Doanh nghiệp dệt may: Áp lực đứt gãy chuỗi cung ứng

P.V| 03/08/2021 06:00

Đó là nhận xét của ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May (Vitas), trong buổi chia sẻ về tình hình sản xuất và khó khăn của các DN dệt may trong bối cảnh dịch bệnh.

Doanh nghiệp dệt may: Áp lực đứt gãy chuỗi cung ứng

Phân tích về tình hình sản xuất kinh doanh trong tháng 8, ông Vũ Đức Giang nhấn mạnh đây là giai đoạn đặc biệt khó khăn, nhất là đối với các DN phía Nam do vấn đề giãn cách xã hội. Ông cho biết, chuỗi sản xuất của các DN đã đứt gãy đến 90%. 35% DN dệt may hiện đã phải đóng cửa, nhiều DN vừa và nhỏ buộc phải đóng cửa vĩnh viễn sau giai đoạn khó khăn này.

Nguyên nhân được ông Giang chỉ rõ, đối với các DN dệt may, phương án sản xuất 3T và “1 cung đường - 2 địa điểm” vẫn chỉ dừng ở mức độ lý thuyết.

Thứ nhất, không phải DN nào cũng có khả năng lo liệu một chỗ ở tập thể cho toàn bộ công nhân. Theo ông Giang, mô hình này chỉ có thể áo dụng với một số DN sợi, dệt do hoạt động sản xuất chủ yếu là máy móc, lượng công nhân cần để duy trì nhà máy không quá lớn. Đối với các DN ngành may mặc, rất khó để đáp ứng một cách nhanh chóng các cơ sở vật chất về chỗ ăn, ở và sinh hoạt cho công nhân.

Thứ hai, như Doanh nhân Sài Gòn từng phản ánh, hiện tại nhiều địa phương vẫn có những nhận thức khác nhau về mô hình này khiến việc quản lý thiếu nhất quán.

Theo số liệu của Vitas, trong 6 tháng đầu năm giá trị xuất khẩu ngành dệt may đạt 18,7 tỷ USD, trong khi mục tiêu của cả năm 2021 là 39 tỷ USD.

"Trong 5 tháng cuối năm, các DN chỉ có thể xuất khẩu trở lại nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn sau tháng 8. Ở kịch bản lạc quan nhất, chúng tôi chỉ có thể đạt được khoảng 32-33 tỷ USD trong năm nay", ông Giang chia sẻ.

Do không thể đảm bảo tình hình sản xuất theo kế hoạch, việc đứt gãy chuỗi cung ứng đang là áp lực lớn đối với nhiều DN. Với áp lực giao hàng cao của một ngành sản xuất theo thời vụ, nếu không thể giao hàng đáp ứng về mặt thời gian sẽ gây đứt gãy nguồn cung, khách hàng yêu cầu hủy đơn hàng, ảnh hưởng đến trung hạn năm 2022.

Về giải pháp ngắn hạn, mặc dù có phương án các DN phía Nam chuyển nguyên vật liệu ra phía Bắc để các DN dệt may tại đó hỗ trợ song ông Giang đánh giá điều này không quá khả quan do ảnh hưởng đến chi phí vận tải, thời gian giao hàng.

Về dài hạn, một trong những vấn đề đáng lo ngại hiện nay là tình trạng người lao động rời TP.HCM về địa phương tránh dịch. Khả năng người lao động quay lại khi các địa phương mở cửa là một thách thức lớn. Ông Giang dự đoán tỉ lệ quay lại chỉ đạt 60-65%. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn lao động nghiêm trọng trong thời gian tới.

Là 1 trong 4 hiệp hội cùng nhau gửi công văn tới Thủ tướng, kiến nghị đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine hoặc hỗ trợ DN mua vaccine để tiêm cho người lao động của các ngành hàng xuất khẩu, ông Vũ Đức Giang nhấn mạnh đây là vấn đề cấp bách và đặc biệt cần thiết do tỷ lệ được tiêm vaccine của ngành dệt may hiện nay còn rất thấp.

“Theo Vitas cập nhật tại TP.HCM, hàng loạt DN dệt may đã được tiêm vaccine cho công nhân. Tuy nhiên còn 18 tỉnh khác tỷ lệ vẫn còn rất thấp. Các DN trọng tâm ngành may chủ yếu ở miền Tây và Đông Nam Bộ.

Tổng kim ngạch xuất khẩu của các tỉnh từ miền Trung đổ vào chiếm đến 62% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành. Chính vì vậy, điều cấp bách hiện nay là Chính phủ cần đánh giá thực trạng ngành để có chính sách phân bổ vaccine về địa phương cho các tỉnh”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp dệt may: Áp lực đứt gãy chuỗi cung ứng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO