địa, nhưng khi thấy vàng thế giới cao hơn giá trong nước ngay lập tức DN lại có ý định tái xuất vàng nguyên liệu dưới dạng nữ trang biến tấu như: hòn non bộ hay một số hình thù khác... Trong khi, thực tế trên thế giới hiện nay không một quốc gia nào lại dùng vàng 9999 như Việt Nam để sản xuất nữ trang.

Vì thế, theo Thống đốc, NHNN không thể chấp nhận việc cho các DN sản xuất, kinh doanh nữ trang nhập vàng nguyên liệu, sau đó khi có cơ hội tái xuất và kiếm lời. Cũng theo Thống đốc, trong năm qua ngành ngân hàng đã quyết liệt trong việc đóng trạng thái huy động vàng.

Còn với trạng thái dư nợ cho vay vàng, đến nay toàn hệ thống còn xấp xỉ 5.000 lượng (tương đương 5 tấn vàng) cũng sẽ không tác động đến hệ thống khi các ngân hàng mua vàng tất toán và cân đối trạng thái.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nữ trang: Vàng mắt chờ vốn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO